.
Café sáng

Một tháng ở quân trường

.

Cháu tôi, học năm thứ nhất đại học, được nhà trường xếp lịch đi học quân sự gần tròn một tháng. Trước khi lên trường quân sự (cách nhà khoảng 20km), cháu xếp đầy một va-li áo quần, chăn gối và các đồ dùng cá nhân; không quên đem theo 1 hộp muối lạc, sữa tươi và bánh trái. Cháu bảo, phải mang theo đồ ăn chứ đồ ăn trên đó cháu nghe nói dở lắm. Tuần trước, nó hỏi thăm dò mấy anh chị khóa trước, không biết các vị “tiền bối” truyền đạt thế nào, mà những cô cậu tân sinh viên nghĩ thời gian mình đi học quân sự như “đi đày”, chứ không phải là một kỳ rèn luyện thể lực, tính kỷ luật và môi trường sống - làm việc vì cái chung.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đi học quân sự, nhưng đến cuối tuần, các cháu được nghỉ, được về nhà hẳn hoi. Cháu và các bạn thuê hẳn một chuyến taxi về trường, rồi gọi người thân đến đón.

Trên đường đưa cháu từ trường về nhà, nó kể đủ chuyện, chuyện ăn, chuyện ngủ, chuyện học tập, chuyện thiếu thốn đủ thứ và kết một câu: “Hai ngày đầu mới lên trường, cháu chỉ muốn trốn trại. Đến giờ thấy quen rồi, có thể ở lại ngày cuối tuần cũng được”. Chồng tôi nghe hai từ “trốn trại” thì tặc lưỡi: Đi học quân sự mà đòi trốn trại!

Chưa hết, tuần đầu học quân sự, chúng tôi thấy cháu viết trên trang facebook cá nhân: mình ghét nhất ngày thứ ba và thứ năm! Cứ nghĩ, chắc hai ngày đó cháu phải gội đầu, phải bỏ tiền ra để dùng nước ở căn-tin nhà trường, tóc dài lại không được sấy, nên thấy bất tiện.

Hôm sau nữa, thấy cháu đăng dòng trạng thái: hội những người “lót dép” chờ người thân đến thăm! Hỏi ra mới biết, nhóm bạn cháu có 6 nữ, không có người thân, cũng chẳng có bạn trai, bạn gái nào đến thăm vào 2 ngày trong tuần, vốn được nhà trường quy định.

Đi học quân sự, nhà chỉ cách trường 20km thì thăm để làm gì! Tôi còn nghe cháu kể, có bạn gái nghe bố mẹ gọi điện sẽ lên thăm, liền nhắc bố mẹ “nhớ đưa con chó lên cho con nghe”!

Bữa sau đó, có công việc đi ngang trường quân sự thành phố, tôi ghé vào thăm cháu, mua cho cháu và các bạn một gói thức ăn, thấy ở cổng trường tấp nập như ngày hội, ô-tô, xe máy ken dày. Ai đến đây cũng tay xách nách mang, cũng chủ yếu là mang đồ ăn “tiếp tế”.

Các cháu đi học quân sự mà sao vẫn thích sống một cuộc sống đủ đầy. Vẫn biết đó là nhu cầu của con người, nhưng cứ nghĩ, nếu đi đến đâu, các cháu vẫn muốn mang theo một cái tủ lạnh có đủ đồ ăn, nước uống, nhất quyết không muốn từ bỏ một cuộc sống đủ đầy vật chất, thì khi ra đời, gặp những khó khăn trong cuộc sống, các cháu lấy cái gì bù đắp vào phần thiếu hụt đó, chẳng lẽ lại ngửa tay xin “trợ cấp” từ bố mẹ.

Và nữa, cô giáo cũ của tôi từng than rằng, khi còn học phổ thông, thấy bọn trẻ con mắt kính cận chúi mũi vào học. Hết giờ học ở trường lại tất bật đi học thêm.

Đến khi vào được một trường đại học nào đó, thay vì chúng ta được nhìn thấy những gương mặt sinh viên tươi sáng, đầy hoài bão, thì thấy nhiều khuôn mặt rầu rĩ như người đói ăn, ngồi khoanh chân trên ghế trong quán cà-phê trước cổng trường nhìn khói thuốc bay.

Đôi khi những người tuổi đời khoảng 35 trở lên tặc lưỡi lo lắng rằng, sao thế hệ bây giờ chuộng vật chất quá, sống chỉ biết mình, không biết quan tâm ai. Bây giờ, những gia đình bình thường cũng có đủ ti-vi, tủ lạnh, xe máy, có thể không giàu nhưng cũng không để các con khổ, các con luôn “bằng bạn bằng bè”, nên các cháu không hiểu hết những lo toan, vất vả của người lớn.

Và cháu tôi không hiểu môi trường quân sự với tính kỷ luật nghiêm khắc, khẩu phần ăn như nhau, môi trường rèn luyện như nhau, không phân biệt người giàu - người nghèo, không có người đắp chăn ngủ kỹ và người lao động giữa trời rét mướt. Một tháng trong môi trường quân ngũ, cháu sẽ hiểu giá trị của vật chất, của tinh thần, của sự hy sinh và tinh thần đồng đội. Để hiểu được điều đó, có lẽ thời gian học quân sự của những cô cậu tân sinh viên nên tăng lên thành 2 tháng, mới đủ đầy với cụm từ “rèn luyện”.

SONG LINH

;
.
.
.
.
.