.

Để sức sáng tạo vươn xa

.

Giải văn học - nghệ thuật thành phố lần thứ 3 (2010-2014) được trao cho 59 tác phẩm/tiết mục đạt chất lượng, nổi trội trong 5 năm qua. Đây là sự ghi nhận tinh thần sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ của giới văn nghệ sĩ thành phố. Tuy nhiên, để nhiều tác phẩm chất lượng khác không bị “lọt nia”, nhiều ý kiến cho rằng, quy chế xét chọn cần thay đổi phù hợp.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng trao giải nhất cho các cá nhân có tác phẩm/tiết mục đoạt giải.  							         Ảnh: ĐẮC MẠNH
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng trao giải nhất cho các cá nhân có tác phẩm/tiết mục đoạt giải. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Nhìn nhận về Giải văn học - nghệ thuật thành phố lần thứ 3, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố cho biết, điểm mới của giải thưởng lần này là không xét quá trình sáng tác mà xét năng lực của người nghệ sĩ qua các tác phẩm/tiết mục có chất lượng nổi bật trong khoảng thời gian 2011-2014. Những tác giả mới cũng có thể “soán ngôi” các bậc đàn anh thuộc “cây đa cây đề” nếu họ có tác phẩm thực sự xứng đáng.

Hội đồng xét thưởng ở các cấp đều có tính độc lập. Nghĩa là nhiều tác phẩm tham dự giải đã từng đoạt giải thưởng cao ở cấp hội chuyên ngành trở lên, nhưng đó chỉ là yếu tố tham khảo. Bản thân mỗi thành viên hội đồng đánh giá theo thẩm định của mình. Đến lượt hội đồng cấp trên (Hội đồng Liên hiệp Hội và Hội đồng Sở VH-TT&DL) cũng chỉ tham khảo từ kết quả khi dự giải và kết quả của hội chuyên ngành, từ đó có chính kiến riêng. Những thay đổi này góp phần nâng cao chất lượng của giải thưởng. Qua đó, chọn ra những tác phẩm/tiết mục xuất sắc để trao giải.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thân Nguyên, người có tác phẩm ảnh nghệ thuật Quà từ biển đoạt giải nhì trong đợt xét tặng này, phấn khởi nói rằng, giải thưởng đã khích lệ, động viên tinh thần giới văn nghệ sĩ, tạo động lực thi đua sáng tạo trong nghệ thuật; đồng thời cũng cho thấy sự quan tâm, ghi nhận của thành phố đối với đội ngũ văn nghệ sĩ.

Tuy nhiên, giải thưởng năm nay cũng có nhiều bất cập, dẫn đến những “lùm xùm” không đáng có. Theo quy chế chấm giải lần này, hội đồng nghệ thuật của mỗi hội chuyên ngành tham gia tuyển chọn, xếp loại rồi trình lên Hội đồng nghệ thuật thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố. Nhưng các thành viên thuộc hội đồng nghệ thuật này hầu hết có tác phẩm được xét chọn. Đó là chuyện đương nhiên bởi họ là những người có tài năng, là hạt nhân của phong trào và có tác phẩm sáng tác chất lượng. Tuy nhiên, dẫu như thế nào đi nữa, dư luận cũng đặt vấn đề về sự công tâm khi ban giám khảo “vừa đá bóng, vừa thổi còi” (?!).

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, quy chế xét tặng cần phải rõ và cụ thể hơn nữa. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng Đức Dũng, người có tác phẩm Xuất phát đoạt giải nhì trong đợt này, trăn trở: “Với hai tác phẩm có cùng cấp thưởng của các hội chuyên ngành, cùng loại huy chương, trong quá trình chấm chọn, có nên ưu tiên cho tác phẩm sáng tác về Đà Nẵng hay không, bởi đây là giải thưởng văn học - nghệ thuật thành phố chứ không phải giải văn học - nghệ thuật toàn quốc”.

Nhà thơ Thanh Quế cũng cho rằng, không nên “cứng nhắc” về việc quy định tối đa 9 giải thưởng đối với mỗi hội chuyên ngành và quy định thứ tự xếp hạng 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 3 giải khuyến khích. “Quy định này đã vô tình đánh rớt nhiều tác phẩm chất lượng. Cụ thể, Hội Nhà văn trong giai đoạn này có 14 tác phẩm khá chất lượng, nhưng do khống chế 9 giải nên những tác phẩm như Dệt của Anh Đào, Động và tĩnh của Bùi Công Minh bị đánh rớt. Trong khi đó, có hội do số lượng tác phẩm ít nên một cá nhân nhận cùng lúc nhiều giải thưởng. Vì thế, không cần thiết đánh đồng số lượng giải cho mỗi hội, bởi hội này đợt này nhiều nhưng đợt sau có thể ít và ngược lại. Ngoài ra, nếu nhiều tác phẩm xuất sắc, xứng đáng thì cứ cho đồng giải cao, bởi người làm văn học - nghệ thuật chỉ đạt được đỉnh cao của sự sáng tạo trong giai đoạn nhất định. Tôi còn nhớ trao giải văn học - nghệ thuật 30 năm (1945-1975), các tác phẩm chỉ toàn giải A”, nhà thơ Thanh Quế nói.

Theo ông Bùi Văn Tiếng, “mọi giải thưởng văn học - nghệ thuật xưa nay khó lòng tạo được sự đồng lòng tuyệt đối”. Nhưng việc ghi nhận và xem xét ý kiến nhiều chiều từ giới văn nghệ sĩ sẽ góp phần nâng cao chất lượng giải văn học - nghệ thuật thành phố lần tiếp theo, tạo động lực để sức sáng tạo của nghệ sĩ ngày một vươn xa...

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.