Trịnh Kim Chi nói rằng, đam mê nào cũng nghiệt ngã, để được sống với nghề luôn phải đánh đổi, trả giá. Nhưng may mắn là sự đánh đổi chị không quá khắc nghiệt để giờ đây chị được sống trọn vẹn với nghề mà không phải day dứt gì thêm.
Trịnh Kim Chi trong vở kịch Tiếng hát réo linh hồn. Ảnh: PHẠM THIẾT MẪN |
Thao thức với vai diễn
Khi đang học năm 2, lớp diễn viên, khoa Diễn viên khóa 14 năm 1990 của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh, Trịnh Kim Chi có được vai chính đầu tiên trong phim truyền hình và trên sân khấu kịch. Năm 1994, chị liều thi hoa hậu toàn quốc, ẵm luôn giải “Á hậu”.
Thừa thắng xông lên, cô gái xinh đẹp ra sức “cày cuốc” trên mảnh đất nghệ thuật: nào là đóng phim, đóng kịch, làm người mẫu ảnh, đi hát… Thế mà cái thời nhan sắc rực rỡ, tuổi xuân phơi phới ấy, Trịnh Kim Chi lại không may mắn ghi được dấu ấn nào sâu đậm trong lòng công chúng.
Ngỡ tưởng “theo chồng bỏ cuộc chơi”, nhưng sau khi sinh con, chị quay lại nghệ thuật, bắt đầu mở những cánh cửa mới, và mở tới đâu là thấy ánh sáng thành công đến đó.
Trên phim, Trịnh Kim Chi là sự lựa chọn hàng đầu cho những vai bà mẹ. Có lúc là người phụ nữ tảo tần, chịu thương chịu khó trong các phim Trái tim hoa hồng, Chuyện tình bà nội trợ; có lúc là người mẹ độc ác, mưu mô trong các phim Khúc tương tư, Đam mê nghiệt ngã, Tình như tia nắng…
Ở vai chính diện, chị lấy được sự thương cảm bao nhiêu thì ở vai phản diện, chị khiến người xem “sởn gai ốc” bấy nhiêu. Trong phim Đam mê nghiệt ngã (vừa phát sóng trên VTV3), đạo diễn Nguyễn Minh Chung không ngại khen ngợi: “Nếu không phải là người có nội lực diễn xuất kinh khủng như Trịnh Kim Chi thì khó vào vai bà Lan - người phụ nữ uy quyền, độc đoán, cay nghiệt, được ví như con quạ đen”.
Trịnh Kim Chi bảo, nếu những vai diễn độc ác khiến mình ám ảnh, tâm lý nặng nề, nhiều lúc về nhà cứ sợ bức xúc, nổi nóng xúc với chồng thì những vai diễn nghèo khó luôn khiến chị thao thức: “Khi bước vào vai diễn, tôi khóc cho cả một lớp người phụ nữ. Tôi nghiệm ra bất kỳ thời đại nào, sự đau khổ của người phụ nữ chẳng bao giờ dứt. Ngay cả trong thời điểm hiện tại, khi xã hội tiến bộ về mọi mặt, người phụ nữ được đứng ngang vị trí của nam giới, họ vẫn chịu thiệt và mất mát. Ngoài những khó khăn trong cuộc mưu sinh, phụ nữ còn hao tổn bao tâm sức trong việc sinh và chăm sóc con cái, giữ hạnh phúc gia đình”.
Nếu ở phim ảnh, Trịnh Kim Chi “lên lão” sớm thì ở sân khấu, nhan sắc của chị được tỏa sáng hơn trong những vai đào đẹp. Khán giả khó có thể quên được một Đào Xuân lẳng lơ, điêu ngoa nhưng cõng lên lưng mình nhiều khắc khoải, đớn đau trong vở kịch Làm…, một thời “làm mưa làm gió” trên sân khấu Phú Nhuận (thành phố Hồ Chí Minh).
Chỉ dưới ánh đèn sân khấu, khán giả mới thấy lớp diễn sâu sắc, tinh tế và cả vẻ đẹp, sức quyến rũ mặn mà của chị. Trịnh Kim Chi bảo đó là một vai đẹp và hiếm trong hành trang sân khấu của mình. Mặc dù vậy, với những vai diễn sau này, chị cũng đi vào thân phận nhân vật như một lữ khách chưa từng đau khổ, chưa từng gặp bi kịch trong cuộc sống. “Tôi có khát khao được sống và sẽ sống bằng niềm thao thức của mình”, Trịnh Kim Chi nói.
Đam mê nào cũng nghiệt ngã
Giữa lúc các sân khấu kịch tại thành phố Hồ Chí Minh lâm vào cảnh đìu hiu, có nguy cơ đóng cửa thì Trịnh Kim Chi lại mở thêm sân khấu mới tại rạp Hồng Liên (quận 6, thành phố Hồ Chí Minh). Mới nghe Trịnh Kim Chi đi đóng phim, mở sân khấu kịch cà-phê, mở lớp đào tạo diễn viên trẻ rồi, giờ lại mở thêm sân khấu kịch nữa.
Chị làm nghệ thuật sao cứ ào ào thế không biết. Nhưng Trịnh Kim Chi chẳng bảo “nghệ thuật có ma lực” với chị còn gì! Khó có thể hình dung được một người phụ nữ nhẹ nhàng, dịu dàng như thế là gánh vác cùng một lúc nhiều công việc, nhiều vai trò. Trước mặt chị là khán giả, sau lưng chị là học trò, bên phải là sân khấu, phim ảnh, bên trái là kinh doanh, gia đình. Với mối quan hệ nào, công việc nào, chị cũng tận tâm và xoắn xuýt.
Tuy nhiên, điều mà Trịnh Kim Chi muốn làm với sân khấu chưa dừng lại ở đây. Chị bảo mình còn nhiều ước nguyện để sân khấu ở thành phố Hồ Chí Minh không mất đi không khí nhộn nhịp như thời gian qua, để có lớp diễn viên trẻ thừa tài năng, nhiệt huyết làm người kế cận.
“Nhiều lúc tôi nghĩ mình cũng đa đoan quá nhưng nghệ thuật quan trọng với tôi như sự sống, hơi thở. Nếu bỏ thì biết bỏ cái nào, thôi thì ráng sắp xếp thời gian để chu toàn tất cả”, chị chia sẻ. Có một điều ngạc nhiên ở Trịnh Kim Chi là dù công việc vất vả cỡ nào, chị cũng không than vãn, kể khổ. “Lúc khó khăn nhất, tôi đã nghĩ về những gì mình đã đạt được: chồng ủng hộ, con cái ngoan hiền, khán giả yêu thương, nghĩa là mình đã được trời thương, cho quá nhiều thì phải cố gắng trả”, chị kể.
Có nhan sắc, tài năng, Trịnh Kim Chi dường như được sinh ra và lớn lên trong môi trường thuận lợi để đợi những may mắn đến với mình. Nhưng để có được tên tuổi và vị trí như ngày hôm nay chị đã phải nỗ lực và đánh đổi một cách thầm lặng.
Chị tần ngần: “Có đam mê nào mà không nghiệt ngã, mình luôn phải đánh đổi và trả giá để được sống với nghề. Rất may là sự đánh đổi của tôi không quá nhiều, không khắc nghiệt đến mức ồn ào để mọi người nhìn thấy. Đó là những cơ hội bị đánh rơi, những ước mơ dang dở nhưng nó đã qua lâu rồi”. Nghệ thuật không thể có nếu thiếu cuộc sống.
Một Trịnh Kim Chi thăng hoa trên sân khấu - dĩ nhiên đó là một hành trình của chị có đủ buồn, vui, chạnh lòng, cô đơn, khắc khoải. Nhưng với những gì không vui, ký ức của chị bây giờ là một màu trắng xóa. Thành ra có ai hỏi, chị cứ xua tay: “Đời tôi êm ru à!”.
Người đàn bà đẹp
Trịnh Kim Chi không chỉ là người đàn bà đẹp mà còn đẹp mọi lúc, mọi nơi, không chỉ đẹp mà còn biết cách làm đẹp. Công việc nhiều là vậy nhưng chị luôn dành thời gian ăn, ngủ, tập luyện thể thao chăm chỉ. Hơn nữa, với tính cách có phần vô tư, ngại bon chen, ngại va chạm, chị giữ được tâm hồn nhẹ nhàng.
Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi bước qua tuổi 40, Trịnh Kim Chi vẫn cứ mang dáng vẻ của một tiểu thư đài cát. Chị quan niệm: “Làm nghệ thuật phải biết giữ thanh sắc. Với phụ nữ, điều này lại càng quan trọng. Làm đẹp không chỉ cho mình mà còn thể hiện sự tôn trọng với người đối diện”.
Nhiều người còn biết Trịnh Kim Chi có khả năng gần gũi vô tận. Với chị, hình như mọi người trên khắp thế gian đều có thể là bạn. Mặc kệ họ là ai, sang - hèn, giàu - nghèo, trai - gái, già - trẻ… Quần quật trên thương trường với những tính toán khắc nghiệt, trái tim người phụ nữ này vẫn không hề chai sạn.
Chị vẫn đầy mẫn cảm và tinh tế với cuộc sống. Trong gia đình, chị không phải là phụ nữ thích quăng con cái cho người giúp việc. “Bận rộn cách mấy tôi cũng tranh thủ về nhà trước 16 giờ để lo cơm nước cho chồng, con, rồi sau đó đi đâu thì đi”, chị bảo. Sâu trong ánh mắt của người phụ nữ đã qua tuổi tứ tuần, hào quang nghệ thuật vẫn hiện hữu, khát khao cống hiến vẫn mãnh liệt nhưng không sao mạnh mẽ bằng thứ hạnh phúc có được sự sự viên mãn của gia đình.
PHƯƠNG NGUYÊN