.

Lễ hội đình làng Hải Châu: hướng về cội nguồn

.

ĐNĐT - Ngày 16-4 (mùng 10-3 âm lịch), phần lễ chính của lễ hội đình làng Hải Châu diễn ra trong không khí trang nghiêm để tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai hoang lập nghiệp và nhắc nhở con cháu đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Thả chim bồ câu cầu quốc thái, dân an tại lễ hội đình làng.
Thả chim bồ câu cầu quốc thái, dân an tại lễ hội đình làng.

Tham dự lễ hội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng, đại diện các sở, ban, ngành, các chư phái tộc làng Hải Châu và đông đảo người dân thành phố.

Lễ hội đình làng Hải Châu diễn ra trong 4 ngày từ 13 đến 16-4 (mùng 7 đến mùng 10 -3 âm lịch) với hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra trang nghiêm với lễ vọng và lễ chánh tế.

Lễ vọng là lễ cúng cô hồn. Lễ chánh tế là lễ cúng Thành hoàng, các vị Tiền hiền, Hậu hiền của làng. Đội hình chánh bái, bồi bái do các lão cao niên của phường Hải Châu 1 đứng ra thực hiện.

Múa lân tại ngày hội với những câu chúc an lành, phú quý.
Múa lân tại ngày hội với những câu chúc an lành, phú quý.

Tổ chức đều đặn từ năm 2009 đến nay, lễ hội đình làng Hải Châu trở thành hoạt động văn hóa nhằm khôi phục và lưu giữ những nét đẹp truyền thống, nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn.

Để lớp trẻ học hỏi và kế tục cha ông, trong các phần nghi lễ, thường có đội học trò gồm 12 người, giúp các bô lão việc tế lễ. Theo các vị cao niên trong làng, đó cũng là cách để lớp trẻ làm quen dần với những lễ nghi truyền thống của làng, giữ gìn nét đẹp văn hóa của làng từ xa xưa.
Để lớp trẻ học hỏi và kế tục cha ông, trong các phần nghi lễ, thường có đội học trò gồm 12 người, giúp các bô lão việc tế lễ. Theo các vị cao niên trong làng, đó cũng là cách để lớp trẻ làm quen dần với những lễ nghi truyền thống của làng, giữ gìn nét đẹp văn hóa của làng từ xa xưa.

Bên cạnh lễ hội diễn ra hằng năm, tại đình làng Hải Châu còn lưu giữ nhiều hiện vật có niên đại hàng trăm năm như: hoành phi và liễn đối bằng chữ Hán được sơn son thếp vàng; 3 tấm bia bằng đá cẩm thạch, khắc các bài ký bằng chữ Hán; một quả chuông đồng… Tất cả được đánh giá như tài sản vô giá để lại cho con cháu đời sau trân trọng quá khứ và cùng một lòng dốc sức xây dựng quê hương.

Bên cạnh các nghi lễ truyền thống tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân có công khai hoang lập nghiệp, tại lễ hội còn có các nghi thức cầu quốc thái, dân an, cầu sung túc, bình an cho cuộc sống người dân.

Nét nổi bật của lễ hội năm nay là UBND quận Hải Châu lồng ghép tổ chức hội thi khiêu vũ, cờ tướng, văn nghệ, thời trang trong cán bộ, công chức, viên chức toàn quận với chủ đề thực hiện năm văn hóa, văn minh đô thị theo Chỉ thị 43 của Thành ủy Đà Nẵng.

Ngoài ra, phần hội còn có các hoạt động thả hoa đăng, thi làm lồng đèn, các trò chơi dân gian như: kéo co, nhảy bao bố, hát bội, dân ca... Đặc biệt, năm nay có thêm chương trình múa rối nước của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh để người dân, học sinh và khách du lịch thưởng thức.

Tin và ảnh: NGỌC HÀ


 

;
.
.
.
.
.