.

Cẩn trọng với bảo tồn văn hóa Cơtu

.

Trên địa bàn huyện Hòa Vang có khoảng 1.000 người Cơtu đang sinh sống, tập trung ở các thôn Giàn Bí, Tà Lang (xã Hòa Bắc) và Phú Túc (xã Hòa Phú). Tuy số dân khá ít nhưng sự có mặt của người Cơtu góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho văn hóa Đà Nẵng.

Múa tung tung - da dá tại Ngày hội văn hóa-thể thao Cơtu tổ chức tại thôn Tà Lang. 					                                     		          Ảnh: ĐỖ THANH TÂN
Múa tung tung - da dá tại Ngày hội văn hóa-thể thao Cơtu tổ chức tại thôn Tà Lang. Ảnh: ĐỖ THANH TÂN

Bài 1: Nét đẹp văn hóa

Với người Cơtu ở Hòa Vang, nét đẹp văn hóa truyền thống của họ là những điệu múa tung tung - da dá; là tiếng cồng chiêng; là được khoác lên mình bộ áo váy, khố truyền thống trong lễ hội; là lối nói lý/hát lý đầy ý nghĩa trong đời sống...

Đặc sắc văn hóa phi vật thể

Trong ký ức của Phó trưởng thôn Tà Lang Phan Văn Thu, vào tháng Giêng hằng năm, dân làng bắt đầu phát rẫy, trồng lúa Ba Trăng. Đến tháng 6 âm lịch, khi những rẫy lúa chín vàng rực rỡ cũng là thời điểm bắt đầu thu hoạch, tổ chức lễ hội ăn mừng lúa mới để cúng Giàng (trời) và các đấng thần linh đã phù hộ cho dân làng một mùa bội thu, cầu mong điều may mắn trong mùa lúa mới.

“Lễ mừng lúa mới là ngày hội tưng bừng nhất của dân làng. Vào dịp này, các mẹ, các chị chuẩn bị trang phục truyền thống, còn đàn ông trong làng lo sắp xếp, trang trí nhà Gươl thật khang trang, đem cồng chiêng ra thử. Sau các nghi thức lễ, dân làng quây quần ăn uống, nhảy múa, nổi cồng chiêng suốt đêm”, anh Thu nhớ lại.

Bên cạnh lễ hội mừng lúa mới, người Cơtu còn có lễ hội đâm trâu, lễ cuối năm, lễ cưới, hỏi mang đậm tính cộng đồng, đặc trưng của cư dân sống trên vùng Trường Sơn.

Một nét văn hóa đẹp khác của người Cơtu là nói lý/hát lý. Nói lý/hát lý là loại hình ứng khẩu và truyền khẩu, được dùng trong các dịp lễ hội, đám cưới, đám tang, mừng lúa mới, lễ kết nghĩa anh em. Ngoài ra, nói lý/hát lý còn phổ biến trong đời sống hằng ngày khi nam nữ tỏ tình với nhau, khi ông/cha răn dạy (cháu/con). Hoặc ngay cả khi giải quyết mâu thuẫn nội bộ trong cộng đồng, người Cơtu cũng nói lý/hát lý như cách giảng hòa. Anh Trần Văn Vân, Bí thư chi bộ thôn Tà Lang chia sẻ, có những bài nói lý/hát lý người cha chỉ truyền dạy cho con, lúc cha con cùng lên rẫy, lên rú để không ai nghe thấy và học lỏm được.

Già làng Nguyễn Văn Cần (thôn Phú Túc) còn bổ sung, nét đặc trưng của văn hóa Cơtu không thể không nhắc đến những điệu múa tung tung - da dá, nghệ thuật cồng chiêng, nghệ thuật đàn hroa, đàn tưl, sáo areeng, kèn cabluoc, kèn parngong (asàng)...

Theo già làng, từ trẻ con đến người lớn trong làng ai ai cũng biết điệu múa tung tung - da dá, bởi nó gắn liền trong sinh hoạt lễ hội của người Cơtu. Văn hóa cồng chiêng cũng không thể thiếu trong lễ hội của làng và được những người lớn tuổi trong làng truyền lại cho con cháu.

Đàn hroa, sáo areeng, kèn cabluoc... cũng phổ biến trong đời sống người Cơtu. Sau một ngày trên nương, trên rẫy, tối về bên bếp lửa, họ cùng nhảy múa trong tiếng đàn, tiếng sáo. Ngay cả khi lên rẫy, lên rú, lúc nghỉ ngơi, họ thổi những làn điệu véo von; những cặp trai gái để ý nhau, bỏ trốn ra khe suối hoặc trên chòi cao để chơi đàn, chơi sáo, mượn tiếng đàn, tiếng sáo để bày tỏ lòng mình...

Độc đáo nghề truyền thống

Do sống tách biệt nên người Cơtu chủ yếu tự cung tự cấp, dẫn đến hình thành các nghề truyền thống như nghề mộc (làm nhà, làm vật dụng lao động), nghề đan lát, nghề dệt thổ cẩm. Những nghề này chủ yếu để phục vụ đời sống lao động, sinh hoạt của dân làng.

Anh Trần Xuân Trang, Trưởng thôn Giàn Bí cho biết, thời điểm chuyển về làng Tà Lang mới, cách làng Tà Lang cũ khoảng 22km, do lúc đó anh còn nhỏ tuổi nên ký ức về nghề dệt thổ cẩm khá mờ nhạt. Nhưng qua lời kể của bà, của mẹ về sự khéo léo của người phụ nữ Cơtu, cách dệt nên những bộ váy, bộ khố rực rỡ, hoa văn rất đẹp vẫn còn in trong anh.

“Người Cơtu tự trồng bông..., lấy sợi rồi tách hạt, tách bông, cán bông, vấn bông, xe sợi... Sau đó, lấy củ, vỏ cây trong rừng tạo màu, nhuộm. Cuối cùng là đính cườm, thêu hoa văn trên nền vải. Họ dệt hoàn toàn bằng thủ công, nhưng những đường nét và các họa tiết, hoa văn hết sức tinh tế”, anh Trang kể.

Góp thêm câu chuyện, ông Trương Văn Mỹ, một trong hai người còn lại của làng Tà Lang biết làm nhà Gươl kể rằng, từ nhỏ ông theo học những người có nghề trong làng. Bằng công cụ đơn giản như rựa, đục, rìu..., người thợ Cơtu đục, đẽo, chạm khắc, tạo hình đến độ tinh xảo, sống động hình ảnh các con vật gắn bó với người Cơtu như trâu, tắc kè, trăn, kỳ đà, thằn lằn và một số cảnh sinh hoạt đời thường của cộng đồng như: người đàn ông đánh trống, phụ nữ bồng con...

“Nếu làm nhà Gươl đòi hỏi phải chọn những người thợ có tay nghề cao thì nghề đan lát, chế tạo vật dụng lao động như gùi, tà lét, rê, chuy, cà vông... được khá nhiều người Cơtu biết đến. Để làm nên một sản phẩm cũng khá công phu, tỉ mỉ, tùy theo từng loại gùi to, nhỏ mà mất từ một tháng đến vài tháng... Một cái gùi đan công phu, bằng các loại mây chắc, bền có thể sử dụng khoảng mấy chục năm”, ông Mỹ nói.

Tại khu trưng bày chuyên đề Văn hóa cộng đồng các dân tộc ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam của Bảo tàng lịch sử Đà Nẵng, bộ sưu tập về công cụ sản xuất, săn bắt, y phục, trang sức, hiện vật nghề đan, hiện vật tiêu biểu về tập tục, tín ngưỡng của người Cơtu vào thập niên 1980 khá phong phú.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng, những bộ sưu tập về công cụ lao động sản xuất đồ đan lát, được các chuyên gia, các nhà sưu tập đánh giá cao. Đặc biệt, gùi đựng đồ trang sức trong lễ cưới, hay khố trang trí hoa văn bằng chì, áo váy bằng vỏ cây được xem là những hiện vật quý, được Bảo tàng đưa vào chương trình bảo quản.

Vũ điệu tung tung - da dá gắn bó với cộng đồng, xuất hiện trong nhiều sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội lớn của người Cơtu như lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội dựng làng, dựng nhà Gươl... Tung tung theo tiếng Cơtu có nghĩa là vươn cao, mạnh mẽ và vững chãi hơn nữa...

Đây cũng chính là khát vọng chinh phục vũ trụ muốn con người có cuộc sống mới tốt đẹp hơn; nên điệu tung tung dành cho nam thanh niên khỏe mạnh, thể hiện điệu múa nhộn nhịp, mạnh mẽ và hùng dũng. Còn da dá có nghĩa là thẳng hàng, nhịp điệu mang khát vọng của ý nghĩa tâm linh là đón đợi ơn trời đất.

Để thể hiện điệu múa tung tung một cách sinh động giữa bao la của đại ngàn, đàn ông Cơtu mặc khố, choàng một áo dệt bằng thổ cẩm, chân đi trần, tay nắm chắc cây khiên, cây giáo hoặc nắm chắc tay bạn bên cạnh tung đôi tay lên, vừa bước vừa hú một cách tự tin và hùng dũng, thể hiện sức mạnh của trai làng.

Còn nữ giới khi múa thì mặc váy thổ cẩm nhiều màu sắc, hoa văn, vai trần, cổ đeo vòng cườm. Khi múa, đôi mắt của người phụ nữ nhìn thẳng, miệng luôn tủm tỉm cười, chân đi đất nhón gót xoay tròn ngược chiều kim đồng hồ...

(Theo VOVWorld.vn)

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.