Văn hóa - Giải trí
Xây mới, trùng tu nhiều bia, biển tưởng niệm
Sáng 25-11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) và các địa phương về hiện trạng bia, biển tưởng niệm trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 67 bia, biển tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ, các sự kiện lịch sử ghi dấu quá khứ hào hùng của quân và dân Đà Nẵng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Tuy nhiên, bia, biển tưởng niệm được xây dựng từ lâu, cộng thêm tác động thiên tai nên xuống cấp, hư hỏng nhiều.
Mặt khác, trước đây hầu hết bia, biển do Nhà nước đầu tư, nhưng những năm gần đây, các Hội, đoàn thể đã vận động kinh phí tự xây dựng hoặc trùng tu, tôn tạo bia, biển tưởng niệm tại các địa chỉ, di tích gắn với vùng đất họ sinh sống hay từng chiến dấu. Do đó, hiện trạng bia, biển tưởng niệm rất lộn xộn, thậm chí trở thành nơi thờ cúng…
Trước thực trạng này, Sở VH-TT&DL đề xuất tái dựng hai bia, biển gồm di tích Phòng tuyến Cổ Viện Chàm và đồn Võ Tánh (phường Bình Hiên, quận Hải Châu), di tích Rạp Lido (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu); đề nghị xây mới 5 bia, biển, gồm bia lưu niệm sự kiện trận đánh nhà máy đèn Liên Trì (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu), bia tưởng niệm thôn Đông Hồ (Điện Bàn, Quảng Nam), biển bến xe Lam – chợ Cồn (đường Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê), bia lưu niệm trận đánh Cổ Mân (phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ), bia đồng Phò Nam (xã Hòa Bắc, Hòa Vang); trùng tu, tôn tạo bia chiến thắng Đồn Nhất (đỉnh đèo Hải Vân), bia chiến thắng cầu Thủy Tú (Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu), bia chiến thắng kho xăng Liên Chiểu (Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu). Đồng thời, xây dựng hai tượng đài chiến tích Gò Hà và tượng đài chiến tích Hải Vân.
Kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng thống nhất đề xuất của Sở VH-TT&DL và các địa phương về tái dựng, xây mới, trùng tu một số bia, biển trên địa bàn thành phố. Đồng thời, yêu cầu Sở VH-TT&DL phối hợp với các địa phương và Sở Xây dựng tổ chức quy hoạch, phân loại, phân cấp nơi nào, sự kiện nào đặt bia, biển, tượng đài cho phù hợp. Sau khi quy hoạch, Sở Xây dựng lên phương án thiết kế đảm bảo tính thẩm mỹ lẫn yếu tố lịch sử.
Ông Đặng Việt Dũng cũng yêu cầu Sở VH-TT&DL soạn thảo quy chế quản lý bia, biển tưởng niệm nhằm chỉnh lý công tác quản lý chưa chặt chẽ lâu nay. “Phải xác định bia, biển, tượng đài tưởng niệm không chỉ là địa chỉ lịch sử giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ mà còn là địa chỉ văn hóa, công trình kiến trúc nghệ thuật đối với đô thị hiện đại. Do đó, cần phải đặc biệt quan tâm, quy hoạch hết sức thận trọng”, ông Dũng nhấn mạnh.
NGỌC HÀ