Trải qua biến thiên lịch sử, vùng đất Thanh Khê chỉ còn lại 3 đình làng: Thạc Gián, Thanh Khê và An Khê. Vì thế, gìn giữ và phát huy giá trị đình làng được quận Thanh Khê đặc biệt quan tâm.
Cây đa hàng trăm năm tuổi của làng An Khê như chứng nhân lịch sử của làng. Ảnh: NGỌC HÀ |
Dấu xưa còn đó
Rộng hơn 2.000m2, đình làng Thạc Gián lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc tại con hẻm nhỏ gần ngã ba Cai Lang (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê). Sự tồn tại của ngôi đình hàng trăm năm tuổi này mang lại vẻ bình yên hiếm có giữa lòng phố. Theo nhận định của ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố, đình làng Thạc Gián là ngôi đình duy nhất tại Đà Nẵng giữ gần như trọn vẹn di sản văn hóa làng quê xưa. Về kiến trúc, ngôi đình xây dựng theo kiểu 3 gian, 2 chái, có khu nhà hồi hương đấu lưng với đình làng - từng là nơi hội họp của các bậc kỳ lão, hương thân, chức sắc trong làng.
Trước sân đình có cặp voi phục được xây bằng gạch và vôi vữa chầu vào chính điện. Cạnh đình làng có miếu thờ âm linh với tấm bia sa thạch ghi các chữ Hán “Thạc Gián xã nghĩa trũng”, được lập năm Thành Thái thứ 19 (Đinh Mùi - 1907), có giếng làng trên 200 năm và ao sen trước đình...
Ông Nguyễn Ngọc Quốc, Ban Trị sự đình làng Thạc Gián cho biết, qua bao thăng trầm, đình làng Thạc Gián vẫn lưu giữ được những hiện vật có giá trị gồm: 18 sắc phong, 38 chiếu chỉ của các triều đại hậu Lê, Nguyễn. Tất cả đều được giữ gìn cẩn thận và đang được trưng bày tại khu nhà Hồi hương, nhằm giới thiệu cho những người muốn quan tâm, tìm hiểu về đình làng.
Không như đình làng Thạc Gián, đình làng An Khê (phường An Khê, quận Thanh Khê) chỉ còn sót lại vài dấu tích. Ông Lê Đắc Tuấn, thành viên Hội đồng Chư phái tộc làng An Khê chia sẻ, theo lời kể của các vị cao niên, thuở xưa, làng An Khê trải rộng trên mấy héc-ta, giáp khu vực Công viên 29-3, làng Hòa An (quận Cẩm Lệ) và mở ra tới sông Phú Lộc ngày nay. Đình làng được xây dựng kiên cố, có miếu bà, dinh ông và cây đa cổ thụ rợp mát. Trải qua biến thiên lịch sử, nhiều dấu tích của làng An Khê không còn nữa. “Bây giờ chỉ còn 13 sắc phong và 13 chiếu chỉ, nhưng đều mục nát, chỉ có 3 sắc phong vào thời triều Nguyễn còn nguyên vẹn. Trong đó, có sắc phong đề ngày 11 tháng 8 năm 1907 của vua Duy Tân phong dinh Bà là “Diễn Ngọc Phi - Thượng đẳng thần”. Dựa vào sắc phong này, dân làng đã phục dựng bia tưởng niệm ngay dưới gốc đa hơn 300 năm tuổi - nơi từng có đền thờ Bà Thiên Yana Diễn Ngọc Phi. Riêng đình làng, năm 2012, được chính quyền đầu tư xây mới trên diện tích hơn 100m2. Chúng tôi cố gắng giữ gìn những hiện vật còn lại để con cháu mai sau biết đến tổ tông”, ông Lê Đắc Tuấn cho biết.
Nỗ lực phát huy giá trị văn hóa
Bà Phan Thị Hà Bắc, Phó phòng Văn hóa-Thông tin quận Thanh Khê cho biết, nhiều năm qua, đình làng Thanh Khê và An Khê là nơi diễn ra lễ cầu quốc thái dân an, tưởng nhớ các bậc tiền hiền khai hoang, lập nên làng ấp. Riêng đình làng Thạc Gián, kể từ khi được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2007 thì được trùng tu, xây dựng. Năm 2009, ngoài phần lễ có thêm phần hội và từ đó đến nay, lễ hội được tổ chức 2 năm/lần, trở thành không gian văn hóa gắn liền với đời sống tinh thần của người dân.
Thông qua các lễ hội tại đình làng, chính quyền địa phương lồng ghép phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa như: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, không có con em vi phạm pháp luật trong các tộc họ”; tuyên dương, khen thưởng và động viên học sinh giỏi, tặng học bổng cho học sinh nghèo...
“Trong thời gian tới, chúng tôi cố gắng bổ sung phần hội tại đình làng Thanh Khê, An Khê nhưng theo hướng xã hội hóa lễ hội, giao phường và người dân làm phần lễ, còn quận hỗ trợ phần hội. Quận sẽ nghiên cứu kỹ trước khi mở hội; có kế hoạch chi tiết, cụ thể, xây dựng kịch bản phù hợp thu hút người dân tham gia. Như vậy, giá trị đích thực của đình làng mới được phát huy”, bà Hà Bắc cho biết.
Hiện đình làng Thạc Gián là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đình làng Thanh Khê là di tích văn hóa, lịch sử cấp thành phố. UBND quận Thanh Khê cũng đang lập hồ sơ công nhận cây đa của làng An Khê là cây di sản. Đây là cây đa lớn lên từ một nhánh của cây đa làng ngày trước. Theo người dân nơi đây, cây đa đã tồn tại hàng trăm năm, trở thành chứng nhân lịch sử của làng. |
NGỌC HÀ