Văn hóa - Giải trí

Mảnh vỡ của mảnh vỡ - nỗi buồn hậu chiến

18:13, 21/05/2016 (GMT+7)

Tiểu thuyết Mảnh vỡ của mảnh vỡ (NXB Hội Nhà văn, 2015) của Vĩnh Quyền là một trong ba tiểu thuyết vừa đoạt giải B (không có giải A) giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ tư của Hội Nhà văn Việt Nam (2011-2015).

Mảnh vỡ của mảnh vỡ đoạt giải B (không có giải A) giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ tư của Hội Nhà văn Việt Nam (2011-2015).
Mảnh vỡ của mảnh vỡ đoạt giải B (không có giải A) giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ tư của Hội Nhà văn Việt Nam (2011-2015).

Viết về cuộc trở về sau chiến tranh không phải là vấn đề mới, nhưng hầu hết những “hội chứng hậu chiến” lâu nay đều là những người lính từ miền Bắc vào Nam chiến đấu trở về, hoặc những người từ miền Nam tập kết ra Bắc trở về. Mảnh vỡ của mảnh vỡ lại là cuộc trở về của những thanh niên trí thức phong trào yêu nước đô thị, trở thành đội viên đội biệt động, bị lộ bí mật phải “nhảy núi”, có cả câu chuyện của những người học tập cải tạo và những người vượt biên bỏ đất nước ra đi, việc sử dụng các viên chức lưu dung… là những mảng hiện thực đời sống mà lâu nay ít được đề cập trong tiểu thuyết.

Dù từng trải qua hay chỉ là sự nghiệm sinh từ hoàn cảnh đất nước nhưng ai cũng có thể đồng cảm, sẻ chia với nỗi buồn chiến tranh, bởi vì chiến tranh là tội ác, là mối đe dọa đối với con người. Song, Vĩnh Quyền đã phóng tầm nhìn ra xa hơn, khi nhận ra nỗi buồn hậu chiến.

Ngày thống nhất đất nước không phải ai cũng vui mừng, có ít nhất ba trạng thái tâm lý của ba nhóm người: niềm vui của người này lại là nỗi buồn, nỗi lo của kẻ khác, bên cạnh đó là số đông những người đứng giữa, thậm chí trong nhóm trí thức trẻ đi theo cách mạng, những đội viên đội biệt động thành phố từng lập nên nhiều chiến công hiển hách, vẫn có người ưu tư tự hỏi: “Tại sao lại buồn thối thây thế này khi chiến thắng gần kề?” (tr.19). Đó là nỗi buồn hậu chiến, nỗi buồn của một “thế hệ vứt đi” (Hemingway), những người trẻ tuổi từng tham chiến trong phong trào đô thị và trở về trong tư thế của người chiến thắng như Phan, Long, Bình, Quang, Sơn, Mây, vợ chồng Sâm “đại ca”, “thủ trưởng” Hoành, hoặc cả những viên chức của chế độ cũ như Kha, Cường, Huy, thậm chí cả những người dân thường bị cơn lốc chiến tranh cuốn vào như Lai, cô gái “bán hoa”, Thùy - biên tập viên nhà xuất bản, Cruyang Uyên - Phó Chủ tịch huyện…

Họ là hiện thân của tấn bi kịch bị vỡ ra thời hậu chiến, đó là một thực tế lịch sử, mà dù muốn dù không cũng phải chấp nhận: “Trong chúng ta còn đầy những ngăn cách, ngay một gia đình cũng ẩn chứa mầm mống bất hòa, đó là một phần của hậu quả cuộc chiến tranh hơn hai mươi năm. Nên đôi khi chúng ta cứ như những mảnh vỡ. Để tồn tại và để một ngày nào đó tìm thấy hạnh phúc, chúng ta phải tìm cách hàn gắn những mảnh vỡ, chữa lành những vết thương tâm hồn. Nhưng, sự thật là, không phải ai trong chúng ta cũng may mắn tìm được đúng cách cho những việc như vậy” (tr.178-179).

Mỗi người một tính cách, một số phận, một đường đời khác nhau, thời chiến tranh, họ có chung một con đường/lý tưởng cách mạng và chịu sức hút của lý tưởng ấy, đến cả những con người bình thường như Thanh, hoặc gái giang hồ như Lai, cũng đi dần về phía ánh sáng của lý tưởng, trở thành người chở che, nuôi giấu cán bộ cách mạng; nhưng đến khi hòa bình lại trở thành nạn nhân của tấn bi kịch thời hậu chiến.

Ngay cả thủ trưởng Hoành - người “từng chỉ huy một đơn vị biệt động, chiến công vang dội”, sau chiến tranh không tìm được vợ con, lại bị đồng đội “quy vào diện bất đồng và đặt ông vào vị trí chầu rìa. Ông sa vào rượu và thuốc lá, cho đến ngày bác sĩ lắc đầu đồng chí ơi, lá gan đồng chí hỏng rồi” (tr.283) và chết trong nỗi tiếc thương của mọi người. Tác phẩm hầu như không có nhân vật xấu, mà cái xấu là chiến tranh, là đạn bom!

Vấn đề quan trọng của tiểu thuyết không chỉ là nhân vật, mà còn là kết cấu. Với độ dày 319 trang, chia thành 24 chương, mỗi chương là một hay vài sự kiện đan xen, gối đầu tạo nên những tình huống, có đảo ngược, xoay chiều thời gian, đan cài, hoán đổi không gian, nhưng không quá phức tạp, căn bản vẫn là một cốt truyện tự sự theo dòng tuyến tính.

Vĩnh Quyền từng tâm sự rằng, anh viết theo lối truyền thống, anh không quan tâm đến các trào lưu hiện đại, hậu hiện đại như mốt thời thượng mà nhiều người đang lao theo. Nhưng biết làm sao được, nhà văn đôi khi không làm chủ được mình, ý thức nhà văn không thể cưỡng lại được tâm thức sáng tạo - cái được sản sinh từ bình diện triết mỹ của thời đại.

Có thể nhận ra toàn bộ thi pháp tiểu thuyết của anh xuất phát từ tâm cảm của lối tư duy hiện đại, từ quan niệm nghệ thuật về con người bản thể (không ai hoàn hảo, không ai xấu hẳn, chỉ có những cá tính khác nhau), đến không gian nghệ thuật (đan cài, hoán đổi làm nổi bật hình tượng không gian tâm tưởng), thời gian nghệ thuật (đảo ngược, xoay chiều nhằm thể hiện hình tượng thời gian tâm trạng); thậm chí đã bước sang lãnh địa của chủ nghĩa hậu hiện đại khi không tìm thấy nhân vật trung tâm, các sự kiện vò nát vỡ vụn tạo nên các tiểu tự sự, hoặc chỉ nhìn vào nhan đề Mảnh vỡ của mảnh vỡ đã bao hàm tâm thức hậu hiện đại một cách khó chối cãi.

Ngay cả khi mô tả về tình yêu, Vĩnh Quyền không tránh né vấn đề tình dục, như quan hệ ái ân trong nhiều hoàn cảnh khác nhau giữa các nhân vật - mà hầu hết là do các cô gái tự nguyện hiến dâng, nhưng không đơn thuần là chuyện trai gái, mà đó chính là ý nghĩa nhân văn của sự sống trỗi dậy trước cái chết, trong hoàn cảnh chiến tranh, gây hậu quả lâu dài trong thời hậu chiến.

Tuy độ dày mỏng khác nhau, nhưng Mảnh vỡ của mảnh vỡ là tập sách thứ 12 và cũng là tiểu thuyết thứ 4 của Vĩnh Quyền. Ba tập trước đều là tiểu thuyết lịch sử (Vầng trăng ban ngày, Mạch nước trong, Trước lúc mặt trời mọc). Nếu ba tập trước, anh dựa vào thế mạnh của một người am hiểu Hán Nôm có thể đọc được tài liệu trong thư tịch để tái tạo nhân vật, sự kiện, thời gian và không khí lịch sử, thì lần này anh lại dựa vào vốn ngoại ngữ để sáng tác bằng tiếng Anh.

Có một thế hệ trí thức đích thực của đất nước xuất hiện trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945, có thể sáng tác bằng nhiều thứ tiếng, thì đến nay Vĩnh Quyền là một trong những trường hợp hiếm hoi làm được điều đó. Mảnh vỡ của mảnh vỡ là cuộc “lội ngược dòng” khi trước đó Vĩnh Quyền viết bằng tiếng Anh Debris Of  Debris (in lần thứ nhất tại Đại học Saint Benedict, Minnesota, Mỹ, 2011 và lần thứ hai tại NXB Austin Macauley, London, Anh, 2014), rồi được chính tác giả dịch ra tiếng Việt, in và phát hành ở Việt Nam.

PHẠM PHÚ PHONG

.