Lẳng lặng mà nghe/ Tôi hô, là hô con bài/ Con gì nó ra đây/ Con gì nó ra đây... Câu hát của anh hiệu - người diễn xướng trong hội bài chòi níu chân người dân và du khách khi đi ngang khu vực công viên phía đông cầu Rồng…
Bài chòi xuống phố thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. |
ễn ra từ tháng 4-2016 đến nay, vào tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần tại vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, đoạn phía nam bờ đông cầu Rồng, quận Sơn Trà, hội bài chòi góp phần tạo nên không khí sôi động trong chuỗi văn hóa, giải trí dọc hai bờ sông Hàn.
“Rủ nhau đi đánh bài chòi”
Đến từ rất sớm, tìm vị trí trên chòi cao, bà Trần Thị Hòa (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) chia sẻ, có cảm giác như bài chòi đang trở lại cái thời người người Rủ nhau đi đánh bài chòi/ Để cho con khóc đến lòi rún (rốn) ra.
“Gián đoạn một thời gian dài, bài chòi được khôi phục trong các lễ hội đình làng, cầu ngư và dịp Tết, nhưng vẫn không thể làm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức bài chòi của một số người đặc biệt yêu thích như tôi. Bây giờ, bài chòi xuống phố trình diễn hằng tuần, tôi có cơ hội để nghe lại những làn điệu dân dã, vui nhộn”, bà Hòa phấn khởi nói. Bên cạnh bà, đứa cháu nhỏ chưa biết gì về bài chòi cũng hào hứng gõ thẻ bài theo lời hô của anh hiệu.
Lẫn trong đám đông của hội bài chòi, khá nhiều du khách thích thú chụp vài tấm hình kỷ niệm. Anh Nguyễn Khải (du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, với anh, bài chòi khá xa lạ và đây là lần đầu tiên anh được trải nghiệm không gian diễn xướng mà người diễn và người chơi có sự tương tác gần gũi lạ kỳ, câu hát lại mộc mạc, dí dỏm.
Theo anh Khải, bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, miễn chạm đến trái tim khán giả là thành công và anh tìm thấy điều đó ở nghệ thuật bài chòi. Anh tiết lộ đã cười sảng khoái trước câu hát: Lấy chồng từ thuở mười lăm/ Chồng chê em nhỏ không nằm với em/ Bây giờ mười tám đẹp xinh/ Em ngủ dưới đất chồng rinh lên giường/ Một rằng thương, hai rằng thương, ba bốn cũng nói rằng thương/ Huớ anh ơi! Thương chi hung rứa? Có bốn cẳng giường gãy 1 còn 3 (khi nói về cây Tứ cẳng)…
Bài chòi sẽ tìm được đất sống?
Nói về bài chòi xuống phố, nhạc sĩ Trần Hồng, người dày công nghiên cứu loại hình nghệ thuật dân gian này cho rằng, đây là ý tưởng hay, có thể đưa những cái đẹp của nghệ thuật dân gian đến gần với khán giả. “Nhiều năm qua, Hội An đưa bài chòi xuống phố và rất thành công. Đà Nẵng cũng là thành phố du lịch mà mãi bây giờ mới thực hiện. Dẫu sao, tôi kỳ vọng với hành động kịp thời này, bài chòi sẽ tìm được đất sống”, nhạc sĩ Trần Hồng nói.
Không phải ngẫu nhiên bài chòi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đệ trình UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho kỳ xét 2016. Tại 11 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận, hô hát bài chòi từ lâu trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân trong dịp hội hè, lễ, Tết.
Những năm gần đây, tại Đà Nẵng, bài chòi được khôi phục không chỉ trong lễ hội mà bắt đầu xuất hiện ở các sự kiện văn hóa. Tuy nhiên, để bảo tồn, phát huy hô hát bài chòi, Đà Nẵng cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Theo Trung tâm Quản lý di sản thành phố, quá trình điền dã, điều tra xã hội học của đơn vị cho thấy, tỷ lệ người yêu thích bài chòi chủ yếu ở độ tuổi 50-70; trong khi đó, tỷ lệ này ở những người từ 20-34 tuổi và từ 13-19 tuổi không đáng kể.
“Điều này cho thấy, cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, bài chòi vẫn chưa được giới trẻ quan tâm nhiều. Vì thế, bên cạnh đưa bài chòi xuống phố, các cấp, ngành cần đẩy mạnh triển khai kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015-2020. Đặc biệt, chú trọng đưa bài chòi vào trường học, tổ chức hô hát bài chòi cố định hằng tháng tại các địa phương để nhân dân có điều kiện vui chơi, giải trí”, ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố đề xuất.
Hô hát bài chòi tại bờ đông cầu Rồng, do Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức thí điểm trong vòng 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6-2016), theo chỉ đạo của UBND thành phố, nằm trong kế hoạch thực hiện chuỗi sự kiện dọc hai bờ sông Hàn. Khi tham gia chơi, mỗi người được nhận một thẻ bài (20.000 đồng/thẻ), trên đó có dán ba lá bài khác nhau và ngồi vào các chòi dựng sẵn hoặc ghế bày sẵn, nghe anh hiệu hô hát, cho đến khi có người thắng cuộc thì kết thúc một lượt chơi. Hiện tại, sự kiện hô hát bài chòi, do CLB Dân ca bài chòi (thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố) thực hiện. CLB có gần 15 thành viên và các cộng tác viên là những nghệ nhân ưu tú về bài chòi (nghệ nhân Đỗ Hữu Quế, Võ Thị Ninh, Lê Thế Dân). Kết thúc thời gian thí điểm, Trung tâm báo cáo cụ thể với UBND thành phố về kết quả tổ chức gồm: số lượng người tham gia, nguồn thu… |
Bài và ảnh: NGỌC HÀ