.

Hoàng Đặng và duyên nợ với nghề báo

.

Kể lại những ngày đầu công tác tại Báo Quảng Nam - Đà Nẵng (tiền thân của Báo Đà Nẵng), một điều rất đỗi tự nhiên và bất ngờ, họa sĩ Hoàng Đặng luôn nhớ “tiêu chuẩn mì sợi”. Bởi lẽ, đằng sau những “sợi mì khô cứng, loằng ngoằng” ấy là những kỷ niệm, vui buồn, những tình cảm bình dị, ấm áp không dễ quên với tờ báo mà ông đã gắn bó như duyên nợ từ sau ngày giải phóng Đà Nẵng đến nay.

Chân dung Hoàng Đặng và tự họa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chân dung Hoàng Đặng và tự họa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đối với họa sĩ làm báo như Hoàng Đặng, điều hạnh phúc nhất chính là cảm giác xao xuyến mỗi lần ngửi tờ báo còn thơm mùi mực vào mỗi sáng.

Đong đầy kỷ niệm

Lúc bấy giờ, dường như Hoàng Đặng chưa thực sự quen với sinh hoạt đời sống công nhân viên chức theo mẫu tiêu chuẩn và sổ gạo. Hằng tháng, ông nhường “tiêu chuẩn” của mình như nước mắm, muối, vải hay vật dụng cho sinh hoạt hằng ngày ở gia đình cho anh nhân viên đời sống ở cơ quan bởi ông chỉ có một mình, lại ở nhà trọ.

Trong các thứ tiêu chuẩn hằng tháng ấy, có lẽ ông chỉ thích và rất cần mì sợi - những sợi mì tuy khô cứng, dài ngoằng, màu vàng đậm, đôi khi mang những vết lốm đốm ẩm mốc nhưng thật tuyệt khi luộc chín và ăn với nước cá kho. So ra “tiêu chuẩn” này sang hơn bo bo hay sắn lát khô dành cho công nhân viên ở những nơi khác. Vào cuối mỗi tháng, ông thường chia nửa số mì sợi dành cho chủ nhà trọ. Người trong nhà rất vui với món quà nhỏ đều đặn này, chúng giúp họ đổi món được dăm bảy ngày, từ bột mì hấp chấm nước mắm sang mì sợi xào suông thấm đậm dầu ăn.

Về sau, khi rời Báo Quảng Nam - Đà Nẵng, tìm một công việc khác, Hoàng Đặng vẫn không thể quên “tiêu chuẩn mì sợi” đậm đà. Khác với thời đại kỹ thuật vi tính hiện nay, họa sĩ trình bày báo lúc đó khá nhọc nhằn, còn phải đếm chữ mỗi tin, bài, vẽ, kẽ chữ để thợ in khắc gỗ thay bản kẽm. Lại thêm công việc bị gộp lại, ngoài trình bày báo, ông còn phải trực nhà in - nghĩa là phải có mặt để theo dõi, chấm bông in thử, xem lại, chỉnh sửa các trang báo đã trình bày và chờ đến khi máy khởi động in để mang về tòa soạn bản in trang báo đầu tiên. Đến bây giờ khi nhớ lại, trong ông vẫn vẹn nguyên cảm giác xao xuyến mỗi lần ngửi tờ báo còn thơm mùi mực vào mỗi sáng.

Ở tòa soạn ngày ấy, nhà báo Trần Thúc, từ Hà Nội chuyển vào, là Thư ký tòa soạn, người thường xuyên làm việc với Hoàng Đặng trên bản trình bày báo, tranh vẽ, kiểu chữ. Nhà báo Nguyễn Thanh Sâm, Tổng biên tập, là người duyệt maquette sau cùng. Qua nhà báo Trần Thúc, từ sự cảm mến tính tình hòa nhã, nhẫn nại và hết sức cẩn trọng trong việc biên tập, đọc dò bản thảo trước và sau khi in của nhà báo này, Hoàng Đặng hiểu được công việc và ý thức trách nhiệm của người làm báo.

Đầu năm 1976, Hoàng Đặng được Ban Biên tập giao nhiệm vụ trình bày bìa 1, các trang ruột và minh họa cho đặc san kỷ niệm 1 năm Ngày giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng, một nhiệm vụ tưởng vượt quá sức của một người mới chân ướt chân ráo vào nghề như Hoàng Đặng. Và ông đã mất gần 4 tuần cho lần “thử sức” này, trong đó có thời gian khá dài để tìm kiếm, sửa chữa, trau chuốt, chọn tấm ảnh mang đầy đủ nội dung chủ đề đặc san ở bìa 1; kẽ chữ bằng tay từ manchette báo đến tít bài ở trang bìa và ruột báo…

Gần 2 tuần sau, ông túc trực tại nhà in để theo dõi từng công đoạn: các khuôn dòng chữ, các trang in màu, các trang in đen trắng, ảnh và các bản vẽ, v.v… cho đến khi đặc san hoàn tất. Không còn thời gian về tòa soạn, ông ở liền ngày liền đêm ở xưởng in. Có đêm, Ban biên tập cử người mang các tiêu chuẩn hằng tháng đến tận nhà in cho ông.

Đến nay, đặc san kỷ niệm 1 năm Ngày giải phóng đó, với mẫu bìa mang theo rất nhiều dấu ấn buồn vui của họa sĩ trình bày, vẫn thường được in trở lại trên Báo Đà Nẵng. Những dịp ấy, Hoàng Đặng cảm thấy lòng rộn ràng như khi cầm trong tay tờ đặc san vừa in còn thơm mùi mực ở xưởng in từ 40 năm về trước.

Còn nhớ, ngày rời báo, Ban biên tập tìm công việc khác cho Hoàng Đặng - làm giáo viên nhưng ông từ chối vì công việc giảng dạy không phù hợp với ông.

Niềm vui của họa sĩ làm báo

Hoàng Đặng rời Báo Quảng Nam - Đà Nẵng từ trước những năm 1980, nhưng bạn đọc của Báo Đà Nẵng mấy chục năm qua dường như đã quá quen thuộc với tên của ông, với những bài báo về lĩnh vực mỹ thuật quốc tế đều đặn ở Đà Nẵng cuối tuần, những bức ảnh minh họa cho các bài viết ở Trang đầu tuần. Thời gian gần đây, Hoàng Đặng còn vẽ minh họa cho các bài viết chuyên mục Ký sự pháp đình.

Không ngừng tìm tòi, học hỏi, khổ luyện, ngoài nghiệp vẽ, dấu ấn Hoàng Đặng còn được thể hiện ở nhiều bìa sách, tạp chí. Ông cũng thường xuyên vẽ phụ bản, minh họa, tranh vui, tranh biếm họa cho các báo, với bút danh Đan, Cốp… Biếm họa của Hoàng Đặng đã có mặt trên nhiều báo như: Lao Động, Tuổi Trẻ, Người Lao Động… và được đánh giá có phong cách riêng, khó thay thế.

Với một họa sĩ làm báo trách nhiệm như Hoàng Đặng, vẽ minh họa không dễ như người ta tưởng. Ông kể, có lần có người bạn làm công tác xuất bản truyện ngắn, tạp chí nhờ vẽ gấp bức họa hai người ôm nhau bên bờ suối để minh họa cho một truyện ngắn sắp xuất bản.

Dù rất gấp nhưng Hoàng Đặng vẫn buộc người bạn này gửi bằng được bản thảo của truyện, bởi ông phải đọc thì mới biết cần vẽ cái gì. Nhiều người nghĩ rằng, vẽ hai người ôm nhau bên bờ suối với một họa sĩ chuyên nghiệp thì chỉ cần vài đường là xong. “Nhưng vấn đề là họ ôm nhau buổi sáng hay buổi chiều, buổi tối; họ là hai người trẻ mới ôm nhau lần đầu hay vợ chồng lâu năm; cái ôm tái hợp hay tiễn biệt, lần sau chót… Không phải cái ôm nào cũng giống cái ôm nào”, Hoàng Đặng phân tích.

Trong thời gian cộng tác với Báo Đà Nẵng, có khi Hoàng Đặng gặp phải “đề tài” khó, như phải minh họa cho những điều rất tinh thần, không hình không khối, ví như đề bài “Người Quảng Nam hay cãi” thì phải vẽ làm sao, không thể vẽ hai người cãi nhau, hay một nhóm người cãi nhau là được. Phải làm sao để biết đấy là người Quảng chứ không phải là người Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay một địa phương nào khác.

Điều này đòi hỏi sự tinh tế, quá trình chiêm nghiệm và phải bắt được cái “thần” của sự vật, câu chuyện. Minh họa, với Hoàng Đặng, không là sự sao chép. Đôi khi chỉ cần một vài chi tiết, hình ảnh sẽ toát lên những thông điệp. Như một nhà báo thực thụ, ông luôn đòi hỏi khắt khe các yếu tố thời sự, mới mẻ, ý nghĩa và nghệ thuật trong các tác phẩm minh họa của mình. Ông gọi đó đều là những tác phẩm, bởi đó là sự đúc kết, là lao động báo chí và nghệ thuật thực sự.

Hoàng Đặng không chỉ chuyên nghiệp với nghề báo, mà ông xác định nghề nghiệp chính của mình là vẽ. Với Hoàng Đặng, không có khái niệm vẽ theo cảm hứng. Vẽ với ông là công việc hằng ngày, hôm nay vẽ xấu thì mai xóa vẽ lại cho đẹp. Ông quan niệm bức tranh của họa sĩ cũng như thửa ruộng của người nông dân, ngày nào cũng phải cày xới trên đó thì mới thu được thành quả.

Trò chuyện với chúng tôi, mỗi lần nhắc lại chuyện “tiêu chuẩn và sổ gạo”, Hoàng Đặng cười, ngơ ngác trả lời rằng vẫn còn nhớ “mùi hương mì sợi” thoang thoảng đâu đây. Có lẽ như một cơ duyên “định sẵn”, ông không quên nghề báo, hơn 30 năm nay ông vẫn cộng tác với Báo Đà Nẵng đều đặn, không mấy khi bỏ sót, vắng mặt, kể cả những thời gian ông đang triển lãm tranh ở châu Âu hay ở Mỹ. “Hiện tôi là cộng tác viên thường xuyên của Báo Đà Nẵng, tôi sẽ phấn đấu trở thành cộng tác viên… thường trực”, Hoàng Đặng nói vui.

Hoàng Đặng sinh năm 1951, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Mỹ thuật Đà Nẵng. Tranh của ông có trong sưu tập của Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (1980). Ông đã tổ chức triển lãm cá nhân tại Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh những năm 1987, 1997, 2005; triển lãm cá nhân tại Ireland và Mỹ năm 2006-2009…

NGỌC DUNG

;
.
.
.
.
.