Văn hóa - Giải trí

CẨN TRỌNG VỚI BẢO TỒN VĂN HÓA CƠTU

Bài cuối: Khôi phục nhưng không làm mất bản sắc

08:26, 18/03/2016 (GMT+7)

Tháng 6-2015, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng người Cơtu trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Song, khôi phục như thế nào để giữ được bản sắc văn hóa Cơtu là điều cần quan tâm.

Nhà Gươl thôn Tà Lang được thiết kế theo kiểu nhà sàn nhưng kiến trúc và vật liệu (ảnh lớn) cũng như cách bài trí bên trong (ảnh nhỏ) không còn giữ nguyên vẹn kiến trúc truyền thống.
Nhà Gươl thôn Tà Lang được thiết kế theo kiểu nhà sàn nhưng kiến trúc và vật liệu cũng như cách bài trí bên trong (ảnh dưới) không còn giữ nguyên vẹn kiến trúc truyền thống.

Nhà Gươl “chẳng giống ai”!

Một ngày cuối năm 2015, Phó trưởng thôn Tà Lang Phan Văn Thu đưa chúng tôi đi tham quan nhà Gươl của làng được đưa vào sử dụng từ năm 2008. Nhà Gươl thôn Tà Lang nằm giữa làng, được thiết kế theo kiểu nhà sàn nhưng kiến trúc và vật liệu cũng như cách bài trí bên trong không còn giữ nguyên vẹn theo lối kiến trúc truyền thống.

Kết cấu khung sườn, trụ cột đều bị bê-tông hóa, bậc thang dẫn lên nhà Gươl, cột đâm trâu giữa sân cũng bằng bê-tông. Những tấm vách trên sườn nhà là những họa tiết được in, thay vì phải chạm trổ thủ công. Việc bài trí bên trong nhà Gươl cũng khá sơ sài với vài chiếc trống cũ kỹ. Giữa nhà Gươl có đặt tượng Bác Hồ, còn xung quanh treo bức hoành phi và những hàng liễn bằng vải, viết chữ Hán nên người trong làng chẳng ai hiểu ý nghĩa của những hàng liễn đó. Đem câu chuyện nhà Gươl hỏi Già làng Tà Lang Trần Văn Phớt thì được biết đó không phải là nhà Gươl truyền thống của người Cơtu.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Trương Văn Mỹ - một trong hai người còn lại của làng Tà Lang biết làm nhà Gươl - kể rằng, làm nhà Gươl rất công phu. Mái nhà Gươl được lợp tranh hoặc lá cọ, sàn bằng tre đan thành tấm hoặc bằng gỗ, phần sườn nhà bằng gỗ cây tốt.

Chính giữa nhà Gươl là một cột to, xung quanh là 6 cột nhỏ cũng bằng gỗ. Những tấm vách được chạm trổ bằng tay với hình tượng như đầu trâu, con trâu, gà trống, tắc kè, trăn, hình ảnh sinh hoạt đời thường như người đàn ông đánh trống, phụ nữ bồng con, nam nữ nhảy múa... Trong nhà Gươl trưng bày nhiều loại nhạc cụ, công cụ truyền thống, những chiếc đầu thú mà dân làng săn bắt được hoặc đã giết thịt trong các lễ hội, các mặt nạ gỗ được chạm trổ rất công phu...

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố, nguyên cán bộ Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng cũng chia sẻ, hơn mấy mươi năm làm công tác sưu tầm hiện vật văn hóa Cơtu, ông từng lặn lội ở các huyện Hiên, Giằng (tỉnh Quảng Nam), huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) nên rất hiểu về nhà Gươl. Ông khẳng định, nhà Gươl được xây ở Tà Lang, Giàn Bí, Phú Túc “chẳng giống ai”!

Trong khi đó, một cán bộ từng làm công tác văn hóa huyện Hòa Vang (xin được giấu tên) cho biết, thời điểm đó, mỗi thôn của huyện Hòa Vang cần có một nhà họp thôn để làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của người dân. Trước nhu cầu tái hiện nhà Gươl truyền thống của bà con, huyện đã xây dựng nhà Gươl trên tinh thần vừa là nhà họp thôn, vừa là nhà Gươl. Một phần vì lý do kinh phí, một phần để chống xuống cấp nhanh nên mới có mô hình xây dựng bê-tông hóa như hiện tại.

Người Cơtu phải là chủ thể văn hóa

Tháng 6-2015, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng người Cơtu trên địa bàn thành phố đến năm 2020 bằng ngân sách thành phố. Trong đó, chú trọng mở rộng diện tích khu vực nhà Gươl, đầu tư nâng cấp nhà Gươl; sưu tầm, phục hồi và phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc trưng... có nguy cơ bị thất truyền như nghệ thuật cồng, chiêng, múa tung tung - da dá; hỗ trợ các thôn tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian...

Thực tế, từ năm 2003, huyện Hòa Vang đã tổ chức Ngày hội văn hóa-thể thao Cơtu luân phiên hằng năm ở 3 thôn Tà Làng, Giàn Bí, Phú Túc; đến năm 2013 tổ chức 2 năm/lần nhằm bảo tồn giá trị văn hóa Cơtu. Ngày hội gồm nhiều hoạt động phong phú như trình diễn nghệ thuật truyền thống, ẩm thực người Cơtu; triển lãm sản vật, công cụ lao động, sinh hoạt; thi đấu các môn thể thao (leo núi, bắn nỏ, đi cà kheo...); thi văn nghệ; sinh hoạt cộng đồng: cồng chiêng, múa tung tung - da dá, nói lý/hát lý. Tuy nhiên, theo đánh giá của những người làm trong ngành văn hóa, chừng đó chưa đủ để khôi phục giá trị văn hóa Cơtu.

Già làng, trưởng, phó thôn, cán bộ của các thôn Tà Lang, Giàn Bí, Phú Túc cho biết, ước nguyện của dân làng Cơtu là muốn khôi phục nhà Gươl theo đúng truyền thống. Nhà nước hỗ trợ kinh phí, dân làng là lực lượng chủ yếu trong việc khôi phục nhà Gươl, bởi hơn ai hết, họ hiểu nhà Gươl của cha ông.

Cùng với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Cơtu, cần xác định người dân Cơtu là chủ thể văn hóa trung tâm, phát huy tối đa năng lực của những người có uy tín như già làng, các nghệ nhân người Cơtu; dựa vào lực lượng này để giáo dục, truyền lại giá trị văn hóa vật thể lẫn phi vật thể cho lớp trẻ để thay đổi nhận thức của họ.

“Nhận thức được giá trị văn hóa của dân tộc mình sẽ là yếu tố đầu tiên, cơ bản trong bài toán giữ gìn bản sắc. Nếu không, mọi hoạt động sẽ trở nên cưỡng ép, bất đắc dĩ. Mọi thứ phải bắt nguồn từ những cái nhỏ nhất và quan trọng, khơi gợi được sự yêu thích, làm sao cho người dân cảm nhận lễ hội, hoạt động đó là của chính họ. Bởi nhiều lễ hội khi khôi phục chỉ mang tính hình thức, không phải từ nhu cầu tự bản thân của làng. Vì thế, dân làng không thích thì sẽ không tham gia”, anh Trần Văn Vân, Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang nói.

Rời Tà Lang, Giàn Bí, chúng tôi ra về mang theo sự khấp khởi vui mừng của những cán bộ, người dân nơi đây trước thông tin thành phố có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng người Cơtu. Bất chợt tôi nhớ đến câu nói của một cán bộ nhiều năm làm công tác bảo tồn di sản văn hóa: “Bài học về nhà Gươl vẫn còn đó.

Hết sức cẩn trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, không nên làm cho có. Làm văn hóa cần nhất vẫn là những người có cái tâm với văn hóa, có sự am hiểu sâu sắc về văn hóa, nếu không thành ra dở dở ương ương”... Cần lắm những người có tâm với văn hóa!

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.