Hoa là một tặng phẩm vô cùng quý giá của thiên nhiên dành cho con người, góp phần làm cuộc sống của con người trở nên thi vị hơn một khi hoa được sử dụng đúng mục đích, đúng cách, đúng thời điểm.
Thế nhưng, việc sử dụng hoa hiện nay là câu chuyện rất đáng bàn. Thực tế đã diễn ra nhiều cảnh tượng sử dụng hoa thái quá, không đúng cách, trở nên phản tác dụng, gây phản cảm và hơn thế là vô cùng tốn kém tiền bạc.
Người viết có thể nêu một vài ví dụ để chúng ta cùng suy ngẫm: Có nhiều đám tang có đến vài trăm vòng hoa, chủ nhà tang lễ không có nơi đặt, đành bỏ lăn lóc chồng nọ lên chồng kia từ trong nhà ra ngoài đường, trông thật xót xa! Nhất là hoa tươi không được chăm sóc trong mùa nắng nóng nên khô héo ngay lập tức.
Trong khi đó, có những sự kiện như mừng ngày truyền thống, lễ khai trương, khánh thành các công trình, hay đón nhận các phần thưởng của Đảng và Nhà nước…, nhiều địa phương, đơn vị đã nhận không biết bao nhiêu lẵng hoa chúc mừng. Hoa để tầng tầng lớp lớp trên các sân khấu, bên hành lang và chỉ trong vài tiếng đồng hồ sau sự kiện thì nhanh chóng biến thành đống rác.
Một điều đáng nói nữa là có gia đình có tang, hoặc các địa phương, đơn vị tổ chức các sự kiện thông báo rộng rãi rằng không nhận vòng hoa, lẵng hoa… Ấy vậy mà người đi viếng hoặc tham dự sự kiện vẫn mang hoa đến.
Ngày 5-6 vừa qua, sau khi kết thúc sự kiện thời trang ở thành phố Hồ Chí Minh, Á hậu quốc tế 2015 Thúy Vân mang hoa lên tặng người mẫu và nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường, nhưng nhà thiết kế không nhận và không cho người mẫu nhận hoa. Á hậu phật lòng, một số người cho rằng nhà thiết kế không lịch sự (?!). Tuy nhiên, đại diện của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường cho biết: “Rõ ràng cô ấy (Á hậu quốc tế 2015 Thúy Vân) và các khách mời xem trình diễn thời trang nên chú ý nguyên tắc là không tặng hoa. Trên thế giới, các buổi trình diễn thời trang lớn cũng giữ nguyên tắc này, không ai tặng hoa như vậy. Tôi nghĩ, Việt Nam nên dần theo chuẩn này. Một phần nó là quy định để không phá vỡ không gian thời trang, nhà thiết kế chỉ có vài phút bước lên sàn diễn chào khán giả và họ muốn tập trung ở góc độ đó chứ không ưu tiên cho bất kỳ ai lên sân khấu tặng hoa”.
Câu chuyện đó nói lên thái độ và trách nhiệm của cả hai phía cần phải sử dụng đúng cách để tặng hoa và nhận hoa. Một khi đã có thông báo thì kiên quyết không nên tặng và cũng không được nhận hoa, chứ không vì nể nang mà cho qua mọi việc.
Ở một góc độ khác cũng không kém phần đáng quan tâm, đó là tiền mua hoa để viếng, để tặng. Nếu các vòng hoa, lẵng hoa đó là tiền túi của người đến viếng, của người đến chúc mừng… thì là chuyện khác, nhưng đằng này, hầu hết các địa phương, đơn vị, thậm chí các cá nhân đã sử dụng tiền thuế của dân để mua hoa phục vụ những sự kiện nói trên. Mỗi vòng hoa, lẵng hoa đó có giá từ 200.000 - 500.000 đồng, nếu nhân lên từ vài chục đến vài trăm vòng hoa, lẵng hoa thì số tiền đó không hề nhỏ chút nào. Mỗi ngày, trên cả nước sẽ có bao nhiêu sự kiện như vậy diễn ra, tổng hợp lại nguồn kinh phí cho việc sử dụng hoa quả lớn vô cùng. Đấy là sự mua sắm công không đúng cách, không đúng quy định, phung phí tiền thuế của dân.
Không những thế, tại các hội nghị, lễ hội…, trên các bàn chủ trì hay bục phát biểu, những bình hoa to đùng chiếm trước mặt người ngồi, người đứng phát biểu. Nhiều lúc phóng viên quay phim, chụp ảnh phải xê dịch hoặc lấy đi bình hoa mới ghi được hình. Nhìn những cảnh đó, người xem rất khó chịu và đó cũng là sự lãng phí. Thậm chí, tại một số cuộc họp của các địa phương, đơn vị, khi bàn về việc giải quyết hậu quả tai nạn thảm khốc do thiên tai hay do con người gây ra, trên dãy bàn họp, người ta vẫn nhìn thấy đầy các bình hoa. Khi những hình ảnh đó được đăng tải/phát sóng trên các phương tiện truyền thông đã gây phản ứng của dư luận xã hội, bởi bối cảnh đặt hoa không phù hợp.
Người viết không có ý công kích việc dùng hoa mà với thiển ý là cách sử dụng hoa làm sao cho phù hợp cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hoa góp phần làm đẹp cuộc sống thì làm sao để sự xuất hiện của những bình hoa, lẵng hoa thêm ý nghĩa.
TUYẾT MINH