Đà Nẵng hiện có 9 hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật, hội tụ hàng trăm văn nghệ sĩ, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa - nghệ thuật của thành phố. Tuy nhiên, hoạt động của các hội đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí.
Một cảnh trong vở ca kịch Chuyện tình bên dòng sông Thu do Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố biểu diễn năm 2015. |
Kinh phí eo hẹp
Một sáng đầu tháng 6, dường như quên cái nắng gắt của mùa hè, người nhạc sĩ già khấp khởi vui mừng tìm gặp những người thân quen “khoe” tác phẩm Tai nghe trống chiến trống chầu vừa được xuất bản. Ông là nhạc sĩ Trương Đình Quang – một người sáng tác và nghiên cứu âm nhạc hiện đại, song lại nặng lòng với sân khấu dân tộc. “Ở cái tuổi ngoài 80, tôi biết mình già rồi, nhưng còn nhớ được chi là ghi lại hết, chỉ sợ người ta quên nghệ thuật dân tộc, quên đi tiếng trống chầu”, nhạc sĩ Trương Đình Quang chia sẻ.
Ông là một trong số nhiều nghệ sĩ chúng tôi từng gặp, có chung tâm huyết gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật của thành phố. Nói như Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố Nguyễn Trường Hoàng, khát khao cống hiến với nghề như thấm vào máu của người nghệ sĩ, thôi thúc họ cháy hết mình. “Năm 2015, chúng tôi được đầu tư 150 triệu dàn dựng, biểu diễn vở ca kịch Chuyện tình bên dòng sông Thu. Vở diễn huy động hơn 50 diễn viên, nghệ sĩ. Khi hoàn thành vở diễn, chúng tôi ôm nhau khóc. Đến bây giờ, chúng tôi cũng không thể diễn tả được niềm hạnh phúc đó, bởi lâu lắm mới có điều kiện được sáng tạo, được diễn”, ông Nguyễn Trường Hoàng nói.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, đó là chuyện của năm trước, còn từ đầu năm 2016 đến nay, Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố chưa có một hoạt động nào. Mặc dù kịch bản của hai vở kịch ngắn dân ca bài chòi đã xong (Niềm hạnh phúc đâu xa, Chọn nghề lạc hướng), nội dung về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và phòng chống tệ nạn nhưng không có kinh phí dàn dựng.
Không riêng Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố, các hội còn lại cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng Võ Văn Hòe chia sẻ: “Mỗi năm, nguồn kinh phí cấp cho Hội là 10 triệu đồng, chủ yếu lo văn phòng phẩm, hội họp. Hoạt động chuyên môn của Hội nhiều năm rồi bị lãng quên, chứ đâu riêng nửa năm nay. Chúng tôi chỉ dừng ở việc nghiên cứu, sưu tầm; còn nhiệm vụ quảng bá, trao truyền giá trị văn hóa dân gian không có điều kiện thực hiện. Nói nôm na như ông bà xưa: Không có cơm ăn thì sức đâu ra đồng cày”.
Theo NSND Lê Huân, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa thành phố, không chỉ gặp khó ở việc sáng tạo, các hội chuyên ngành còn khổ bởi khâu quảng bá tác phẩm. “Tôi tiếc nhất là tác phẩm “sinh” ra nhưng “nuôi” không được, biểu diễn vài lần rồi cất. Sân khấu sáng đèn thì… tốn tiền: tiền thuê địa điểm, âm thanh, ánh sáng, dàn nhạc… Chúng tôi bằng tình yêu nghề, tâm huyết có thể tự thân vận động, duy trì hoạt động của Hội, nhưng làm sao có tác phẩm chất lượng như Đà Nẵng đất Đồng Long (một chương trình ca múa nhạc tổng hợp được đầu tư gần 300 triệu do Hội Nghệ sĩ múa phối hợp với các đơn vị nghệ thuật khác xây dựng kịch bản để chào mừng 40 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng – PV) nếu hoạt động theo kiểu “chạy chợ” thế này”, NSND Lê Huân trăn trở.
Để sức sáng tạo vươn xa…
Ông Ông Văn Sinh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật thành phố cho biết, nguồn kinh phí hoạt động của Liên hiệp hội do Nhà nước cấp dựa trên đề án hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học-nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học- nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2011-2015 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có mức 550 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn nguồn kinh phí của thành phố hỗ trợ như: Quỹ “Hỗ trợ sáng tác văn học-nghệ thuật” với mức 500 triệu đồng, giải thưởng văn học- nghệ thuật thành phố, các tác phẩm đoạt giải hằng năm, hoạt động lớn của Liên hiệp hội…
Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ mới ký Quyết định 650 tiếp tục thực hiện đề án này giai đoạn 2016-2020. Vì thế, nguồn kinh phí phân bổ về các địa phương đến nay chưa có. “Với 9 hội chuyên ngành, chừng đó kinh phí chẳng thấm vào đâu. Vì thế, Liên hiệp hội chủ trương mỗi năm chọn một lĩnh vực tập trung đầu tư. Chẳng hạn, năm 2015 đầu tư cho lĩnh vực biểu diễn, năm 2016 là lĩnh vực ngôn từ, 2017 có thể là lĩnh vực tạo hình…”, ông Sinh nói.
Theo nhiều ý kiến, trong khi hoạt động văn hóa, sự kiện hai bờ sông Hàn thiếu điểm nhấn thì Đà Nẵng vẫn chưa khai thác sức sáng tạo từ các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành. Vì thế, để chắp cánh cho sức sáng tạo của văn nghệ sĩ, thành phố có thể tạo điều kiện bằng cách đặt hàng văn nghệ sĩ sáng tác, quảng bá sản phẩm thông qua chuỗi hoạt động văn hóa, sự kiện dọc hai bờ sông Hàn. Có như thế, sức sáng tạo mới vươn xa, mang đến làn gió mới cho văn hóa của thành phố.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ