.

Món quà ngày hè cho thiếu nhi

.

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vừa ra mắt chương trình múa rối cạn với chủ đề “Ngày hè sôi động”. Đây được xem là món quà tinh thần của các nghệ sĩ dành cho trẻ em thành phố trong dịp hè này.

Các nghệ sĩ phối hợp ăn ý, nhịp nhàng trong tiết mục múa rối cạn “Hồ thiên nga”.
Các nghệ sĩ phối hợp ăn ý, nhịp nhàng trong tiết mục múa rối cạn “Hồ thiên nga”.

Cực mà vui

Giữa tháng 5 vừa qua, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức đêm diễn báo cáo chương trình múa rối cạn “Ngày hè sôi động”. Dù chỉ là đêm báo cáo, nhưng khán phòng nhà hát chật kín khán giả nhí.
Với “Ngày hè sôi động”, những con thú nhồi bông qua đôi tay “biết nói” của các nghệ sĩ trở nên thật ngộ nghĩnh, thú vị.

Dù đơn giản chỉ là câu chuyện gia đình nhà gà, trò tinh nghịch của những chú khỉ, hay nhẹ nhàng, êm ả vũ điệu thiên nga, nhưng chừng ấy cũng đủ cho các bé hào hứng không rời mắt, nhún nhảy theo từng động tác của các cô chú nghệ sĩ.

Nhìn con gái 4 tuổi tỏ ra thích thú, anh Lê Thanh (quận Hải Châu) phấn khích: “Tôi cảm thấy như mình cũng trở về tuổi thơ. Tôi sẽ đưa con đi xem những chương trình như thế này. Ở đó, con tôi được đến với thế giới thần tiên trong lành và tinh khiết để cười và vui”, anh Thanh chia sẻ.

Để có chương trình rối cạn “Ngày hè sôi động”, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phải gấp rút tập luyện trong vòng một tháng, dưới sự hướng dẫn của NSND Thùy Trang, Nhà hát Múa rối Thăng Long.

Diễn viên Kim Oanh, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, cái khó của rối cạn là làm sao thông qua các động tác, người nghệ sĩ phải toát lên được nhân vật mình phụ trách. Không những thế, mỗi trò diễn là sự hòa quyện giữa lời ca, điệu múa và chuyển động của con rối. Chẳng hạn, ở tiết mục “Hồ thiên nga”, để tạo hình một chú thiên nga cần có đến hai diễn viên đảm nhận. Người làm phần thân, người làm phần đầu nhưng phải nhịp nhàng, ăn ý, nhất là những động tác khó. Có vậy mới ra được đôi cánh thiên nga yểu điệu, rập rờn nối đuôi nhau bên bờ hồ phủ sương, những bước chân uyển chuyển, mềm mại lướt đi êm đềm.

Hay ở tiết mục nhà gà, các nghệ sĩ biến hóa thành những rocker, tay chơi đàn, đánh trống vô cùng điệu nghệ. “Điều này buộc người nghệ sĩ phải nghiên cứu kỹ từng vai diễn. Chúng tôi quan sát, học hỏi thần thái của ca sĩ, diễn viên ở nhiều loại hình nghệ thuật khác để hóa thân cho có hồn. Cực nhưng mà vui”, diễn viên Kim Oanh hào hứng nói.

Múa rối vẫn sống khỏe

Sau rối nước, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đầu tư thêm loại hình rối cạn dưới sự hỗ trợ chuyên môn của Nhà hát Múa rối Thăng Long. Đây không phải là cuộc thử sức “mạo hiểm”, bởi theo ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, khi các loại hình nghệ thuật truyền thống khác khá chật vật để tồn tại thì múa rối vẫn sống khỏe.

Đà Nẵng là thành phố lớn và còn thiếu sân chơi nghệ thuật giải trí dành cho thiếu nhi, nên sự xuất hiện của múa rối cạn góp phần làm phong phú “thực đơn” thưởng thức nghệ thuật của khán giả nhí. “Tôi kỳ vọng múa rối sẽ đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh của thiếu nhi Đà Nẵng và tạo ra cơ hội cho nghệ sĩ, diễn viên nhà hát có nhiều đất diễn, góp phần cải thiện đời sống”, ông Tuấn trải lòng.

Cũng theo ông Tuấn, ngoài chương trình “Ngày hè sôi động”, nhà hát còn dàn dựng các chương trình “Khu rừng thiên nhiên”, “Vũ điệu thần tiên”. Sắp tới, nhà hát tiếp tục đầu tư múa rối cạn với nội dung xoay quanh các con vật gắn liền tuổi thơ của trẻ em như ong, ếch, cào cào, v.v… Lồng trong chương trình còn là các trò chơi nhỏ để các em thử hóa thân vào các con rối hoặc có thể nhảy múa ngay trên sân khấu. Với rối cạn, việc phát triển nội dung hấp dẫn được xem là khâu quan trọng cốt lõi tạo ra thu hút đối với khán giả suốt buổi biểu diễn.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.