Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 65 bia, biển di tích ghi lại những trận đánh của quân - dân Đà Nẵng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Làm sao phát huy giá trị của di tích này, thông qua đó giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ và người dân Đà Nẵng là điều cần quan tâm.
Bia di tích lịch sử được xây tại góc đường Quang Trung - Đống Đa. |
Ghi dấu quá khứ hào hùng
Trung tâm Quản lý di sản thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện có khoảng 65 bia, biển di tích lịch sử trên toàn thành phố. Có những bia được xây dựng kiên cố ngay tại nơi diễn ra sự kiện lịch sử, hay đơn giản đó chỉ là những biển ghi thông tin về sự kiện lịch sử và gắn vào tường ở nơi từng diễn ra sự kiện đó. Dù là hình thức nào nhưng những bia, biển đó cũng ghi dấu một thời chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân Đà Nẵng.
Tấm biển gắn ngay cổng chợ Cồn ghi lại chiến công của một nữ chiến sĩ biệt động thành: 13 giờ ngày 9-2-1972, chiếc xe Jeep chở tên trưởng ban mật vụ “Nha cảnh sát vùng I chiến thuật” cùng hai sĩ quan an ninh ngụy đã bị nổ tung tại ngã tư chợ Cồn, chiến công oanh liệt này do đồng chí Hồ Thị Phương, chiến sĩ ban an ninh quận 3 đã mưu trí tiếp cận gài chất nổ dưới gầm xe của chúng.
Chị Oanh, chủ tiệm vàng ở khu vực chợ Cồn cho biết: “Thỉnh thoảng có vài người khách Tây không biết họ lấy thông tin đâu, cũng đến đây thăm quan, chụp ảnh lưu niệm, tôi mới chú ý tấm biển này, chứ lâu nay không biết sự tồn tại của nó”.
Trong khi đó, tại góc đường Quang Trung - Đống Đa, bia tưởng niệm các chiến sĩ thuộc đại đội biệt động Lê Độ, những người đã chiến đấu, anh dũng hy sinh trong trận đánh vào đài phát thanh ngụy ngày 22-8-1968 được lập khang trang và được người dân thắp hương thường xuyên. Ông Nguyễn Thanh Tùng, nguyên Giám đốc Trung tâm văn hóa Đà Nẵng cho biết, trước đây, để tưởng nhớ những chiến sĩ này, người dân lập một am nhỏ trong một con hẻm trên đường Đống Đa, sau này lập bia tưởng niệm tại đây.
“Ai một thời sống trong bom đạn, trong giai đoạn kháng chiến ác liệt của dân tộc mới hiểu được giá trị lịch sử những bia, biển này. Đó là bằng chứng về các trận đánh góp phần giải phóng thành phố, giải phóng đất nước. Như trận chiến ở Kho xăng Liên Chiểu quá thần kỳ”, ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Liên Chiểu tự hào nói.
Theo ông Thanh, thời đó, kho xăng Liên Chiểu được xem là kho nhiên liệu nuôi phương tiện chiến tranh của Mỹ ở miền Trung, nơi Mỹ từng cho rằng, chỉ khi nào núi Hải Vân sụp đổ lấp hết vịnh Đà Nẵng thì Việt cộng mới đánh được. Nhưng Đại đội 1, Tiểu đoàn Đặc công 89 đã đặt 9 khối bộc phá vào các bồn xăng khổng lồ và cho phát nổ, tiêu hủy 20 triệu lít xăng, 9 toa tàu, diệt hàng trăm binh lính. Để có được chiến tích này, các chiến sĩ phải nhịn đói, nuốt từng cơn ho, thắp sáng ám hiệu bằng đom đóm… Nếu không bằng ý chí quật cường, bằng tình yêu nước mãnh liệt thì không có chiến thắng này…
Còn rất nhiều bia, biển di tích lịch sử khác nằm rải rác trên địa bàn thành phố, ghi dấu tích các giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, nhưng mấy ai biết đến và liệu đến một lúc nào đó sẽ bị lãng quên (!?).
Sẽ quy hoạch…
Nói về thực trạng bia, biển trên địa bàn thành phố, ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố cho biết, những năm qua, các hội, đoàn thể (nhất là Hội Cựu chiến binh) có vai trò rất lớn trong việc đóng góp kinh phí tự xây dựng bia tưởng niệm tại các địa chỉ gắn với vùng đất mình sinh sống hoặc từng chiến đấu. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, do không được tư vấn kỹ càng nên nhiều bia, biển mẫu mã không đạt, câu chữ thiếu chuẩn. Theo thời gian, nhiều bia, biển xuống cấp, hư hỏng... Vì vậy, việc tầm soát, kiểm kê, tôn tạo bia, biển là rất cần thiết và cấp bách.
“Bia hay biển di tích lịch sử thật ra chỉ là những thông báo về sự kiện lịch sử để người dân dễ dàng phổ cập thông tin. Vì thế, tùy theo tình hình thực tế, bối cảnh xung quanh mà lập bia, biển sao cho hợp lý, vừa hài hòa với không gian kiến trúc đô thị hiện đại, vừa đậm tính nghệ thuật mà vẫn bảo đảm sự trang nghiêm. Hơn nữa, làm thế nào để phát huy giá trị, tạo thành điểm đến của người dân và du khách khi tìm hiểu về lịch sử vùng đất Đà Nẵng mới là điều thật sự ý nghĩa.
Chúng tôi đã đưa kế hoạch tôn tạo, phát huy giá trị bia, biển di tích lịch sử vào đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể giai đoạn 2016-2020, hy vọng sẽ có sự quy hoạch đồng bộ về bia, biển di tích trong thời gian tới”, ông Tuấn cho biết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tùng nhận định: Bia, biển di tích lịch sử là những địa chỉ quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc ở mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
“Người ta cứ nói thế hệ trẻ quay lưng với lịch sử nhưng tự hỏi chúng ta đã giáo dục lịch sử như thế nào. Tại sao những điểm di tích lịch sử như thế không được giới thiệu đến đông đảo người dân và học sinh, để từ đó nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong các thế hệ người Việt Nam? Chúng ta rất khó bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử nếu không ứng xử văn hóa, có trách nhiệm với các di tích lịch sử”, ông Tùng băn khoăn.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ