Văn hóa - Giải trí
Cần làm ăn tử tế hơn
Tối thứ bảy tuần qua, chúng tôi cùng gia đình người bạn đang dạo chơi ở khu vực công viên phía Đông cầu Rồng (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) thì được một bạn trẻ chào mời tham gia du thuyền trên sông Hàn, do tàu Bảo Anh tổ chức.
Khi chúng tôi hỏi giá, nhân viên này cho biết 100.000 đồng/lượt cho người lớn và 50.000 đồng cho thiếu niên, thiếu nhi thì miễn phí. Cả đoàn gồm 4 người lớn và 3 trẻ em được tính giá tổng cộng 450.000 đồng. Lịch trình là đi từ bến này lên đến cầu Trần Thị Lý, sau đó về cầu Rồng xem phun nước, phun lửa và tiếp tục hành trình xuôi theo sông Hàn đến cầu Thuận Phước rồi quay về bến.
Thỏa thuận xong và trao tiền (không có vé), chúng tôi được hướng dẫn lên tàu Bảo Anh. Khoảng 21 giờ kém, tàu Bảo Anh rời bến và ngược sông Hàn, lên đến ngang Nhà máy đóng tàu Sông Thu (cũ) thì quay đầu chạy xuôi theo sông, qua cầu Sông Hàn, đến đoạn trước Thư viện Khoa học tổng hợp thì quay lại gần cầu Rồng để khách xem cầu Rồng phun lửa, phun nước. Sau đó, tàu này cập bến chứ không chở khách đi nữa.
Không thỏa mãn với việc chủ tàu không đưa khách theo lịch trình, chúng tôi trao đổi với một người phụ nữ tự nhận là quản lý tàu Bảo Anh đang đón khách đưa lên tàu theo chuyến mới. Người phụ nữ này cho rằng, do tối hôm đó trời gió lạnh nên tàu không ra đến cầu Thuận Phước và đến ngang Nhà máy đóng tàu Sông Thu (cũ) là xem như đến… cầu Trần Thị Lý (!?). Chúng tôi thắc mắc vì sao không thông báo trước để khách biết việc không đến cầu Thuận Phước do trời lạnh và lịch trình ngược sông không đến cầu Trần Thị Lý, đồng thời giảm giá dịch vụ cho khách, người phụ nữ này quay quắt cho rằng chúng tôi làm gì mà khó tính thế!
Từ cách hành xử của quản lý tàu Bảo Anh, chúng tôi thiết nghĩ có mấy vấn đề cần xem xét lại trong việc tổ chức du lịch đường sông chuyên nghiệp và tử tế hơn đối với du khách.
Trước hết, vẫn biết việc bến neo đậu tạm thời ở khu vực cảng Sông Hàn (cũ) của thuyền du lịch sông Hàn dành cho các thuyền buồm tham dự cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race trong những ngày đến Đà Nẵng, nhưng các tàu du lịch trên sông không vì việc này mà hoạt động mất trật tự, nhất là không phát hành vé cho khách, khách lên tàu phải giẫm đạp lên bồn hoa và lối lên xuống tàu thiếu an toàn...
Đặc biệt, tình trạng các tàu chạy lộn xộn trên sông, đoạn gần cầu Rồng vào khoảng thời gian cầu Rồng chuẩn bị trình diễn phun lửa, phun nước vào cuối tuần dễ gây mất an toàn giao thông đường thủy, gây tai nạn cho du khách.
Việc ứng xử không chuyên nghiệp, thiếu văn minh và tử tế của nhân viên, quản lý khi khách phản ứng việc không thực hiện đúng lịch trình cũng là điều cần xem xét. Việc bớt xén lịch trình của khách mà không thông báo trước hoặc không có lời giải thích thỏa đáng, mặc dù thu đủ tiền giá dịch vụ, là một thủ đoạn “chặt chém” khách.
Từ những điều trên, trước việc thành phố tiến hành quy hoạch và hướng tới xây dựng tuyến du lịch đường sông bài bản, chuyên nghiệp, thiết nghĩ, không những cần quy hoạch, tổ chức các đội tàu bảo đảm chất lượng, an toàn; xây dựng bến bãi ổn định; tổ chức bán vé theo tour, tuyến… một cách nghiêm túc, mà cần phải tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng, nghiệp vụ về quản lý, điều hành, giao tiếp đối với đội ngũ quản lý, nhân viên; để từ đó nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển du lịch của thành phố.
ANH QUÂN