.

Nhà văn Ma Văn Kháng: Một đời với chữ

.

Nhắc đến nhà văn Ma Văn Kháng, người ta nhớ ngay những tiểu thuyết của ông, như: Đám cưới không có giấy giá thú, Mùa lá rụng trong vườn, Đồng bạc trắng hoa xòe, Một mình một ngựa… Nhưng còn một Ma Văn Kháng khác - một người thầy nặng lòng với con chữ vùng non cao Tây Bắc. Dù viết văn hay dạy học nhưng cả cuộc đời ông đều gắn bó với chữ, nặng lòng với chữ.

“Tác phẩm một khi đã ra đời, hiện hữu bằng hình sắc cụ thể, thì đến lượt nó lên tiếng, nó đòi hỏi một sự đánh giá. Và đây, phần thưởng anh được nhận, một sự đánh giá công bằng, hoặc đôi khi có thể còn cao hơn cả sự công bằng thì cũng là rất tốt,  vì bao hàm trong đó đã có cả sự khích lệ, mong mỏi nữa ở anh”. 			Nhà văn Ma Văn Kháng
“Tác phẩm một khi đã ra đời, hiện hữu bằng hình sắc cụ thể, thì đến lượt nó lên tiếng, nó đòi hỏi một sự đánh giá. Và đây, phần thưởng anh được nhận, một sự đánh giá công bằng, hoặc đôi khi có thể còn cao hơn cả sự công bằng thì cũng là rất tốt,  vì bao hàm trong đó đã có cả sự khích lệ, mong mỏi nữa ở anh”. Nhà văn Ma Văn Kháng

Sống trong nghề thầy, viết về ông thầy

Độc giả từng đọc các tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng dễ nhận thấy hình ảnh người thầy trong nhiều trang viết của ông. Đa số là những người thầy, người cô gắn bó với học sinh vùng non cao Tây Bắc. Có thể đưa ra nhiều lý do để lý giải điều này. Nhưng có một lý do thuyết phục hơn cả, đó là nhà văn Ma Văn Kháng đã gắn bó cả một thời tuổi trẻ ở mảnh đất Lào Cai. 22 năm ăn dầm ở dề với người xứ đồng rừng đã để lại trong ông những ân tình và giúp ông hiểu về phong tục, tập quán nơi đây. Vì thế, những trang văn của ông thấm đẫm sương mù, gió lạnh và con người vùng núi cao.

Nhà văn Ma Văn Kháng kể: “Năm 1954, sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm ở Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), tôi lên dạy học ở miền núi Lào Cai, dạy trường cấp 2. Đến năm 1961, tôi về Hà Nội học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I. Năm 1963, tôi lại trở lên Lào Cai, dạy môn Văn và làm Hiệu trưởng trường cấp 3”. Chính điều này đã trở nên thân thuộc, như máu thịt để khi ông cầm bút là ông viết những trang văn về người giáo viên.  

“Những năm tháng sống ở vùng cao cho mình cái nhìn rất tốt đẹp về hình ảnh người thầy giáo. Thời đó, thầy giáo là một hình mẫu điển hình cho sự dâng hiến hoàn toàn cho học sinh. Thầy giáo không chỉ đứng lớp dạy chữ, dạy kiến thức cho học trò, mà còn đồng hành với học trò trong cả cuộc sống. Nhiều thầy cô đến tận nhà học sinh để dạy, để đưa các em qua sông qua suối, chứ làm gì có chuyện thầy dạy lấy tiền”, nhà văn Ma Văn Kháng tâm sự.

Ông nói thêm: “Tất cả vì học sinh thân yêu” là khẩu hiệu không phải là nói cho đẹp mà rất chính xác, sống động. Thầy giáo hồi đó có thể làm tất cả cho học trò, miễn sao học trò học giỏi, ngoan ngoãn, lễ phép. Chính vì thế, hồi đó, học sinh nhìn ông thầy như nhìn một thần tượng. Tôi còn nhớ, năm 1954, có một nhóm học trò lên thăm thầy. Học trò hỏi thầy ăn cơm chưa? Hôm nay ăn gì? Mình trả lời là vừa ăn xong, ăn rau muống với cá kho, học sinh ngạc nhiên. Thì ra học sinh cứ nghĩ mình như một vị “tông đồ”, một thần tượng, ăn uống cũng phải khác dân thường, chứ không nghĩ thầy cũng chỉ là một công chức ăn lương”.

Nhà văn Ma Văn Kháng quả quyết: “Tôi đã sống đời sống thực thụ của một ông giáo. Môi trường giáo dục, công việc, không khí tôi hít thở, buồn vui hằng ngày của tôi là cuộc sống quen thuộc, quen thuộc cho đến tận hôm nay. Sống trong nghề thầy, viết về ông thầy, âu cũng là chuyện thông lệ”.

Với đề tài thầy giáo và nhà trường, về tiểu thuyết thì nhà văn Ma Văn Kháng có 2 cuốn. Đó là cuốn Đám cưới không có giấy giá thú Gặp gỡ ở La Pan Tẩn. Ngoài ra, những truyện ngắn của ông mới là nơi chân dung người giáo viên hiện ra đậm đặc như: Thầy dạy tư, Người đánh trống trường, Thầy Phùng kỳ quặc… Đó là những tấm chân dung vui có, buồn có, nhưng thấm đẫm tình người nơi vùng núi cao heo hút.

Theo nhà văn Ma Văn Kháng, “bây giờ, để hình ảnh người thầy luôn sáng như một tấm gương, hay trở thành thần tượng, thành một hình mẫu lý tưởng, thậm chí thiêng liêng như xưa không dễ. Dẫu thế nào chúng ta cũng vẫn cần nâng cao giá trị tinh thần, tâm hồn con người trong đời sống xã hội. Làm sao để tâm hồn mỗi người đủ khỏe mạnh, kháng cự lại sự tha hóa từ bên ngoài xâm nhập vào. Vũ khí tinh thần, tâm hồn của con người sẽ giúp cân bằng sự tha hóa trong một bộ phận, đồng thời tránh xa được những cám dỗ vật chất, tránh xa những sự tầm thường”.    

Một số cuốn sách mới của nhà văn Ma Văn Kháng.  Ảnh: MAI HOÀNG
Một số cuốn sách mới của nhà văn Ma Văn Kháng. Ảnh: MAI HOÀNG

Nhà văn không ngại… máy tính

Mặc dù có nhiều trang văn về vùng cao nhưng nhà văn Ma Văn Kháng lại là người Hà Nội gốc. Ông tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh ngày 1-12-1936 tại làng Kim Liên (Hà Nội). Ở tuổi 79, ông đang sống trong ngôi nhà khang trang trong ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Chí Thanh. Dù tuổi cao nhưng hằng ngày ông vẫn đều đặn ngồi bàn viết. Mấy năm nay, những tác phẩm của ông vẫn đều đặn ra đời, có thể kể đến: Bến bờ, Chuyện của Lý (tiểu thuyết); Xa xôi Thôn Ngựa Già (tập truyện vừa); Nhà văn anh là ai, Phút giây huyền diệu (tiểu luận và bút ký)…

Có một điều khá thú vị, Ma Văn Kháng viết và làm việc với máy vi tính rất thành thạo. Nhiều người ở thế hệ ông đứng trước máy tính vẫn rất lơ ngơ, thậm chí “coi thường” máy vi tính, vì cho rằng viết văn bằng máy tính sẽ “trôi tuột” cảm xúc. Ma Văn Kháng không nghĩ thế. Ông nói: “Cái đó chỉ đúng khi mới làm quen, khi còn mày mò từng phím. Khi đã quen rồi thì vi tính thật tuyệt vời. Công việc trước đây phải giải quyết trong một tuần, giờ làm xong trong một buổi”.

Nhà văn của Mùa lá rụng trong vườn tâm sự: “Ngày trước viết tay, xong bản thảo rồi nhưng đôi khi ngại sửa. Mà mình có phải thiên tài đâu, có phải viết câu nào được ngay câu đó đâu. Khi đọc lại, muốn sửa nhưng nhiều khi ngại làm bẩn mất bản thảo, nên tặc lưỡi. Giờ có máy tính, không ưng sửa ngay, thay ngay. Thậm chí nhấc đoạn dưới lên trên, đảo ngược… thoải mái”. Rồi ông dẫn chứng : “Mình viết cuốn Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương một nửa đầu khi đó còn viết tay. Sau đó thuê người đánh máy, rồi mình viết tiếp nửa sau luôn bằng máy và sửa lại đoạn đầu cũng bằng máy”.

Hỏi nhà văn ai là “thầy dạy vi tính” cho ông, Ma Văn Kháng cười bảo: Con trai dạy học vi tính. Ban đầu cũng ngại lắm, nhưng rồi bây giờ đâm ra “nghiện”, không có là thấy thiếu.

Hằng ngày, ông vẫn vào mạng để check mail. Bạn bè có gì gửi qua mail cho ông đọc thì ông mới đọc, chứ không có thời gian và sức khỏe để lang thang các trang mạng. Ông cũng dùng thư điện tử để gửi tác phẩm của mình cho các nhà xuất bản, các tòa soạn báo.

Bây giờ, sắp bước vào tuổi 80, Ma Văn Kháng vẫn không ngừng tư duy, tìm lối thể hiện những đề tài mà ông đeo đuổi. Ông vẫn tiếc những ghi chép chi chít trong vài chục cuốn sổ tay - kết quả của những chuyến đi thực tế. Đó là những câu chuyện cuộc sống, vô cùng sống động nhưng để biến nó thành chất liệu văn học thì lại phải tìm cách xâm nhập, tìm cách thể hiện mới. Có cái ông đưa vào tiểu thuyết, có cái ông chọn đưa vào truyện vừa, nhiều cái ông đẩy vào truyện ngắn. Khi không dùng được vào 3 thứ kia, ông đưa vào bút ký, tiểu luận văn chương, thậm chí viết hồi ký. Ông là một “người chữ” thực sự. Chữ nghĩa đã dệt nên một tấm chân dung Ma Văn Kháng mà sau nhiều thập kỷ người ta vẫn tìm đọc. Và ông cũng nguyện cả cuộc đời mình phụng sự chữ!

MAI HOÀNG

;
.
.
.
.
.