Văn hóa - Giải trí
Công nhân đứng ngoài sân chơi của mình
Đà Nẵng hiện có hơn 70.000 công nhân (CN) làm việc tại 6 khu công nghiệp (KCN), nhưng chỉ có duy nhất Trung tâm Văn hóa-Thể thao công nhân (đóng tại đường số 2, KCN Hòa Khánh) là nơi sinh hoạt vui chơi, giải trí dành cho đối tượng này.
Công nhân đá bóng tại sân bóng đá mini Trung tâm Văn hóa-Thể thao công nhân (ảnh chụp chiều 24-5). |
Công nhân nhiều, địa điểm vui chơi chỉ có một, sân bóng đá mini tại đây lại được xã hội hóa, thu phí khá cao, khiến CN hầu như chỉ còn biết… đứng ngoài sân chơi của chính mình.
Giá thuê cao
17 giờ, ngày 24-5, không khí bên trong Trung tâm Văn hóa-Thể thao công nhân khá im lìm, tách biệt với cảnh nhộn nhịp của dòng người đang túa ra từ các công ty đóng trên địa bàn. Anh Lê Thành Nhân, CN Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú cho hay: “Đá lúc 16 giờ 30 thì giá 150.000 đồng/trận, càng về tối giá càng cao nên phải tranh thủ đá ngay khi hết ca. Bữa nay là ngoại lệ, bình thường tôi chỉ đá vào cuối tuần”.
17 giờ 45, một tốp thanh niên vẫn còn trong màu áo đồng phục CN chạy xe vào trung tâm chuẩn bị thuê sân. Vừa khởi động, anh Nguyễn Trọng Nam, CN Công ty TNHH Mabuchi Motor vừa nói: “Đá lúc 18 giờ thì giá 200.000 đồng. Chúng tôi “đặt chết” 2 buổi/tuần nên mới được giảm xuống còn 180.000 đồng/trận. Giá cho CN thuê như vậy là quá cao, thậm chí cao hơn cả mấy sân bóng quanh đây nữa”. Bạn anh Nam đứng cạnh bên tiếp lời: “Đá ở đây chỉ được cái tiện đường, chứ giá thuê sân cao, giá nước ở căng-tin cũng đắt hơn bên ngoài”. Được biết, sân bóng Nguyễn Chánh (86 Nguyễn Chánh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), cách trung tâm này chưa đầy 2km, có giá cố định cho mọi khung giờ là 170.000 đồng, tính từ 16 giờ 30 trở đi.
Dõi mắt theo từng đường bóng lăn của những người bạn xa lạ, cứ mỗi lần bóng xém vào, anh Bùi Quốc Tiến, CN nhà máy nhựa lại thốt lên tiếc nuối: “Trời ơi!”. Hỏi sao không rủ bạn bè đá cho vui, khỏe người, anh thỏ thẻ: “Tiền mô?”. Chiều chiều, anh Tiến đến đây nhìn “cho đỡ ghiền”. Chỉ những khi vừa nhận lương xong, anh mới dám rủ bạn bè chơi vài trận.
Chỉ giảm giá cho đơn vị thuộc ngành
Trung tâm Văn hóa-Thể thao công nhân đi vào hoạt động từ tháng 10-2014. Công trình rộng 4.500m2 với tổng kinh phí hơn 4,2 tỷ đồng. Trong đó, nguồn từ ngân sách thành phố 1 tỷ đồng, Liên đoàn Lao động thành phố 3,2 tỷ đồng. Công trình gồm các hạng mục: hội trường 250 chỗ ngồi, 1 phòng làm việc, khu nhà để xe, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, 2 sân bóng chuyền, 2 sân bóng đá mini… Bà Đinh Thị Thanh Hà, Chủ tịch Công đoàn Các KCN và chế xuất cho hay, sân bóng đá mini tại trung tâm đã được xã hội hóa và chủ sân chỉ giảm giá cho những giải đấu của các cơ quan, đoàn thể thuộc ngành; không thể giảm đại trà vì không thể xác định có phải là CN hay không. Trước thắc mắc tại sao giá thuê tại một địa điểm thể thao dành riêng cho CN lại cao hơn so với sân bóng trên cùng địa bàn, bà Hà nói: “Chúng tôi không thể can thiệp!”. Bà Hà lý giải thêm, bên cạnh thiết chế văn hóa trong KCN, CN có thể thụ hưởng các thiết chế văn hóa tại khu dân cư. “Trung tâm chỉ tổ chức những hoạt động lớn, trọng tâm, trọng điểm. Phong trào không phải ngày nào cũng tổ chức nên không phải tuần nào, tháng nào người lao động cũng có điều kiện thụ hưởng. Công đoàn không hoạt động vui chơi là chính mà phải tạo điều kiện cho người lao động sau giờ làm việc đến nơi gần nhất tham gia giải trí”, bà Hà cho hay.
“Lãng quên” chỗ vui chơi cho công nhân Đề tài “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp Đà Nẵng” do Đảng ủy khối Các KCN thành phố thực hiện từ tháng 10-2014, khảo sát 400 CN đang làm việc trong 20 doanh nghiệp tại 6 KCN trên địa bàn thành phố cho thấy, chỉ 5,75% người chơi thể thao, còn lại 21,75% người thường xuyên xem ti-vi; 5% người lướt web, Facebook; 4% người gặp mặt bạn bè; 1,25% người xem ca nhạc… Mặc dù nhu cầu giải trí rất cao, nhưng thu nhập thấp (65,5% CN, người lao động có mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng) nên nhiều người chọn cách xem ti-vi và điện thoại lúc rảnh rỗi, thay vì ra ngoài đến các tụ điểm vui chơi sau giờ làm việc. |
Bài và ảnh: BÌNH AN