Trong 4 trí thức người Việt ở Pháp xuống tàu về nước cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào hạ tuần tháng 10-1946 để giúp Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có 2 vị được nhiều người nghe tên biết tiếng là kỹ sư Phạm Quang Lễ - sau được Hồ Chủ tịch đặt bí danh là Trần Đại Nghĩa, và bác sĩ Trần Hữu Tước. Hai vị còn lại ít được nhắc đến là kỹ sư Võ Đình Quỳnh (người Quảng Ngãi) và kỹ sư Võ Quí Huân (người Đà Nẵng).
Kỹ sư Võ Quí Huân được tôn vinh là “cha đẻ của lò cao kháng chiến”. (Ảnh tư liệu) |
Carte d’ Identité/Thẻ căn cước của kỹ sư Võ Quí Huân cấp tại Paris ngày 25-4-1942 ghi rõ ngày sinh và nơi sinh của ông: ngày mồng 7-11-1912 tại Hải Châu, Tourane.
Thật ra, Võ Quí Huân quê Nghệ An - Carte d’ Identité năm 1942 của ông cũng ghi rõ nguyên quán là tổng Bích Hào, huyện Thanh Chương, nhưng ông luôn xem thành phố bên sông Hàn là quê hương thứ hai, bởi đây là nơi ông chôn nhau cắt rốn và khi lớn lên tham gia viết báo L’Activité Indichinoise/Đông Dương Hoạt động, ông thường lấy bút danh là Hải Châu. Và cũng chính nhờ nơi sinh là nhượng địa Tourane mà Võ Quí Huân có cớ khước từ hầu tòa khi tờ L’Activité Indichinoise bị chính quyền thực dân ra lệnh đình bản và truy tố.
“Cha đẻ của lò cao kháng chiến”
Chỉ 2 tháng sau khi đặt chân lên cảng Hải Phòng, Võ Quí Huân bước ngay vào cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm trường kỳ và gian khổ của dân tộc ta. Song hành với Trần Đại Nghĩa, Võ Quí Huân đã mang hết sở học của một người tốt nghiệp 3 bằng đại học kỹ thuật ở Pháp: kỹ sư cơ-điện, kỹ sư đúc-luyện kim và kỹ sư kỹ nghệ chuyên nghiệp, của một người từng đảm nhiệm vị trí kỹ sư trưởng tại nhà máy nghiên cứu sản xuất động cơ máy bay Potef, tích cực phục vụ kháng chiến trên lĩnh vực quân giới.
Ông cũng tự nguyện xin chuyển từ một cơ quan Bộ về công tác ở Liên khu IV nhằm có điều kiện thâm nhập thực tiễn địa phương. Và với sự chủ trì nghiên cứu thử nghiệm của Giám đốc Sở Khoáng chất kỹ nghệ Trung Bộ Võ Quí Huân, ngày 15-11-1948, mẻ gang đầu tiên từ quặng sắt Nghi Lộc được nhiệt luyện thành công tại lò cao đặt ở rừng Cầu Đất huyện Con Cuông với dung tích 450 lít, nhiệt độ gió nóng 400 độ C, áp lực quạt gió 400mm nước. Từ đóng góp quan trọng này, những trái lựu đạn, những quả mìn và nhiều loại vũ khí “Made in Vietnam” được xuất xưởng theo thiết kế kỹ thuật của Trần Đại Nghĩa cộng với nguyên liệu gang của Võ Quí Huân.
Trong thư gửi bác sĩ Trần Hữu Tước đề ngày 20-9-1947, Hồ Chủ tịch đánh giá cao cống hiến của Trần Đại Nghĩa và Võ Quí Huân: “… Nói chú biết, chú mừng: Tôi vẫn mạnh khỏe luôn. Mấy anh em cùng về một lần với chúng ta, chú Nghĩa và chú Huân làm việc rất hăng hái và đắc lực, đã gắng sức rất nhiều trong công việc kháng chiến”. Năm 1950, trước yêu cầu nhiệm vụ mới của ngành quân giới, Võ Quí Huân được điều động từ Liên khu IV ra Chiến khu Việt Bắc làm Trưởng ban Ban Kỹ thuật thuộc Cục Quân giới và được Cục trưởng Cục Quân giới Trần Đại Nghĩa phân công chỉ đạo trực tiếp công trình nghiên cứu luyện thép.
Và một lần nữa giữa núi rừng Việt Bắc, người kỹ sư sinh quán Đà Nẵng Võ Quí Huân lại thành công trong việc xây dựng lò cao luyện thép bằng phương pháp hồ quang điện. Luyện gang rồi luyện thép thành công là kết quả lao động đầy sáng tạo, là dấu ấn khó phai mờ trong đời hoạt động cách mạng của Võ Quí Huân, cho nên không phải ngẫu nhiên mà ông lần lượt đặt tên cho hai người con trai là Võ Quí Gang Anh Hào và Võ Quí Thép Hăng Hái. Đồng thời, Võ Quí Huân cũng rất xứng đáng được tôn vinh là “cha đẻ của lò cao kháng chiến”.
Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất của người trí thức Võ Quí Huân đối với ngành luyện kim là ở sự nghiệp “trồng người” mà ông theo đuổi từ rất sớm. Ngay khi bắt tay vào xây dựng lò cao luyện gang ở Liên khu IV, Võ Quí Huân đã nghĩ đến việc đào tạo những lao động kỹ thuật cao của ngành luyện kim Việt Nam. Chính ông đề xuất ý tưởng thành lập trường đào tạo kỹ thuật viên đầu tiên của ngành luyện kim Việt Nam Dân chủ cộng hòa mang tên Trường Cán bộ Kỹ thuật Trung Bộ. Ý tưởng mới mẻ nhưng không hề xa lạ này được thượng cấp chấp nhận và khóa thứ nhất khai giảng vào tháng 3-1947.
Với cương vị Hiệu trưởng, Võ Quí Huân cùng các cộng sự vừa lo công tác tuyển sinh, vừa biên soạn giáo trình, vừa tiến hành giảng dạy. Ngay trong năm 1948, nhà trường đã cung cấp cho công cuộc kháng chiến chống Pháp hơn hai chục kỹ thuật viên, trong đó có ông Hà Học Trạc sau này là đại biểu Quốc hội khóa X nhiệm kỳ 1997-2002 đơn vị thành phố Đà Nẵng. Trường Cán bộ Kỹ thuật Trung Bộ còn có thể được xem là tiền thân của Trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội được thành lập vào ngày 15-2-1955 cũng do thầy giáo kỹ sư Võ Quí Huân làm Hiệu trưởng.
Lấy người học làm trung tâm
Sau Hiệp định Genève 1954, Võ Quí Huân được phân công về tiếp quản và đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Trường Kỹ nghệ Thực hành do Pháp để lại. Vượt qua rất nhiều trở lực về chương trình đào tạo, về giáo trình và thiết bị dạy học, cả về chất lượng đầu vào của học sinh, với kinh nghiệm xây dựng và quản lý trường học trong chiến tranh, Võ Quí Huân cùng các cộng sự đã nâng cấp Trường Kỹ nghệ Thực hành thành Trường Kỹ thuật Trung cấp I Hà Nội thuộc Bộ Công nghiệp.
Điểm ngời sáng của Hiệu trưởng Võ Quí Huân là đã vận dụng nhiều cách nghĩ, cách làm giáo dục hiện đại vào thực tiễn dạy học. Cựu học sinh khóa I là kỹ sư Vũ Mạnh Hà nhớ lại cách tổ chức thi học kỳ môn Kỹ thuật đại cương rất ấn tượng của thầy mình: “Đến ngày thi, học sinh cả lớp tập trung, từng người trả lời câu hỏi được ghi trong phiếu bốc thăm (...) Hết thời gian chuẩn bị (...) thí sinh trình bày trực tiếp câu trả lời trước thầy và toàn lớp (...) Thầy Huân với cương vị trọng tài và trên hết là thầy dạy, đã làm dịu đi không khí tranh luận sôi nổi bằng những ý kiến đóng góp, nhận xét và bổ sung thêm các kiến thức sâu sắc hơn về các nội dung thí sinh đã trình bày và đang tranh luận với các bạn học”.
Kỹ sư Vũ Mạnh Hà còn khẳng định: “Cả cuộc đời cắp sách tới trường của tôi, kể cả sau này học đại học, tôi chưa từng thấy thầy giáo nào (kể cả giáo viên phổ thông lẫn giảng viên, giáo sư bậc đại học) lại có thể tổ chức thi cử môn học như thầy Võ Quí Huân”. Cách làm của thầy giáo Võ Quí Huân thể hiện quan điểm sư phạm hiện đại mà hiện nay chúng ta đương cổ súy: lấy người học làm trung tâm, xem người học là chủ thể quá trình đào tạo.
Trong thời gian Võ Quí Huân làm Hiệu trưởng, 3 lần nhà trường vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm: lần thứ nhất vào dịp Quốc khánh năm 1955, lần thứ hai vào ngày 27 tháng giêng năm 1957 và lần thứ ba vào ngày 27-5-1957.
Vinh dự này xuất phát chủ yếu từ thành tích xuất sắc của thầy và trò trong phong trào thi đua dạy tốt học tốt, nhưng có lẽ cũng xuất phát từ mối thâm tình của Hồ Chủ tịch đối với một trí thức Việt kiều từng cùng Bác về nước tham gia kháng chiến năm nào. Đến cuối năm 1959, Võ Quí Huân rời Trường Kỹ thuật Trung cấp I Hà Nội về công tác ở Bộ Công nghiệp nặng, nhưng hình ảnh thầy hiệu trưởng giỏi giang tận tụy yêu nghề yêu người vẫn luôn ngời sáng trong ký ức nhiều thế hệ học trò.
Công lao của nhà giáo - kỹ sư Võ Quí Huân, người trí thức chào đời ở Đà Nẵng hơn 100 năm trước, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp từ năm 1939, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1947, đã được Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ghi nhận và truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất vào năm 2012 và cũng vào năm này, quận Bắc Từ Liêm Hà Nội có một con đường được mang tên Võ Quí Huân. Đà Nẵng từng đặt tên đường Trần Đại Nghĩa vào năm 2000 và đặt tên đường Trần Hữu Tước vào năm 2014, giới Sử học Đà Nẵng rất mong trong kỳ họp cuối năm 2015 này, HĐND thành phố sẽ tiếp tục đặt tên đường Võ Quí Huân…
BÙI VĂN TIẾNG