Văn hóa - Giải trí
Toàn thắng về ta và nỗi niềm nhớ Bác
Tấm lòng yêu thương thành kính của mỗi người Việt Nam đối với Bác Hồ là một trong những cảm hứng chủ đạo của thơ ca hiện đại. Có nhiều nhà thơ đã làm nên tên tuổi khi viết về Bác, nhưng người viết về Bác nhiều nhất và chiếm cảm tình của đông đảo bạn đọc vẫn là nhà thơ Tố Hữu. Hình ảnh Bác trong thơ Tố Hữu bao giờ cũng bình dị, trìu mến, cao cả.
Hồ Chủ tịch tiếp đoàn đại biểu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc (15-11-1965). Ảnh: TTXVN |
Điểm lại tất cả những bài thơ hay về tình cảm của các nhà thơ đối với lãnh tụ, có thể thấy hầu hết đều ở từ thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ đến trước và sau khi Bác mất. Đây là điều hiển nhiên, khi tất cả những xúc cảm dồn nén nhất đã được “tinh hoa phát tiết”. Với nhà thơ Tố Hữu, nhiều người cho rằng, sau trường ca Theo chân Bác (năm 1970), nhà thơ không cần phải diễn tả gì thêm nữa về hình tượng Bác Hồ. Vậy mà ngày 1-5-1975, trong sự tận hưởng niềm vui lớn của dân tộc đón chào hòa bình, độc lập, nhà thơ lại có được những vần thơ đặc sắc, bộc lộ xúc cảm mạnh mẽ khi nghĩ về Bác:
Ôi! buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp
Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta.
Chúng con đến, xanh ngời ánh thép
Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa.
Cho chúng con giữa vui này được khóc
Hôn mỗi đứa em, ôm mỗi mẹ già
Như lòng Bác, mỗi khi Bác đọc
“Đồng bào miền Nam”, mắt kính
bỗng nhòa.
Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh
Đứng gác biển trời tươi mát màu lam
Bởi có Bác, từ nơi đây ra đi tìm
đường kách mệnh
Cho chúng con nay được trở về.
Vĩnh viễn Việt Nam!
Đây là 3 khổ thơ cuối khép lại toàn bài thơ Toàn thắng về ta của Tố Hữu. Toàn bài thơ như khúc khải hoàn ca của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mở đầu là tiếng reo vui của nhà thơ, cũng là của cả dân tộc khi nghe tin Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, tiếp đó là sự ngợi ca, khâm phục anh giải phóng quân “bước chân hài bảy dặm”. Rồi nỗi niềm thương nhớ Bác Hồ bỗng trào dâng như sóng trong những câu khổ thơ nối tiếp.
“Buổi trưa nay”, đa số bạn đọc đều hiểu rằng, đó là trưa 30-4-1975, trước sức tấn công như vũ bão của quân ta vào Sài Gòn, Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Miền Nam sau 30 năm trường kỳ kháng chiến, đã được hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Nhưng căn cứ vào Hồi ký Nhớ lại một thời của Tố Hữu, thì ông đã viết bài thơ này vào ngày đầu tháng 5: “Ở sân bay Tân Sơn Nhất, đồng chí Lê Duẩn vừa bước xuống cầu thang máy bay liền dang cả hai tay ôm hôn các đồng chí chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, và nói to trước mọi người: “Chiến dịch vĩ đại này là công lao của toàn dân, toàn quân, toàn Đảng, được Bác Hồ lãnh đạo và thế giới ủng hộ, tuyệt nhiên không phải của riêng ai”. Trong ngày vui đoàn tụ đầu tiên của anh Ba (đồng chí Lê Duẩn), của đồng chí, đồng đội và của tất cả còn đang “ngỡ ngàng” trong chiến thắng, tác giả đã viết liền 2 bài Toàn thắng về ta và Vui thế hôm nay.
Ai cũng biết sở trường về sử dụng ngôn từ, giọng điệu và sắc màu trong thơ của Tố Hữu. Ở những câu thơ phác họa hình ảnh thành phố mang tên Bác sau chiến thắng 30-4, sở trường này đạt đến độ nhuần nhuyễn đến mức tất cả khung cảnh cứ hiện lên lộng lẫy, lung linh màu cờ hoa, sắc nắng. Điểm xuyết vào không gian ấm nồng sắc đỏ là màu “xanh ngời ánh thép” đầy chất trữ tình cách mạng và tính chiến đấu.
Vì sao giây phút đầu tiên của ngày vui ấy, nhà thơ lại nhớ ngay đến Bác? Vì suốt một cuộc đời, Bác là “người lính già” quyết chiến đấu hy sinh cho một mục đích đất nước được hòa bình, độc lập, đồng bào “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bác là vị lãnh tụ thiên tài đã chỉ đường dẫn lối cho chúng ta đi đến thắng lợi huy hoàng! Từ bài thơ: Mừng Xuân 1969, Bác đã tiên đoán: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Bác Hồ từng nói: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi” và hình ảnh đồng bào miền Nam luôn canh cánh trong trái tim Người. Nghĩ đến đó, nhà thơ cũng như bao người con nước Việt không kìm nén được những giọt nước mắt hòa trộn giữa mừng vui và thương nhớ đến nao lòng: Cho chúng con giữa vui này được khóc/ Hôn mỗi đứa em, ôm mỗi mẹ già/ Như lòng Bác, mỗi khi Bác đọc/ “Đồng bào miền Nam”, mắt kính bỗng nhòa.
Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh 30-4 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã khẳng định sức mạnh thần kỳ của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tố Hữu đã thể hiện niềm vui lớn, niềm lạc quan của thời đại Hồ Chí Minh bằng những câu thơ hào sảng: “Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh/ Đứng gác biển trời tươi mát màu lam/ Bởi có Bác, từ nơi đây ra đi tìm đường kách mệnh/ Cho chúng con nay được trở về, vĩnh viễn Việt Nam”.
Hơn bốn mươi năm qua đi, đọc Toàn thắng về ta, ngỡ tất cả như vẫn còn tươi mới, rạo rực. Bác của chúng ta vẫn như vẫn còn đó, với vầng trán cao, chòm râu bạc, ánh mắt dịu hiền để soi đường, chỉ lối cho cháu con bước đến tầm cao mới. Sự trường tồn của bài thơ là ở đó, khi làm toát lên được tư tưởng, tình cảm lớn của thời đại…
Nguyễn Thị Thúy Hồng