.

Nguồn cảm hứng từ đồ họa

.

Ba năm qua, Câu lạc bộ (CLB) Đồ họa Đà Nẵng tạo nguồn cảm hứng cho nhiều họa sĩ, từ đó “đánh thức” mảng tranh đồ họa “ngủ quên” bấy lâu nay.

Các họa sĩ sáng tác tại Trại sáng tác Đồ họa Đà Nẵng lần thứ 3 áp dụng hai kỹ thuật đồ họa mới collagraph, paper block.
Các họa sĩ sáng tác tại Trại sáng tác Đồ họa Đà Nẵng lần thứ 3 áp dụng hai kỹ thuật đồ họa mới collagraph, paper block.

Tranh đồ họa “thức giấc”

Học chuyên ngành về đồ họa tại Đại học Nghệ thuật Huế, nhưng họa sĩ Tiến Dũng lại rẽ sang công việc dạy học, rồi thiết kế tại một tờ báo. Lúc rảnh rỗi, anh vẫn vẽ tranh, song tác phẩm tranh đồ họa đếm chưa đầy đầu ngón tay. “So với các loại hình khác của hội họa, tranh đồ họa bị lãng quên và họa sĩ Đà Nẵng cũng chưa có sân chơi để thể hiện. Từ ngày CLB Đồ họa Đà Nẵng ra đời, tình yêu đối với loại hình nghệ thuật này được nhen nhóm trở lại, khơi gợi trong giới họa sĩ những hứng khởi, đam mê”, anh Dũng chia sẻ.

Vừa kể, anh vừa khoe tác phẩm “Độc nguyệt cầm” được sáng tác trong Trại sáng tác Đồ họa Đà Nẵng lần thứ 3, tổ chức vào cuối tháng 4-2016, tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng. Tác phẩm thực hiện bằng kỹ thuật collagraph (in lõm đắp nổi) - một trong những kỹ thuật mới, xuất hiện ở nước ta từ năm 2011.

Theo anh Dũng, cái hay của tranh collagraph là có thể sử dụng nhiều chất liệu cứng hoặc mềm mại sẵn có trong đời sống để tạo nên tác phẩm. Chẳng hạn, vỏ trứng, dây thừng, bao bố, lưới, lá cây phơi khô, hoa... được dùng để tạo hình; hạt cát, giấy nhám tạo hạt; bàn chải, móng tay dùng trong cào xước tạo nét. Tùy theo ý đồ nghệ thuật của mỗi tác giả mà đường nét có thể tô đậm, chồng chất, đứt rồi nối, lại có thể như vẽ mà không vẽ.

“Chỉ có thể dùng hai từ “kỳ diệu” để nói về nghệ thuật đồ họa. Bởi hoàn thành giai đoạn chế bản, người họa sĩ mới đón nhận niềm vui phân nửa. Lúc đưa chế bản vào khuôn in, cảm giác rất hồi hộp khi nét vẽ và mực in ngấm xuống từng thớ giấy. Bản in hình thành, lúc đó mới biết tác phẩm có ra được ý tưởng sáng tạo của người nghệ sĩ hay không”, họa sĩ Trường Chinh nói thêm.

Nhìn hình ảnh người thiếu nữ dịu dàng bên chiếc nguyệt cầm được tạo từ chất liệu vỏ trứng, dây thừng, lá cây phơi khô... quyện với gam màu tươi tắn qua bản in “Độc nguyệt cầm” của họa sĩ Tiến Dũng; hay hình ảnh đàn cá tung tăng bơi lội được thể hiện bằng thủ pháp đồng hiện qua bản in “Gia đình nhà cá” của họa sĩ Trường Chinh, mới cảm nhận được cái gọi là “kỳ diệu” mà giới họa sĩ nói về loại hình nghệ thuật này.

Mong có không gian trưng bày

Họa sĩ Lê Huy Hạnh, Chủ nhiệm CLB Đồ họa Đà Nẵng cho biết, tại Đà Nẵng, tranh đồ họa dường như bị “ngủ quên”. Một phần bởi theo xu thế chung của cả nước, phần nữa do họa sĩ không có “sân chơi”. Khi trào lưu tranh đồ họa khởi sắc trở lại vài năm gần đây, một số anh em có cùng niềm đam mê đã lập nên CLB Đồ họa Đà Nẵng.

Dù ra đời trễ so với các thành phố lớn khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, nhưng ba năm qua, sân chơi nhỏ này tạo điều kiện cho họa sĩ Đà Nẵng có cơ hội tìm tòi, học hỏi nhiều kỹ thuật đồ họa tiên tiến của các nước; đồng thời, hỗ trợ nhau trong sáng tác để làm nên những tác phẩm có sức truyền cảm.

Tại Trại sáng tác Đồ họa Đà Nẵng lần thứ nhất, do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại Việt Nam (Hà Nội), các tác phẩm của họa sĩ Đà Nẵng được đánh giá cao và được chọn vào bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài ra, trong triển lãm đồ họa Đà Nẵng lần thứ nhất, nhiều tranh đồ họa được người xem chọn mua.

“Song, thực tế là đa phần họa sĩ Đà Nẵng vẫn không thể sống bằng nghề. Để nuôi dưỡng niềm đam mê, mỗi người đều phải bươn chải ở các lĩnh vực khác thuộc chuyên ngành mỹ thuật, từ đi dạy, kẻ bảng quảng cáo đến làm hòn non bộ. Điều tôi mong mỏi nhất là có không gian trưng bày, giới thiệu tác phẩm đồ họa của các thành viên trong CLB để đông đảo người dân và du khách biết đến, có thế mới tạo đầu ra cho sản phẩm. Người họa sĩ có thể dành tất cả thời gian sáng tạo nghệ thuật, nhưng làm sao tiếp thị sản phẩm ra thị trường thì họ lại không giỏi trong chuyện này”, họa sĩ Huy Hạnh nói.

Những năm gần đây, bên cạnh các loại tranh khắc gỗ, tranh in kim loại, tranh đồ họa áp dụng thêm nhiều kỹ thuật mới để cho ra đời tranh in đá, litho trên kim loại, litho trên gỗ, tranh in lưới, tranh in collagraph... Tại Trại sáng tác Đồ họa Đà Nẵng lần thứ 3, gần 30 họa sĩ, sinh viên đã làm quen với kỹ thuật collagraph, paper block. Thông qua hai kỹ thuật này, các tác giả đã tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng về chủ đề thiên nhiên, cuộc sống. Dự kiến vào tháng 7 tới, CLB Đồ họa Đà Nẵng sẽ tổ chức triển lãm, giới thiệu tác phẩm đến công chúng.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.