Vào một ngày cuối tháng ba, sau cơn đau tim đột ngột, kiến trúc sư Zaha Hadid, (người gốc Iraq, mang cả hai quốc tịch Ả Rập và Anh) đã trút hơi thở cuối cùng tại Miami, Florida, Hoa Kỳ ở tuổi 65. Sự ra đi của “kiến trúc sư ngôi sao” Hadid là sự mất mát lớn đối với giới phụ nữ trên lĩnh vực kiến trúc.
Thiết kế tổng thể phố Bilbao, Tây Ban Nha. |
Hadid thường đề xuất các mẫu thiết kế cấu trúc tiên phong, giành được nhiều khen ngợi với biệt danh “Queen of the Curve” (tạm dịch: Nữ hoàng của đường cong). Ở cương vị “ngôi sao” độc nhất, những công trình thiết kế của bà đã phá vỡ thông lệ ngành nghề kiến trúc “chỉ dành cho nam giới” và tạo nên những “lối rẽ” vào nghề đối với nữ giới. Nhiều chuyên gia về ngành kiến trúc đều cho rằng “Bản vẽ của Zaha Hadid giống như một cổng vào một thế giới khác”.
Sinh thời, ngoài các giải thưởng uy tín, Zaha Hadid là người phụ nữ đầu tiên đoạt hai giải thưởng lớn trên thế giới về kiến trúc: Pritzker và RIBA.
Trung tâm Heydar Aliyev ở Baku, Azerbaijan. |
Vào năm 2004, ở tuổi 53, Zaha Hadid giành được giải thưởng Pritzker - được xem như giải Nobel của ngành Kiến trúc qua các dự án thiết kế xây dựng do Zaha Hadid đã hoàn tất ở nhiều nơi. Tiêu biểu như Trung tâm Rosenthal Lois and Richard - một bảo tàng mới dành cho nghệ thuật đương đại tại Cincinnati, Ohio; công viên và bãi đậu xe điện ở ngoại ô Strasbourg, Pháp; khu trượt tuyết nằm trên núi vùng Bergisel Innsbruck, Áo…
Bà có rất nhiều dự án khác trong các giai đoạn phát triển khác nhau, bao gồm một tòa nhà cho BMW ở Leipzig, một trung tâm khoa học tại Wolfsburg ở Đức; trung tâm quốc gia về Nghệ thuật đương đại ở Rome; kế hoạch tổng thể phố Bilbao, Tây Ban Nha; một bảo tàng Guggenheim cho Taichung, Đài Loan; một nhà ga xe lửa tốc độ cao bên ngoài Naples; một kho lưu trữ công cộng, thư viện và trung tâm thể dục thể thao mới tại Montpellier, Pháp…
Trong tuyên bố của ban giám khảo, Thomas J. Pritzker, Chủ tịch quỹ tài trợ cho giải thưởng cho biết: “Thật vui mừng khi chúng tôi là nhà tài trợ của giải thưởng cùng với ban giám khảo trung thực, tôn vinh một người phụ nữ đầu tiên: Zaha Hadid, qua ý tưởng và năng lượng sáng tạo rất xứng đáng với sự ca ngợi của số đông”.
Bill Lacy, kiến trúc sư, thành viên ban tổ chức giải thưởng Pritzker, nói: “Rất hiếm khi gặp công trình thiết kế của một kiến trúc sư nổi bật tính triết học và cách tiếp cận với các loại hình nghệ thuật có ảnh hưởng đến sự hài hòa toàn bộ lĩnh vực. Kiến trúc sư như thế không ai khác hơn là Zaha Hadid, người đã kiên nhẫn sáng tạo và cải tiến một vốn từ vựng tạo ra không gian mới cho nghệ thuật kiến trúc”.
Zaha Hadid |
Zaha Hadid cũng vinh dự 2 lần đoạt giải RIBA Stirling, giải kiến trúc hàng đầu của Anh (vào năm 2010 và năm 2011). Gần đây nhất, vào đầu tháng 2-2016, Zaha Hadid, người được mệnh danh là người phụ nữ duy nhất đầu tiên được trao “Huy chương vàng Hoàng gia 2016” - Giải thưởng danh dự cao nhất của Vương quốc Anh được thành lập từ năm 1848, được trao cho một người hoặc một nhóm người có những đóng góp xuất chúng vào sự tiến bộ của kiến trúc.
Zaha Hadid được quốc tế biết đến với công tác lý luận và học thuật, xây dựng của mình. Mỗi dự án năng động và sáng tạo được xây dựng trên hơn ba mươi năm kinh nghiệm cách mạng và nghiên cứu trong lĩnh vực kiến trúc, thiết kế và đô thị hóa. Jane Duncan, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng RIBA nói rằng “Zaha Hadid, một năng lực mạnh mẽ mang tính toàn cầu, có ảnh hưởng lớn trong kiến trúc. Tính thử nghiệm cao, nghiêm ngặt và chính xác, từ các tòa nhà đồ sộ hay các công trình công cộng”.
Zaha Hadid phát biểu trong lễ nhận giải: “Tôi rất tự hào được trao tặng Huy chương vàng Hoàng gia, đặc biệt là người phụ nữ đầu tiên nhận được vinh dự cao quý này. Tôi xin cảm ơn sự đề cử của Peter Cook, Louisa Hutton, David Chipperfield, Chủ tịch Jane Duncan và Hội đồng giải thưởng. Sự công nhận này là một vinh dự cho tôi và công việc thực tế của tôi, đồng thời cũng dành cho tất cả khách hàng của chúng tôi. Một phần công việc của kiến trúc là làm cho mọi người cảm thấy tốt, phù hợp trong không gian mà chúng ta đang sống, học hành hoặc nơi chúng ta làm việc - vì vậy chúng tôi phải cam kết luôn nâng cao tiêu chuẩn. Nhà ở, trường học và các công trình công cộng quan trọng khác đã luôn luôn dựa trên khái niệm tối thiểu về sự tồn tại”.
Thời gian làm việc tại Trường Hiệp hội Kiến trúc, người bạn học cũ, kiến trúc sư Deborah Berke nói: “Zaha Hadid là một thiên tài bây giờ và kể cả tương lai. Tài năng của cô là không thể nhầm lẫn. Hadid không bao giờ quên hoặc bác bỏ cội rễ của mình. Vào năm 2014, trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Revelatory Lebanon Ricardo Karam, Hadid cho biết rằng bà không thích các nhà báo thường bị nhầm lẫn quốc tịch và quyền công dân của mình. Bà nói: “Việc nhầm lẫn đó luôn làm phiền tôi. Tôi là một người Ả Rập và là một người Iraq”.
HOÀNG ĐẶNG