.

Đưa tơ lụa trở lại đời sống hiện đại

.

Festival Văn hoá Tơ lụa Việt Nam 2016  tổ chức trong hai ngày 28 và 29-3 tại Làng lụa Hội An với nhiều hoạt động hấp dẫn, khi có 9 nước đang sản xuất tơ lụa cùng tham dự, kết hợp trưng bày, giới thiệu sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm, kết nối quan hệ, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam.

Trình diễn quy trình dệt lụa tại Làng lụa Hội An
Trình diễn quy trình dệt lụa tại Làng lụa Hội An

Festival giới thiệu và trình diễn kỹ thuật dệt truyền thống của các làng nghề Tân Châu với sản phẩm Mỹ Á một thời nổi tiếng; kỹ thuật dệt hoa văn cổ trong lễ phục cưới của người Chăm; dệt thổ cẩm dân tộc Cơ-tu, lụa tơ tằm thiên nhiên làng nghề miền Bắc tại tỉnh Bắc Giang.

Tất cả các cuộc trình diễn đều được phối hợp với nghệ nhân các làng nghề, trình diễn, hình ảnh và sản phẩm thật. Các làng nghề sản xuất lụa sẽ có những  gian hàng riêng của lụa tơ tằm Bảo Lộc (Lâm Đồng); Làng lụa Hà Đông (Hà Nội) với nhãn hàng áo dài OZ cách tân của nghệ nhân Đỗ Quang Hùng và lụa Vạn Phúc; thương hiệu đũi của tỉnh Thái Bình…

Các nhà sản xuất tơ lụa quốc tế đưa đến Festival những sản phẩm lụa tinh tế, như Ấn Độ giới thiệu lụa vùng Mumbai (trước đây gọi là lụa Bombay) và dòng lụa nức tiếng thế giới Cashmere xuất xứ từ biên giới Ấn Độ - Pakistan.

Sản phẩm lụa của Trung Quốc đến từ các tập đoàn lớn tại thủ phủ lụa Hàng Châu và Tứ Xuyên, mang tính ứng dụng cao trong đời sống hiện đại từ thiết kế mẫu đến khả năng giặt và sử dụng dễ dàng. Lụa của đất nước Myanmar dành riêng cho các cô dâu trong ngày cưới. Lụa của Thái Lan do các tập đoàn sản xuất tơ lụa lớn nhất của Thái Lan tham dự, là Thai Silk, Spun Silk World. Italia mang đến Festival tơ lụa những sản phẩm lụa công nghiệp…

Du khách trải nghiệm cách quay tơ, kéo sợi
Du khách trải nghiệm cách quay tơ, kéo sợi

Ngoài việc giới thiệu các gian hàng, buổi sáng 28-3 diễn ra lễ phục dựng “Con đường Tơ lụa” trên biển từ thương cảng Hội An sang Trung Hoa, Nhật Bản, và các nước phương Tây cách đây 300 năm. Con đường tơ lụa này đã cung cấp những loại tơ hảo hạng của Quảng Nam cho nước ngoài, tạo nên sự thịnh vượng của một vùng đất xứ Đàng Trong. Và lễ dâng hương Bà Chúa Tằm tang Đoàn Quý Phi, người phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, mở mang nghề tằm tang ở Đàng Trong… 

Ông Lê Thái Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam, đơn vị đăng cai tổ chức Festival, cho rằng Festival tơ lụa lần này có thể trở thành điểm hẹn cho tất cả những ai có tấm lòng ưu ái với nghề truyền thống, với tơ lụa. Làng lụa Hội An đang nỗ lực trở thành một không gian bảo tồn, phát huy văn hoá tơ lụa. Festival Văn hóa tơ lụa lần đầu tiên được tổ chức sẽ mở đường để mặt hàng tơ lụa hữu dụng hơn trong đời sống người Việt, lụa đi vào đời sống hiện đại, thời trang hơn, đại chúng hơn. 

Hiền Lương
 

;
.
.
.
.
.