Thông qua Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật thành phố, lần đầu tiên ngân sách thành phố đầu tư làm các phim tài liệu (PTL) mới về đất và người Đà Nẵng.
Một cảnh trong phim tài liệu Lương duyên đời đạo: Các lương y tại Tuệ Tĩnh đường Lộc Quang-Hòa Vang đang cấp thuốc cho bệnh nhân nghèo. |
Theo đó, 3 bộ PTL mới về Đại tá Bùi Tùng, Nghiệp tuồng, Lương duyên đời- đạo, đang được Hội Điện ảnh thành phố tập trung hoàn thiện hậu kỳ, dự kiến ra mắt giữa tháng 11 và đầu tháng 12 tới. Tổng ngân sách đầu tư 30 triệu đồng/phim.
Làm mới từ đề tài...
NSƯT Huỳnh Hùng, Chủ tịch Hội Điện ảnh thành phố cho biết, 3 bộ phim mới về đất và người Đà Nẵng lần này đều là những ý tưởng đã được ông và các đồng nghiệp ấp ủ từ lâu. Riêng ông trực tiếp làm phim về Nghiệp tuồng. Đó là câu chuyện đầy ám ảnh về những nghệ sĩ yêu nghệ thuật tuồng thiết tha, sẵn sàng sống chết với nghề. Tuy nhiên, trong cuộc sống đời thường, họ gặp rất nhiều khó khăn. Họ phải làm những việc bất đắc dĩ để mưu sinh và để giữ nghề như: biểu diễn phục vụ du lịch, kể cả phục vụ các đám tang... Vì yêu nghề, sẵn sàng đi đến các cơ sở, các địa phương hướng dẫn các câu lạc bộ, đoàn tuồng nghiệp dư, giúp các đoàn này phát triển, nâng cao chất lượng. Bởi theo họ, đó cũng là một cách để giữ nghề.
“Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nguy cơ đánh mất giá trị truyền thống luôn hiện hữu. Chúng ta phải có cái gì để đề kháng. Bộ phim đề cao các nghệ sĩ yêu tuồng, qua đó đề cao các loại hình nghệ thuật dân tộc, văn hóa truyền thống. Hơn nữa, Quảng Nam - Đà Nẵng là mảnh đất của tuồng, nơi đây đã sản sinh ra những nghệ sĩ chân chính. Cần có sự khuyến khích tiếp nối để truyền thống tốt đẹp này được phát huy”, NSƯT Huỳnh Hùng lý giải.
Trong khi đó, phim Lương duyên đời - đạo (đạo diễn Phan Công Khương - Đài DRT) ghi lại vẻ đẹp của sự tương giao, hòa quyện giữa đạo (cụ thể là Phật giáo) và cuộc sống trên mảnh đất bên bờ sông Hàn này. Qua bộ phim, sẽ thấy rằng, Đà Nẵng là “mảnh đất lành” của đạo Phật, nơi mà quan niệm “tốt đời đẹp đạo” không chỉ dừng ở quan niệm, ở phương châm mà được các tăng ni, đạo hữu cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động như: cứu trợ, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, người bất hạnh...
Có thể nói, ở Đà Nẵng, Phật giáo đã nhập thế, đã gắn chặt với cuộc đời, góp phần làm cuộc sống tốt đẹp hơn, trọn vẹn hơn. “Bộ phim là cách chứng minh điều ngược lại với luận điệu xuyên tạc của một số thế lực chống phá cách mạng cho rằng Việt Nam đàn áp tôn giáo!”, NSƯT Huỳnh Hùng nhìn nhận.
Là đạo diễn trực tiếp của bộ phim, anh Phan Công Khương cho rằng, điều thôi thúc anh trong suốt thời gian làm phim Lương duyên đời - đạo là mong muốn góp phần khơi dậy lòng trắc ẩn, tính thiện trong mỗi người. Đạo diễn Công Khương chia sẻ thêm, điều thú vị nhất trong mỗi góc quay bộ phim chạm đến, anh nhận ra tính thiện, lòng tốt không mất đi mà nó luôn lấp lánh, ẩn tàng trong mỗi con người, trong cuộc đời này. Điều quan trọng là lòng tốt, tính thiện ấy có được khơi dậy hay không!
...đến kỹ thuật làm phim
Cùng một đề tài về đất và người Đà Nẵng, phim về Đại tá Bùi Tùng - một trong những người đầu tiên tiến vào Dinh Độc lập trong ngày 30-4-1975 lịch sử, người đã thảo thư đầu hàng cho Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa, hứa hẹn đem đến cho người xem nhiều cảm xúc. PTL về Đại tá Bùi Tùng là một cách thể hiện niềm tự hào về truyền thống quê hương.
Nhìn lại cả ba bộ PTL đang dồn sức hoàn thiện, NSƯT Huỳnh Hùng cho rằng, bản thân các đề tài không mới. Cái mới là cách thể hiện. Chính cách tiếp cận, lựa chọn kết cấu, chi tiết... đã làm mới đề tài. Và điều quan trọng nhất đối với người làm PTL là chọn lựa những chi tiết “đắt”.
Chẳng hạn, trong phim Nghiệp tuồng có cảnh quay về 3 NSƯT cùng ngồi trong một dàn nhạc đám tang, còn các diễn viên chính thì vào vai ông Tổng, là hình ảnh gợi nhiều suy nghĩ. Ngay một diễn viên nữ chính cũng vào vai ông Tổng, và một đoạn quay khác, chính cô diễn viên này còn đi khóc... thuê. Trong khi trước đó không lâu, cô là diễn viên đoạt Huy chương vàng trong một liên hoan tuồng lớn. Để thấy rằng, để sống được với nghề, với đam mê, những nghệ sĩ của chúng ta đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, nếu không nói là sự khắc nghiệt của cuộc mưu sinh.
Trong phim có đoạn phỏng vấn một nhà nghiên cứu Trung Quốc, như một sự đối sánh. Nhà nghiên cứu này nói rằng, ở Trung Quốc, diễn viên kinh kịch có cuộc sống rất nhàn hạ, họ chỉ hưởng lương và lo biểu diễn phục vụ ổn định tại các sân khấu, không phải lo toan, bươn chải nhiều. Chọn lọc chi tiết, bối cảnh, truyền tải những thông điệp gắn với cuộc sống đương đại chính là cách “tìm mới từ trong cái cũ”, đạo diễn Huỳnh Hùng đúc rút.
Ngoài ra, sức hấp dẫn của ba bộ PTL sắp ra mắt công chúng Đà Nẵng còn ở cách làm phim mới. Nếu như cách làm phim truyền thống nặng về ý tưởng chủ quan của đạo diễn, áp đặt, lời bình nhiều, thì cách làm mới tôn trọng thực tế, đề cao tính chân thực. Mọi hành động, cử chỉ lời nói trong phim đều xuất phát từ nhân vật. Phim thuyết phục khán giả bằng sự thật, khai thác triệt để âm thanh tiếng động của hiện trường. Các nhân vật xuất hiện tự nhiên, không gò ép. Bên cạnh đó, việc tiết chế tối đa lời bình, vận dụng những phương pháp thể hiện tối ưu của điện ảnh trực tiếp tại bộ ba PTL mới, khiến người ta tiếp tục kỳ vọng về những “mùa vàng” của phim tài liệu trên mảnh đất đầu biển, cuối sông này.
THANH TÂN