.

Mẹ với chiều trên đê thẳm gió

.

Chiều về với mẹ, tôi đắm mình trong hương cỏ may ven đê. Sông La xanh ngắt một màu huyền diệu, bầu trời vẫn ngát một màu chung thủy bấy lâu như người con gái sông La hiền dịu. Tôi nằm lặng trên cỏ thơm. Những cánh chuồn chuồn đo thời gian vắn dài sợi tóc.

Dửng dưng bay, dửng dưng ca hát trong khoảnh trời riêng có. Trời Đồng Lộc chiều nay thả vào tôi chút nhớ mặn mòi trong nước mắt. Đây là mảnh đất mẹ tôi đã có một tuổi thơ không hạnh ngộ những nỗi niềm thiên di được-mất. Nơi ông bà ngoại tôi đã đẫm cùng đất trời diệu vợi sau những trận bom rền vang như sấm. Hố bom. Tuổi thơ tôi thường đếm hố bom và cứ gặng hỏi mẹ tôi về lai lịch những hố bom sâu hoắm đó.

Nơi cạnh chân đồi nhà ngoại. Mẹ khóc và không nói cho tôi câu trả lời để đến bây giờ, mỗi khi về thăm quê ngoại, tôi lại chạy ra bờ đê lộng gió rồi trong khoảnh khắc tuổi thơ đó, tôi cố đếm xem bây giờ trên mảnh đất Đồng Lộc kiên trung của Nghệ Tĩnh, còn bao nhiêu hố bom sâu. Nhớ những tháng ngày trượt mất của khoảng không gian xanh trên hố bom, tôi đã từng soi bóng mình dưới hố bom để đo về thời gian trôi vụt mất.

Cuộc sống nhiều đổi thay. Mặt đất ngày như chật hơn và những hố bom cũng vì thế, biến mất theo thời gian khi con người khỏa lấp. Rồi ruộng đồng lại xanh ngắt một màu khoai, ngô, lúa. Người ta cũng quên hẳn ký ức những hố bom vì đó là một ký ức buồn chao chát. Đó là minh chứng cho một mốc lịch sử đấu tranh khốc liệt của người dân đất Việt.

Nghệ Tĩnh, nơi tiếng sấm bom đạn vẫn còn rền vang trong ký ức của nhiều thế hệ từng vào sinh, ra tử. Sống-chết chỉ trong gang tấc. Nơi mẹ tôi đã sớm mồ côi cha mẹ từ lúc mới chạm tuổi lên mười. Nơi chú ruột, cậu ruột của tôi đã dâng hiến cuộc đời mình cho Tổ quốc, là hai trong hàng trăm ngàn liệt sĩ trên dọc dài mảnh đất miền Trung khô cằn, nắng gió, cùng làm nên một hạnh phúc tròn đầy trên những đôi môi, những nụ cười thơ trẻ hôm nay.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhiều người bạn cùng trang lứa của tôi, đã bôn ba kiếm sống nhiều nơi rồi một ngày gặp lại, tôi khựng cả người bởi họ đổi luôn cả giọng nói. Chút ngượng ngùng còn sót lại của tôi trên gương mặt rồi cũng tan biến theo chút nắng gió quê hương khi tôi thả tâm hồn mình bay cùng nắng chiều trên đê.

Không thể ngồi trách giọng xứ Nghệ lẫn pha, đổi khác, bởi rồi theo thời gian, rồi chúng ta vẫn phải chấp nhận những điều thay đổi đó, dẫu rằng vẫn rát mặn trong tâm thức người quê. Chiều thả mượt những sợi nắng chiếu qua từng vạt cỏ may trên đê, gió thả những bông cỏ may lượt là mặt đất. Gió xanh, thời gian xanh. Những bước chân xanh và một nỗi nhớ rất xanh chạy dọc ký ức đã hao mòn, thương nhớ một miền xa thẳm.

Miền tưởng vọng khói sương khi con người ta lớn lên rồi trưởng thành và khi nhận ra nơi đã hình hài mình trên cuộc đời này. Họ trở lại. Họ trở trăn rồi khóc trên khúc đê dài theo chiều của ruộng đồng mướt màu hoàng hôn. Phải chăng khi trở về nguồn cội, người ta đã quên đi mình từng là hạt cỏ, hạt cát, rồi mình lớn lên và lại trở về với cỏ.

Khi ngôn ngữ lặng im buộc ta thở dài và duỗi mắt theo cánh chim đang mãi bay trên bầu trời diệu vợi và thả lỏng đôi tay. Những giọt nước mắt xưa mẹ tôi khóc bên cậu cả khi về làm giỗ ông bà ngoại chính là câu trả lời cho lai tích những hố bom trên đất quê hương. Gió xát vào mặt tôi cảm giác mặn mòi của sóng nước sông La, của đồi thông xanh trên núi Hồng diệu vợi. Đưa tay lên chạm phải tóc mình, thổn thức thời gian vắn dài đầu ngọn bút.

Hơn bốn mươi năm, một hành trình đất nước bạc màu thời gian. Màu xanh trên quê hương đã trở lại. Những hố bom trong ký ức tôi trở thành những vết đứt tách-rời ký ức tuổi thơ xót xa và huyền diệu. Tôi soi bóng mình trong tấm gương ký ức vừa mới chớm lằn trên vầng trán những nếp nhăn. Mọi điều có thể và không thể khi thời gian chạm vào thời gian và con người không dừng lại nhặt những viên sỏi ký ức dưới chân mình. Một hạt ký ức có thể trở thành một niềm tin yêu mãnh liệt và không tham vấn.

Nằm đẫm mình trên cỏ có nguôi quên những bông cỏ may găm đầy gấu quần rồi đi muôn ngả. Đã có lúc tôi bực mình ngồi gỡ cỏ may trên áo, nhưng đó bây giờ lại là chút kỷ niệm nghẹn ngào đẫm nắng gió Hồng Lam.

Giọt máu đỏ của ngày độc lập cũng là chấm nhớ hắt lên trong xanh thẳm tâm hồn khi đưa đôi tay thả vào trong chiều quê yên tĩnh. Có người sẽ hỏi vì sao tôi hay tiếc tuổi thanh xuân, bởi có một ngày tôi nhận ra đó là một thềm hoa nắng chất đầy ưu tư, hoài vọng. Tất cả bung tỏa chờ ngày khai mãn những sắc màu tinh túy. Gió đang thì thầm bên tai tôi những lời ru xô lệch tháng ngày. Tôi buột miệng gọi khẽ, Mẹ ơi.

Nguyễn Thị Anh Đào

;
.
.
.
.
.