.
MÚA RỐI NƯỚC

Làn gió mới cho hoạt động giải trí

.

Thời gian gần đây, nghệ thuật múa rối nước đã được các diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trình diễn tại Công viên 29-3 thu hút khá đông khán giả. Đây được coi  như làn gió mới đối với hoạt động giải trí thành phố.

Diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh hào hứng thử sức với loại hình múa rối nước.
Diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh hào hứng thử sức với loại hình múa rối nước.

Thích thú với múa rối nước

Những ngày cuối năm 2015, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn miễn phí 1 tuần lễ phục vụ khán giả. Mỗi ngày 2 đến 3 suất, nhưng suất nào cũng đầy ắp người xem.

Chị Nguyễn Lam Trân (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) chia sẻ: “Bé nhà mình mới 3 tuổi và lần đầu tiên mình thấy con bé xem hồ hởi, thích thú như vậy. Mình cảm thấy vui lây theo con trẻ. Khi coi trò diễn Cáo bắt vịt, về nhà bé tự đặt ra câu hỏi: con gì bắt con vịt hè? Con cáo trèo lên cây gì hè? Rồi tự kể lại câu chuyện ông bà già, đàn vịt, con cáo... Mình nghĩ đây là hướng giáo dục cái hay, cái đẹp cho trẻ con”.

Ngoài trò “Cáo bắt vịt”, những trò còn lại Tễu giáo trò, Trâu sáo, Cấy cày, Câu ếch, Cụ bơi và úp nơm, Đua thuyền, Tứ Linh... đều là những câu chuyện dân gian gần gũi, hiện lên sinh động qua hình ảnh con rối bởi diễn viên điều khiển.

Không chỉ người xem hào hứng với trò múa rối nước mà ngay chính diễn viên trình diễn múa rối nước cũng bị thu hút. Có dáng người nhỏ bé, nhưng đôi tay của diễn viên Kim Oanh khéo léo điều khiển con rối có trọng lượng khá nặng.

Quệt mồ hôi sau buổi diễn, Kim Oanh cười vui: “Hơn một tháng được các nghệ sĩ múa rối ở Nhà hát múa rối Thăng Long truyền nghề, anh em trong nhà hát mới cơ bản nắm bắt được những kỹ thuật điều khiển con rối. Nếu so với diễn tuồng thì cái nào cũng khó, đòi hỏi sự kiên trì tập luyện, sự đam mê”.

Sản phẩm du lịch mới

Biểu diễn rối nước ở Đà Nẵng được Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam hỗ trợ thực hiện, qua việc đào tạo nghệ sĩ và hỗ trợ con rối. Là người trực tiếp hướng dẫn cho các diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, nghệ sĩ Y Ban - Nhà hát múa rối Thăng Long nhận xét: “Dù lần đầu tiếp xúc, nhưng các diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn rất tốt nên tôi tin thời gian đến họ sẽ thuần thục hơn với loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự khéo léo này”.

Hiện nay, múa rối nước được xem là loại hình nghệ thuật duy nhất có ở Việt Nam. Điều tạo nên sức hút của múa rối nước không chỉ ở sự khéo léo của người điều khiển, không chỉ ở chuyển động uyển chuyển và mộc mạc của những con rối mà còn ở chỗ mỗi trò diễn phản ánh cuộc sống sinh hoạt của cư dân lúa nước.

Tại miền Bắc - cái nôi của múa rối nước, khán giả khá thích trò diễn này. Đặc biệt ở Hà Nội, Nhà hát múa rối Thăng Long mỗi ngày diễn 6 suất múa rối nước và mỗi suất thu được 30 triệu đồng. Mới đây, thành phố Hội An (Quảng Nam) đưa nghệ thuật múa rối nước vào phục vụ khách du lịch cũng gặt hái được nhiều thành công. Do đó, đưa múa rối nước vào thành phố du lịch như Đà Nẵng, Tổng cục Du lịch Việt Nam hy vọng đây sẽ là chương trình nghệ thuật truyền thống phục vụ phát triển du lịch.

Là đơn vị được “hưởng thụ” loại hình nghệ thuật này, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phấn khởi: “Tôi kỳ vọng múa rối nước sẽ thu hút được khán giả và có chỗ đứng ở Đà Nẵng, bởi đây là nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc, không chỉ tạo thêm thu nhập cho diễn viên, mà nó còn giúp quảng bá, tạo sản phẩm mới cho du lịch Đà Nẵng”.

Cũng theo ông Tuấn, trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân sắp tới, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sẽ tiếp tục biểu diễn múa rối nước phục vụ người dân và du khách tại Công viên 29-3. Về lâu dài, thành phố đã đồng ý chủ trương xây dựng khu vực biểu diễn múa rối nước.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.