.

Vùng sâu - sự vận động của tư duy tiểu thuyết

.

Sở dĩ tiểu thuyết Vùng sâu (2012) của nhà văn Tô Nhuận Vỹ vừa đoạt giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ tư của Hội Nhà văn Việt Nam (2011-2015), không chỉ vì tác giả đã đi sâu khai thác những vấn đề ưu tư, oan trái sau chiến tranh đối với những trí thức sinh ra, lớn lên ở miền Nam đi theo cách mạng, mà còn vì sự vận động của tư duy tiểu thuyết, chuyển dịch hệ hình thước đo giá trị, từ tiền hiện đại (lấy việc soi rọi hiện thực đời sống làm mục tiêu) sang chiều kích mới (lấy hiệu ứng thẩm mỹ thông qua hình thức tác phẩm làm mục tiêu) của nghệ thuật tiểu thuyết.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ và tiểu thuyết Vùng sâu.
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ và tiểu thuyết Vùng sâu.

Mỗi nhà văn có một miền quê sáng tác, một vòm trời riêng với một kiểu người, một loại nhân vật ẩn náu trong tâm hồn. Với Tô Nhuận Vỹ, quê hương của ông và miền quê trong sáng tác dường như trùng khít với nhau.

Đó là thành phố và vùng đất phía Nam thành phố Huế, nơi mà sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1964), đứng trên bục giảng chỉ hơn một năm, ông từ chối tất cả ưu đãi như du học nước ngoài để tình nguyện trở lại chiến trường miền Nam, chiến trường Trị Thiên - Huế. Và chỉ 14 ngày sau, ông được về nơi ấy, vùng giáp ranh, vùng cài răng lược, nơi có những căn cứ lõm mà Nguyễn Quang Hà từng gọi là Vùng lõm (tiểu thuyết, Nxb Quân đội nhân dân, 2010), còn ông gọi đó là Vùng sâu.

Không phải đến bây giờ, ở tiểu thuyết Vùng sâu, Tô Nhuận Vỹ mới soi chiếu cái nhìn đến nơi ông đặt chân đầu tiên khi trở lại chiến trường trong tư thế đối mặt với kẻ thù, mà toàn bộ sáng tác của ông có đến hơn vài nghìn trang sách đã viết về nơi đây.

Nhưng khác với câu chuyện chiến tranh hoành tráng có tính chất sử thi (Dòng sông phẳng lặng, 3 tập 1979-1982), hay câu chuyện xây dựng chính quyền mới thời hậu chiến (Ngoại ô, 1984), hoặc số phận nghiệt ngã của con người trong bão lửa của chiến tranh và con đường quay về với nhân dân, với cách mạng của những con người lầm lỡ (Phía ấy là chân trời, 1987); lần này, cũng khung cảnh ấy, cũng môi trường đó, xoay quanh những nhân vật trí thức, những người lao động và những chiến sĩ mang lý tưởng cao đẹp ấy, nhà văn đi sâu hơn, luồn sâu hơn ngòi bút của mình vào một vấn đề nhức nhối của thời hậu chiến: số phận những trí thức tham gia phong trào cách mạng, bị bắt bớ tù tội trong nhà lao đế quốc, không chỉ bị tra tấn dã man, mà còn bị bôi đen, bị vô hiệu hóa, bị chính đồng đội nghi ngờ là phản bội cách mạng, là do địch cài lại theo kế hoạch hậu chiến.

Đó là những anh em từng tham gia phong trào và một bộ phận quần chúng lao động ở các đô thị miền Nam, những người như Phước, Thảo, Thu, Hương Cần..., những nhân vật trung tâm của tác phẩm, thể hiện cảm hứng chủ đạo của tác giả và tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm, những người góp phần làm nền tảng của cuộc chiến tranh nhân dân và chính vì họ mà tác giả sáng tạo nên tác phẩm.

Ở phương diện nào đó, còn có thể kể thêm những người như Hoài, Trinh, Phương, những nhân vật mang vẻ đẹp lý tưởng đã chiến đấu không biết mệt mỏi vì lẽ sống con người. Họ đã tiếp tục chiến đấu với cuộc chiến sau chiến tranh, để chống lại chiến lược hậu chiến của kẻ thù và cả những phần tử xấu nhân danh cách mạng trục lợi cho cá nhân, như “Hắn” - một người lợi dụng “bóng ma chiến tranh” và chức quyền ban ơn để “tống tình” đồng chí đồng đội, sau chiến tranh đã leo lên đến chức Phó Bí thư Tỉnh ủy và có nguy cơ lên cao hơn nữa, nếu những con người chân chính tỏ ra mệt mỏi, nản lòng, không dám đấu tranh. Thậm chí, Trinh còn bay sang Mỹ để đấu tranh trực diện với kẻ thù. Với họ, dường như cuộc chiến tranh chưa hề kết thúc và luôn tâm nguyện rằng, “cuộc đời dù có gập ghềnh, mưa nắng thất thường, nhưng phải luôn sống cho tốt, luôn là một con người, cái đích ấy trọn vẹn do nơi mình quyết định, cái đích ấy có ai cướp được của mình đâu mà chán nản?” (tr.48).

Về kết cấu, Vùng sâu có 28 chương, với gần 340 trang, có xoay chiều, hồi tưởng về quá khứ, ngước nhìn tương lai, nhưng chủ yếu vẫn là câu chuyện tự sự được trần thuật mạch lạc theo trình tự thời gian của lối viết truyền thống một cách đơn giản, nhưng không hề đơn điệu.

Bởi lẽ, bàng bạc trong từng trang sách, ken dày giữa những con chữ là tư tưởng nhân văn và niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người, được trình bày thông qua những xung đột tiểu thuyết được đẩy đến mức cao trào: địch - ta, thiện - ác, tốt - xấu, cao cả - thấp hèn...

Sự xung đột không chỉ diễn ra giữa hoàn cảnh và tính cách, giữa tính cách và tính cách, mà còn trong từng ý tưởng, từng vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh, ngay cả những vấn đề gai góc nhất: “Không thể có một nhà chính trị dễ mủi lòng. Không thể có một nhà chính trị không biết khi cần thì phải hành xử ác. Nhà chính trị đâu phải là một nhà văn. Mà ngay nhà văn, nếu không ác thì cũng không có những tác phẩm “dễ sợ” được” (tr.331).

Hoặc cả những vấn đề đơn thuần là chính trị khô khan cũng được Tô Nhuận Vỹ lý giải một cách thấu đáo, thể hiện chỗ đứng của một nhà văn có tầm vóc trong xu thế và cảm quan khẳng định: “Với tôi, Đảng không phải là một người cụ thể, không phải là những con người cụ thể nào hết. Mà đó là những ý tưởng cao cả nhất con người phải tôn thờ, vì nó mà sống, vì nó mà phấn đấu, vì nó mà mơ ước. Nó là cái đẹp. Và con người có lương tâm và trí tuệ đã chọn nó làm người yêu đích thực của mình thì phải thủy chung với nó suốt đời...” (tr.132).

Tầm vóc vấn đề không lớn, nhưng sức vóc của chỉnh thể nghệ thuật được trình bày trong ý nghĩa toàn vẹn của một tư duy tiểu thuyết còn ở độ sung sức, tuy có lúc có nơi ông chưa đi đến cùng của ý tưởng, một vài tính cách còn đậm chất lý tưởng hóa, một vài gặp gỡ ngẫu nhiên chỉ nhằm phụ thuộc vào ý chí của nhà văn...

Điều đáng ghi nhận ở Vùng sâu không phải ở những vấn đề đã được phản ánh, mà chính là năng lực tâm hồn của nhà tiểu thuyết. Đọc từng trang sách, dễ nhận ra sự vận động của tư duy tiểu thuyết, tuy vẫn trung thành với lối viết truyền thống nhưng đã chuyển đổi hệ hình tư duy sang phạm trù của tiểu thuyết hiện đại.

Cũng vẫn là vùng đất cũ, những con người trong chiến tranh gian khó, nhưng cảm quan hiện thực đã hoàn toàn mới. Ông trở lại vùng sâu, nơi trở thành nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời cầm bút của mình, nhưng không hề lặp lại những vấn đề đã cũ, cũng những con người cũ nhưng tính cách hoàn toàn mới.

Ông thủy chung toàn vẹn với miền quê sáng tác của mình, nhưng vẫn tạo ra những nội dung mỹ cảm mới mẻ, thu hút người đọc cho đến cuối sách. Nhưng quan trọng hơn, những đổi mới nghệ thuật không làm thay đổi phong cách của nhà tiểu thuyết, vẫn là giọng điệu đa thanh, nhiều cung bậc, khi sôi nổi, lúc điềm đạm, lại có cả những chì chiết đến đau đớn trước những nỗi đau, những oan trái cuộc đời.

PHẠM PHÚ PHONG

;
.
.
.
.
.