.
Giới thiệu sách

Hoàng Bình Trọng, một lối đi riêng

.

Trong lời giới thiệu tập Trường ca về Tướng Giáp - Người anh cả của toàn quân của Hoàng Bình Trọng (NXB Kim Đồng, 2009), Trần Đăng Khoa nhận xét: “… Hoàng Bình Trọng có lối đi riêng. Anh không huyền thoại hóa vị tướng mà anh hết lòng yêu mến, kính trọng. Đã thế, anh còn chọn loại văn rất mộc để khắc họa chân dung của một thiên tài”. “Loại văn rất mộc” là loại văn gì? Lối nào là “lối đi riêng” của Hoàng Bình Trọng? Điều đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa vẫn còn để ngỏ.

Với tập Trường ca về tướng Giáp-Người anh cả của toàn quân và tập Trường ca Hoàng đế Quang Trung (NXB Thuận Hóa, 2016), Hoàng Bình Trọng đã khéo léo tạo ra một loại văn không giống ai để khắc họa chân dung hai vị tướng tài ba.

Hoàng Bình Trọng vừa viết văn vừa làm thơ. Tác phẩm văn xuôi đầu tay Bí mật một khu rừng của anh in với số lượng lớn và tái bản nhiều lần. Anh cũng là tác giả của nhiều bài thơ được công chúng yêu thích. Vì vậy, khi bắt tay viết thể loại trường ca, Hoàng Bình Trọng đã quyết định chọn cho mình “lối đi riêng”: Pha trộn giữa văn xuôi và thơ.

Lướt qua hai tập trường ca của anh, người đọc dễ dàng nhận ra sự khác biệt so với các tập trường ca xuất bản gần đây. Điểm khác biệt đó là số lượng câu dài lấn át những câu ngắn (trong khi đó ở các tập trường ca của các tác giả khác thì ngược lại). Bởi thế mới nhìn vào hai bản trường ca của Hoàng Bình Trọng ta có cảm giác như đây là hai tập văn xuôi mà các câu được xuống dòng liên tục.

Chẳng hạn, đoạn anh viết về cuộc hội ngộ giữa Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp: Sau ba chục năm hải ngoại bôn ba, trong huyết quản Người vẫn chảy dòng máu Việt Nam tinh chất/ … Dẫu mới gặp Võ Nguyên Giáp lần đầu, nhưng với cặp mắt tinh anh, Người đã thấy ở chàng trai một chiến sĩ Cộng sản kiên cường/ Một trí tuệ uyên thâm, một cách nhìn lóe sáng… (Trường ca về tướng Giáp – Người anh cả của toàn quân).

Còn đây là đoạn anh viết về cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Hoàng đế Quang Trung với Ngọc Hân công chúa: Nào hay chỉ một lần diện kiến với người con gái hoa hờn nguyệt thẹn/ Nhịp tim Nguyễn Huệ đã đập thình thình trong lồng ngực/ Và cặp mắt bậc anh hùng biến đâu mất ánh nhìn tia chớp/ … Mới thế thôi mà đã có một mối tơ duyên giữa thiếp với chàng/ Buộc chặt họ thành đôi tri kỷ… (Trường ca Hoàng đế Quang Trung).

Đọc kỹ, ta sẽ thấy cả hai đoạn đậm chất văn xuôi trên vẫn pha trộn chất thơ trong cách ngắt nhịp, gieo vần tạo nên âm hưởng khá đặc biệt, khác hẳn với những câu văn xuôi bình thường. Và Hoàng Bình Trọng khôn khéo dừng đúng chỗ và chèn vào những câu ngắn mang đậm chất thơ, tạo nên sự hài hòa giữa chất văn xuôi và chất thơ trong hai bản trường ca của mình.

Ghi lại cuộc gặp gỡ giữa Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp (đã trích dẫn ở trên), tác giả đúc kết: Một cuộc hội ngộ của đỉnh cao trí tuệ/ Hai ngọn đuốc sáng ngời trong đêm trường nô lệ/ Báo hiệu niềm vui: Vận nước đến rồi! Đó là những câu thơ vừa giàu hình tượng, vừa giàu chất triết lý, vừa tràn đầy cảm xúc.

Ghi lại cuộc gặp gỡ giữa Hoàng đế Quang Trung với Ngọc Hân công chúa (đã trích dẫn ở trên), tác giả diễn tả một cách sinh động buổi lễ tân hôn của họ: Tiếng trống chiêng khua dậy đất, tiếng pháo nổ rung trời, không át nổi lời reo hò chúc phúc lê dân trăm họ/ Cây cối hai bên đường lá cành đung đưa trước gió/ Sóng vỗ quanh hồ dào dạt, ánh mặt trời hấp háy trên cao/ Dường như cũng hướng về cặp uyên ương trao gửi lời chào…

Tuy số lượng có bị những câu thơ dài lấn át nhưng những câu thơ ngắn vẫn đủ sức cân bằng, tạo nên sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất văn xuôi và chất thơ trong hai bản trường ca. Sau khi lược thuật theo kiểu văn xuôi lời thề của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc trước Đội Tuyên truyền giải phóng quân, dưới cây đa Tân Trào, Hoàng Bình Trọng phóng trí tưởng tượng: Tiếng hô dội vào vách đá làm bão làm giông/ Vòng quanh thung sâu, đổ xuống đồng bằng,/ Trèo lên đèo mây, xuyên qua rừng thẳm/ Trời như thêm cao, đất như thêm rộng,/ Và những bản gần,/ Và những bản xa,/ Và những mái đình, bến nước, gốc đa/ Mọi chân trời góc bể/ Đã nghe rõ trong tiếng “xin thề” ba mươi tư chiến sĩ. Với việc sử dụng liên tiếp các động từ, danh từ, đặc biệt là cái vần “a” : “vách đá”, “cây đa”, “xuyên qua”, “bản xa”,  “gốc đa”… làm cho cả đoạn thơ càng ngân vang hơn, mạnh mẽ hơn, lan tỏa hơn, bay bổng hơn. Cảm hứng của nhà thơ tuôn trào, các câu thơ cứ thế gọi nhau đến, nối liền một mạch.

Trong tập Trường ca Hoàng đế Quang Trung, khi tái hiện kinh đô Thăng Long trong những tháng ngày bị bọn phong kiến phương Bắc xâm chiếm, sau một đoạn dài lược thuật theo kiểu văn xuôi, tác giả viết: Ngay cả tiếng gió xạc xào trên cành lá chốn công viên/ Cũng mang âm hưởng các oan hồn gào khóc/ Những con sóng lượn lờ xoay chiều ngang dọc/ Cũng gợi hình ảnh các tử thi trôi dạt bập bềnh/ Những làn mây trắng vô tư bay lượn giữa trời xanh/ Cũng mang bóng dáng những chiếc khăn tang rũ buồn đứt ruột…

Đây là cảnh núi rừng Tây Bắc sau chiến thắng Điện Biên Phủ (Trường ca về tướng Giáp – Người anh cả của toàn quân): Cả đất trời đẹp như làn da người con gái Thái tắm nước giếng tiên./ Mùa xuân bình thường trên đất Điện Biên/ Cây tre cho măng, con ong cho mật/ Con cáo cho lông, con hươu cho lộc… Còn đây là cảnh sông Linh Giang (sông Gianh) trong mắt Nguyễn Huệ khi tiến quân ra Bắc (trong Trường ca Hoàng đế Quang Trung): Vẫn gương nước trong veo như ánh mắt cô thôn nữ xinh tươi lứa tuổi trăng tròn/ Chớp chớp đôi bờ mi là những lũy tre, rặng dừa vô tư, những cây sú cây bần e lệ/ Những đợt sóng ập òa đùa dỡn quanh cồn dâu bãi mía,/ Vẫn những con giang, con sếu soi gương nước tìm làn mây trắng nhởn nhơ…

Ở các đoạn thơ trên, Hoàng Bình Trọng đã kết hợp hết sức tài tình giữa câu dài và câu ngắn, giữa kể và tả, giữa thơ và văn xuôi. Tác giả đã “trộn mơ vào thực”, “trộn thực vào mơ”. Ta bắt gặp không ít những đoạn thơ tài hoa như thế trong cả hai bản trường ca.

Bất cứ sự sáng tạo nào cũng phải dựa trên cơ sở kế thừa truyền thống. Trên bước đường tìm cho mình một “lối đi riêng” khi viết trường ca, Hoàng Bình Trọng không chỉ tìm hiểu những tư liệu lịch sử mà còn nghiền ngẫm khá kỹ các tác phẩm văn học mà cha ông để lại. Cái cách trộn lẫn văn xuôi vào thơ trong hai bản trường ca của anh phần nào đó giống với cách hành văn các thể cáo, văn tế.

Phải chăng cái lối vừa kể vừa tả vừa bộc lộ cảm xúc bằng những câu dài ngắn xen nhau, có nhịp, có vần của các thể loại văn học cổ ấy đã mở đường cho anh, giúp anh tự tin tìm tòi một cách viết trường ca mới, không giống ai? Mặc dù chưa phải là những bản trường ca đặc sắc nhưng việc tìm được cho mình một “lối đi riêng” bằng cách hòa trộn giữa thơ và văn xuôi của Hoàng Bình Trọng là rất đáng trân trọng.

Năm 2010, Trung ương Đoàn Thanh niên phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trao giải nhất cho Trường ca về Tướng Giáp - Người anh cả của toàn quân. Được biết, Nhà xuất bản Kim Đồng đang có kế hoạch tái bản cả hai tập trường ca có “lối đi riêng” này.

MAI VĂN HOAN

;
.
.
.
.
.