.

Trải nghiệm văn hóa Cơtu giữa phố

.

Sáng 29-3, lần đầu tiên, chương trình giới thiệu văn hóa Cơtu ở Quảng Nam và Đà Nẵng được tổ chức quy mô tại Bảo tàng Đà Nẵng, mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm thú vị nhân kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng.

Đội cồng chiêng, múa tung tung - da dá (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) trình diễn tại tiền sảnh Bảo tàng Đà Nẵng, thu hút đông đảo người xem.
Đội cồng chiêng, múa tung tung - da dá (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) trình diễn tại tiền sảnh Bảo tàng Đà Nẵng, thu hút đông đảo người xem.

Tại tiền sảnh Bảo tàng Đà Nẵng, Đội cồng chiêng, múa tung tung - da dá của xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) với nam mặc khố, chân đi trần, tay nắm chắc cây giáo vừa đi vừa hú; nữ mặc áo váy, hai tay đưa lên cao, thẳng hàng từng bước nhịp nhàng theo tiếng cồng chiêng, nhận được sự tán thưởng, chiêm ngưỡng của người xem.

Đây được xem là loại hình văn hóa duy nhất còn được bảo tồn khá tốt ở đồng bào Cơtu xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Ông Trần Văn Trí (57 tuổi, thôn Tà Lang) - một thành viên của đội chia sẻ, cồng chiêng cũng như múa tung tung - da dá xuất hiện trong nhiều sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội lớn của người Cơtu như lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội dựng làng, dựng nhà Gươl... thể hiện khát vọng chinh phục, đón đợi ơn trời đất.

“Tôi học đánh cồng chiêng từ năm 18 tuổi, do người già trong làng truyền dạy. Đến nay, những người già lần lượt ra đi, người biết về cồng chiêng ít dần. Tôi lo một ngày nào đó nghệ thuật này sẽ mai một nếu không có hướng bảo tồn”, ông Trần Văn Trí nói.

Nếu như văn hóa của người Cơtu Đà Nẵng bị mai một dần bởi tác động của sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế, tiếp xúc gần gũi với văn hóa của người Kinh trong quá trình đô thị hóa thì người Cơtu Quảng Nam vẫn còn giữ nguyên vẹn những ngành nghề truyền thống.

Đến với chương trình giới thiệu văn hóa Cơtu lần này, các nghệ nhân Cơtu huyện Đông Giang, Quảng Nam trình diễn và giới thiệu nét đẹp của các nghề dệt vải, đan mây tre, điêu khắc gỗ đến với người dân thành phố.

Nghệ nhân Alăng Đại (50 tuổi), xã P’rao, huyện Đông Giang cho biết: Nghệ thuật điêu khắc gỗ vẫn còn khá phổ biến ở làng. Theo học nghề điêu khắc từ nhỏ, đến nay anh không nhớ mình đã làm ra biết bao nhiêu sản phẩm. “Bây giờ mình còn khỏe thì còn làm để giữ lại cái nghề của cha ông và tìm cách dạy cho người trẻ trong làng”, nghệ nhân Đại chia sẻ.

Trong khi đó, tay khéo léo vót, đan từng cọng mây, tre, nghệ nhân B’riếu Đô (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) tự hào kể về nghề đan gùi của đồng bào mình. Chỉ tay vào sản phẩm đang làm, ông khoe: Đây là sản phẩm gùi lớn, dùng để mang khi lên rẫy, đựng lúa, ngô, khoai.

Ngoài ra, tùy vào mục đích sử dụng mà còn có các loại gùi kích thước nhỏ hơn dùng đựng hạt gieo trồng, đựng đồ trang sức cho phụ nữ... các sản phẩm này hiện được dân làng dùng trong đời sống hằng ngày, ngoài ra còn làm để bán, nhất là tại các khu du lịch, du khách rất thích và thường mua về làm quà lưu niệm.

Lần đầu tiên, được xem trình diễn về văn hóa Cơtu, người dân, đặc biệt các bạn trẻ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bạn Nguyễn Tuyết Nhi (quận Hải Châu) hào hứng nói: “Không ngờ văn hóa Cơtu đặc sắc như vậy. Tôi chưa từng một lần đặt chân đến vùng đất của họ cũng như biết về văn hóa Cơtu, mặc dù họ sống cách trung tâm Đà Nẵng có mấy chục cây số. Hy vọng văn hóa Cơtu được quảng bá rộng rãi đến người dân và du khách hơn”.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, lâu nay người dân và du khách chỉ tìm hiểu văn hóa Cơtu Đà Nẵng qua hiện vật tại Bảo tàng. Vì thế, chương trình giới thiệu văn hóa Cơtu lần này là cơ hội để quảng bá, giới thiệu đến người dân, du khách nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơtu. Đây cũng là sự mở đầu cho chuỗi sự kiện có sự tham gia của chính cộng đồng địa phương trong hoạt động của Bảo tàng, góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch Bảo tồn Văn hóa Cơtu giai đoạn 2015-2020 mà thành phố vừa phê duyệt.

Chương trình giới thiệu văn hóa Cơtu Quảng Nam-Đà Nẵng diễn ra trong ngày 29-3, tại Bảo tàng Đà Nẵng với sự tham gia của Đội cồng chiêng, múa tung tung - da dá xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang; nghệ nhân nấu rượu cần thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang; 8 nghệ nhân đến từ xã Sông Kôn, P’rao, Tà Lu, Ba thuộc huyện Đông Giang, Quảng Nam.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.