.

Tình nghệ sĩ

.

Dưới ánh đèn sân khấu, những người nghệ sĩ lộng lẫy, rạng ngời, hãnh diện nhận những tràng pháo tay. Nhưng khi “sân khấu hạ màn”, cuộc đời họ rất buồn, thậm chí cả đau thương… Đó là tâm sự về giới ca sĩ, nhạc công không chuyên ở Đà Nẵng về nghiệp cầm ca.

Ca sĩ Thanh Trà biểu diễn trong đêm nhạc “Đời còn yêu thương”.  Ảnh: HÀ THU
Ca sĩ Thanh Trà biểu diễn trong đêm nhạc “Đời còn yêu thương”. Ảnh: HÀ THU

Xót xa nghiệp cầm ca

Nhạc sĩ Nguyễn Đức, Chủ nhiệm CLB Sáng tác trẻ thành phố tâm sự rằng, ngoài những ca sĩ, nhạc công đầu quân cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Nhà nước hoặc mở lớp dạy nhạc, Đà Nẵng hiện có rất nhiều ca sĩ, nhạc công không chuyên. Để sống được với nghề, họ phải lăn lộn mưu sinh từ hát phòng trà, vũ trường đến hát đám cưới, thậm chí đám ma…

“Cái nghề này khổ là khổ vậy đó, nhưng nhiều anh em đồng nghiệp khéo giấu quá nên ít ai biết hoàn cảnh thực của họ. Đến khi họ xảy ra chuyện mới thấy chạnh lòng. Có người đám tang phải mượn nhà bà con do sống nhà thuê, có người bị bạo bệnh, không một đồng chữa trị. Có người ra đi, để lại mẹ già, con thơ không ai chăm sóc… Có thể họ đủ khả năng sống bằng nghề khác, nhưng như cái nghiệp, họ đam mê ca hát, đam mê ánh đèn sân khấu, tiếng nhạc xập xình một cách lạ lùng”, nhạc sĩ Nguyễn Đức xúc động nói.

Nằm trên giường bệnh với dáng vẻ hao gầy, xanh xao, ca sĩ Hoàng Kim chia sẻ: Từ thành phố Vinh, mang theo nỗi buồn riêng, chị vào Đà Nẵng sinh sống bằng nghề ca hát. Sẵn có chất giọng, đam mê nghề, chị cũng dần có sô, đủ trang trải cuộc sống.

Song hồi tháng 5-2015, chị phát hiện mình bị bệnh, nằm viện hơn một tháng ở Bệnh viện Đà Nẵng, tưởng rằng đã khỏi nhưng ngờ đâu, sau mấy tháng hồi phục, giờ lại biết tin bị bạo bệnh!

“Vài tháng trước, tôi còn đứng đây, tại bệnh viện này (Bệnh viên Ung bướu Đà Nẵng - PV), hát cho các bệnh nhân ung thư nghe. Nào ngờ bây giờ mình nằm đây. Tôi còn nhiều việc dở dang lắm. Mong sao có cơ hội quay về 5-10 năm nữa cũng được, để tôi tiếp tục sống, chia sẻ với nhiều hoàn cảnh bất hạnh như mình. Chưa bao giờ tôi khát khao được đứng dưới ánh đèn sân khấu như lúc này”, ca sĩ Hoàng Kim thở dài.

Ngoài Hoàng Kim, một số trường hợp ca sĩ, nhạc công như nghệ sĩ guitar Đại Thịnh, tay trống Tâm ke, rocker Hồ Duyên... cũng đang bị bệnh nặng nhưng hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Gần đây, ca sĩ Phương Mai, nghệ sĩ múa Ngọc Nữ, nghệ sĩ guitar Anh Bằng, nghệ sĩ organ Chính Lý cũng qua đời khi tuổi còn trẻ, để lại mẹ già, vợ thất nghiệp, con nhỏ.

Đó là những mảnh đời nghệ sĩ tận tâm với nghề nhưng gặp nhiều bất trắc trong cuộc sống...

Vũ đoàn Sắc Việt với tiết mục múa Tình nón tại đêm nhạc “Đời còn yêu thương”. 		                    Ảnh: H.THU
Vũ đoàn Sắc Việt với tiết mục múa Tình nón tại đêm nhạc “Đời còn yêu thương”. Ảnh: H.THU

Đời còn yêu thương

Những ngày cuối tháng 11 vừa qua, anh chị em làm nghệ thuật tại Đà Nẵng đã sống trọn vẹn với nhau trong sự ấm áp của tình nghệ sĩ qua đêm nhạc “Đời còn yêu thương”, do nhạc sĩ Nguyễn Đức và CLB Sáng tác trẻ Đà Nẵng tổ chức, nhằm ủng hộ tinh thần và một ít tiền để nghệ sĩ vượt qua khó khăn. Một đêm nhạc quá nhiều cảm xúc khi các nghệ sĩ cùng chung tay, góp sức, từ âm thanh, ánh sáng, ca sĩ, nhạc công, nhạc sĩ, vũ công…

Theo nhiều nghệ sĩ, “đó là lúc họ sống thật nhất, không phải là hào nhoáng bên ngoài mà đó là sự ấm áp của tình nghệ sĩ”. “Rồi sẽ có “Đời còn yêu thương 2”, thậm chí nhiều đêm nữa. Nghệ sĩ chúng tôi, đa phần là nghèo, nhưng sống được là nhờ giàu tình cảm.

Chúng tôi hy vọng cùng chung tay giúp đỡ những số phận đáng thương, khơi gợi cảm xúc yêu thương trong mỗi con người bằng âm nhạc. Bởi như lời bài hát Đời còn yêu thương được chọn làm chủ đề cho chương trình: Trao nhau bao niềm tin, thắp lên niềm hy vọng, để thấy yêu thương nhiều, quanh ta đời còn nhiều âu lo”, nhạc sĩ Nguyễn Đức nói.

HÀ THU

;
.
.
.
.
.