.

Mượt mà làn điệu chèo

.

Khoác lên mình bộ tứ thân truyền thống và cất giọng hát mượt mà, điêu luyện, ít ai nghĩ đó là hình ảnh của những diễn viên nghiệp dư thuộc Câu lạc bộ Dân ca và chèo Thái Bình thành phố Đà Nẵng.

Một tiết mục biểu diễn của Câu lạc bộ Dân ca và chèo Thái Bình thành phố Đà Nẵng tại lễ ra mắt. 								      Ảnh: NGỌC HÀ
Một tiết mục biểu diễn của Câu lạc bộ Dân ca và chèo Thái Bình thành phố Đà Nẵng tại lễ ra mắt. Ảnh: NGỌC HÀ

Mang theo câu hát suốt thời tuổi trẻ

30 thành viên thuộc Câu lạc bộ (CLB) Dân ca và chèo Thái Bình thành phố Đà Nẵng hầu hết đã lên chức ông, bà. Ông Phạm Xuân Hải, 65 tuổi, Chủ nhiệm CLB chia sẻ, gia đình ông có truyền thống hát chèo, nhiều thành viên là nhạc công và diễn viên tại vùng đất Thái Bình - cái nôi nghệ thuật chèo. Lớn lên cùng lời hát của cha mẹ, rồi ông cũng tập tành hát. Những năm tháng vào Nam tham gia cách mạng, ông mang làn điệu của xứ sở quê hương đi cùng thời tuổi trẻ.

“Năm 1980 tôi định cư ở Đà Nẵng. Những lần họp hội đồng hương Thái Bình, câu chuyện nỗi nhớ dân ca và chèo quê hương luôn đau đáu trong mỗi người con xa xứ. Lúc ấy, khoảng năm 2000, tôi bàn với anh Ngô Công Lệ, chị Thanh Yên – hai người hát chèo khá rành rõi, kết nối những đồng hương có cùng sở thích và vận động những người có chuyên môn về hỗ trợ tập luyện cho CLB”, ông Hải cho biết.

Những “nhà chuyên môn” sát cánh cùng CLB là vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Phú Thắng-Phạm Thanh Hằng, từng học Trường Trung cấp Nghệ thuật Trung ương tại Hà Nội, nguyên diễn viên Đoàn văn công Quân khu 5, trong đó, ông Thắng là nhạc công, bà Hằng là diễn viên chèo. Ngoài ra, có ông Phạm Quang Thiều biết chơi sáo từ năm 1963, năm 1964 vào bộ đội và tham gia phong trào văn nghệ; hay bà Kim Oanh cũng từng là bộ đội, hoạt động văn nghệ sôi nổi… “Vợ chồng bây giờ nghỉ hưu, tham gia CLB cho đỡ nhớ nghề. Ở đó, chúng tôi không phân biệt chuyên nghiệp hay nghiệp dư, chỉ có câu hát, tiếng đàn, tiếng sáo cùng hòa nhịp”, nghệ sĩ Phú Thắng nói.

Làm phong phú hoạt động giải trí

Hơn 15 năm nay, tình yêu với làn điệu dân ca Bắc bộ và hát chèo giúp gắn kết những người con Thái Bình và cả những người con của đất Hà Nam, Thanh Hóa... Họ cùng say sưa ca hát tại nhà một thành viên nào đó, rồi dần dà biểu diễn ở đám cưới của con em người Thái Bình tại Đà Nẵng, hoặc trong các cuộc hội họp đồng hương Thái Bình, hội nghị các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, thanh niên xung phong, người cao tuổi…

Ông Phạm Xuân Hải cho biết, hoạt động khá lâu nhưng CLB mới chính thức ra mắt vào tháng 11-2015, dưới sự quản lý của Trung tâm Văn hóa thành phố. Dù hoạt động không chuyên, CLB vẫn tự trang bị đầy đủ nhạc cụ, trang phục, thiết bị âm thanh và dàn dựng khá công phu các tiết mục hát dân ca, chèo cổ và những bài tự đặt lời mới.

Ông Hải hào hứng kể, dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, CLB cũng góp mặt trong chương trình nghệ thuật quần chúng do Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức, được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Từ đó, Trung tâm đề nghị CLB tập luyện chuyên nghiệp hơn để có cơ hội biểu diễn, giới thiệu đến công chúng tại không gian văn hóa hai bờ sông Hàn. Suốt một tháng nay, mỗi chiều chủ nhật, CLB đều luyện tập sôi nổi tại Trung tâm Văn hóa thành phố. Các tiết mục tập trung đầu tư gồm trích đoạn chèo cổ: “Thị Mầu lên chùa”, “Lưu Bình Dương Lễ”; bên cạnh đó là hát chầu văn, dân ca Bắc Bộ, Trung Bộ và những bài hát về Đà Nẵng bằng làn điệu chèo.

“Bất kỳ ai xa xứ, nghe tiếng hát quê mình vang lên, lòng không khỏi nao nao. Khi cất lên làn điệu chèo giữa lòng Đà thành, cảm giác của tôi sung sướng lắm. Chúng tôi hát cho thỏa say mê và mong muốn đem cái hay, cái đẹp của dân ca, chèo Thái Bình giới thiệu đến người dân Đà Nẵng và du khách; qua đó góp phần tạo sự phong phú của hoạt động nghệ thuật truyền thống trong trục văn hóa, lễ hội hai bờ sông Hàn”, nghệ sĩ Thanh Hằng chia sẻ.                                                    

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.