Đà Nẵng có làng đá mỹ nghệ Non Nước, có Quỹ Điêu khắc đá Đà Nẵng và khá nhiều nhà điêu khắc đá tài hoa. Nhưng giấc mơ đưa điêu khắc đá Non Nước phát triển thành một môn nghệ thuật, thay vì một nghề thủ công vẫn còn xa vời...
Quỹ Điêu khắc đá hiện nay chủ yếu gia công tượng điêu khắc, bán ra nước ngoài. |
Nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Hải Học kể về dự án Điêu khắc đá Đà Nẵng với niềm tự hào xen lẫn tiếc nuối. Năm 2001, trong một dịp ghé thăm làng nghề Non Nước, nhà điêu khắc Na Uy Oyvin Storbaekken (hiện làm cố vấn cho Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng) đem lòng say mê làng đá này. Từ đó, ông Oyvin ấp ủ ý định hình thành trung tâm điêu khắc đá tại đây với tham vọng đưa điêu khắc đá Non Nước phát triển thành một môn nghệ thuật, thay vì xem đây chỉ là một nghề thủ công.
Dự án của ông được Bộ Ngoại giao Na Uy tài trợ, sau đó là Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (NORAD) với sự quản lý của Tổ chức Bắc Âu Trợ giúp Việt Nam (NAV), chính thức hoạt động từ năm 2003.
“Tôi vẫn còn nhớ những tháng ngày rộn ràng đó. Dự án Điêu khắc đá trở thành nơi các nhà điêu khắc cùng chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm, ý tưởng sáng tác. Đã có 70 nhà điêu khắc từ nhiều quốc gia đến tham quan tìm hiểu, trong đó có trên 40 người từ Na Uy, Thụy Điển, Đức, Hà Lan, Áo, Mỹ, Úc… ở lại nhiều tuần để sáng tác và hoàn thiện tác phẩm của mình.
Có người mang phác thảo theo, có người lại tìm thấy cảm hứng sáng tạo từ truyền thống văn hóa cũng như vẻ đẹp duyên dáng mà hùng vĩ của thành phố bên bờ sông Hàn thơ mộng. Có người nhờ đội ngũ thợ lành nghề của dự án Điêu khắc đá chuyển phác thảo tác phẩm của mình sang chất liệu đá, người khác lại tự tay xẻ đá, đục đá, xem đây là cơ hội để học hỏi, nâng cao tay nghề”, ông Học hồi tưởng.
Cũng theo ông Học, không chỉ tổ chức các trại sáng tác, dự án còn có chương trình đào tạo điêu khắc cho các thợ điêu khắc trẻ. Nhờ đó, nhiều người thợ được học cách làm tượng từ đá granit ở Na Uy, được trao đổi kinh nghiệm với những người chạm đá ở Ý.
Tuy nhiên, đến năm 2009, do tác động của khủng hoảng kinh tế, dự án ngừng hoạt động. “Không nỡ để tâm huyết gầy dựng điêu khắc đá bấy lâu phút chốc sụp đổ, Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật và Hội Mỹ thuật Đà Nẵng chủ động đề xuất UBND thành phố cho chuyển đổi thành Quỹ Điêu khắc đá Đà Nẵng từ năm 2009”, ông Học nói.
Góp thêm câu chuyện, bà Phan Quỳnh Hương, Giám đốc Quỹ Điêu khắc đá Đà Nẵng cho biết thêm, bị đột ngột cắt nguồn tài trợ từ Na Uy, Quỹ Điêu khắc phải tự hoạt động để tồn tại và phát triển. Ngoài một khoản kinh phí dành cho việc xây dựng nhà xưởng do dự án Điêu khắc để lại, nguồn vốn cho hoạt động của quỹ bắt đầu gần như con số không.
Từ đó đến nay, hoạt động của quỹ chủ yếu gia công tượng điêu khắc, bán ra nước ngoài; các hoạt động như trại sáng tác, đào tạo cũng như tài trợ cho các hoạt động từ thiện hoặc tài trợ các hoạt động điêu khắc như mục tiêu đề ra ban đầu đã không thực hiện được.
Nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh cũng thừa nhận Điêu khắc Đà Nẵng có dấu hiệu “rầm rộ” khi dự án Điêu khắc đá ra đời và chững lại khi nó kết thúc. Hiện tại, hoạt động điêu khắc đá nghệ thuật khá trầm lắng, ngoài một số nhà điêu khắc có tên tuổi như Phạm Văn Hạng, Phạm Hồng... vẫn sáng tác đều đặn, song lại theo sở thích cá nhân hoặc đơn đặt hàng.
“Ngoài Trại sáng tác điêu khắc Đà Nẵng 2010, do Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng phối hợp Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật và Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức, Hội Mỹ thuật thành phố chưa có một triển lãm nào về điêu khắc nghệ thuật.
Bởi để làm nên một tác phẩm điêu khắc không chỉ tốn công sức mà cả thời gian, tiền bạc của nhà điêu khắc. Tham gia triển lãm, liệu tác phẩm có bán được hay không? Thêm nữa, Hội Mỹ thuật với nguồn quỹ hạn hẹp khó có được triển lãm điêu khắc, đòi hỏi kinh phí khá lớn”, ông Lê Huy Hạnh lý giải.
Trong khi đó, Chủ tịch Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng, ông Hồ Hải Học cũng tỏ ra băn khoăn về việc phát triển điêu khắc đá nghệ thuật của Đà Nẵng. Theo ông Học, cùng với việc mở rộng không gian đô thị, Đà Nẵng chưa quy hoạch đặt tượng cho tương xứng.
Trong nhiều năm liền chẳng thấy bóng dáng tượng nghệ thuật đâu và để bù cho sự thiếu hụt đó, ai cho gì nhận nấy và kết quả dọc sông Hàn la liệt các loại tượng đá mỹ nghệ. Vẫn biết rằng đó là các sản phẩm tinh xảo thể hiện tài năng của những nghệ nhân làng đá Non Nước, nhưng đó chưa phải là diện mạo của nghệ thuật điêu khắc mà một thành phố du lịch ngày càng hiện đại như Đà Nẵng cần có...
“Tôi nghĩ rằng Đà Nẵng nên đầu tư hơn nữa cho nghệ thuật điêu khắc đá. Chúng ta đã có làng đá mỹ nghệ Non Nước đáng tự hào, nhưng để đẩy nghệ thuật điêu khắc đá lên tầm cao mới thì cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa. Thế thì cái “mộng” đưa Đà Nẵng thành nơi giao lưu điêu khắc quốc tế mà quỹ đề ra ban đầu có vẻ còn quá xa vời”, ông Học nói.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ