Đã một năm trôi qua, kể từ ngày Phan Huỳnh Điểu (11-11-1924 - 29-6-2015) về với đất Mẹ, về với con sông Hàn - về với tình yêu, nhưng những ca khúc của nhạc sĩ quê hương vẫn vang vọng trong lòng thính giả. Là người con xứ Quảng, không ai trong chúng ta không nhớ đến câu hát ngọt ngào như sữa mẹ: Đất Quảng Nam chưa mưa mà đã thấm - Chứ rượu Hồng Đào chưa nhấm mà đã say trong sáng tác của Phan Huỳnh Điểu. Có thể nói, đất Quảng là phần không thể thiếu, nâng cánh cho âm nhạc của ông.
Sống và hoạt động nghệ thuật chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng quê gốc của Phan Huỳnh Điểu là ở Quảng Nam-Đà Nẵng. Từ năm 1997, Đà Nẵng được tách và chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy vậy, Quảng Nam và Đà Nẵng tuy hai mà như một giữa khúc ruột miền Trung.
Trong mảng ca khúc viết về quê hương mình, Phan Huỳnh Điểu đã dùng những ca từ mộc mạc như sự chân thật, hồn hậu của con người nơi đây. Mỗi bài ca của ông mang nội dung riêng biệt nhưng rung ngân lòng người bởi âm điệu hò khoan, hát bả trạo của người dân xứ Quảng. Trong gần một trăm nhạc phẩm của mình, nhạc sĩ đã dành không ít bài ca viết cho Quảng Nam-Đà Nẵng. Những bài hát ra đời ở giai đoạn sáng tác đầu tiên tuy nhạc sĩ không trực tiếp gọi tên địa danh quê mình như: Đoàn vệ quốc quân, Mùa đông binh sĩ, Những người đã chết, Ra tiền tuyến… nhưng người nghe vẫn nhận ra hình bóng quê hương qua những giai điệu thúc giục, hào hùng. Ở mảng ca khúc ra đời sau này, đất Quảng xuất hiện đậm đặc ngay trên nhan đề: Quảng Nam yêu thương, Đà Nẵng là nỗi nhớ, Tiếng hát từ Đà Nẵng, Có ai về Quảng Nam, Đà Nẵng ơi chúng con đã về, Hát về thành phố quê hương, Về với sông Hàn…
Lắng nghe những bài hát của Phan Huỳnh Điểu viết tặng quê hương mình, lòng chúng ta rưng rưng xúc động. Có yêu thương, gắn bó sâu sắc với mảnh đất sinh ra mình, người nghệ sĩ mới có những giai điệu da diết đến thế. Ấy mà, trong lần cuối gặp gỡ với văn nghệ sĩ đất Quảng, ông tỏ ra nuối tiếc vì chưa có những bài hát hay về quê hương mình. Ta gặp ở Phan Huỳnh Điểu một nhiệt huyết không hề vơi cạn với cuộc đời, với âm nhạc; một niềm lạc quan tha thiết chảy “dù đạn bom man rợ thét gào, dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích”(Cuộc đời vẫn đẹp sao), một tâm hồn khiêm nhường, bình dị. Quê hương bao giờ cũng là khoảng lặng trong tim mỗi người và với nhạc sĩ xa quê đây mãi mãi là nỗi niềm đau đáu: “Người ra đi ở bốn phương trời dù rằng cách xa vẫn vọng về quê nhà” (Có ai về Quảng Nam) hay: “Đất Quảng Nam chưa đi mà đã nhớ” (Quảng Nam yêu thương).
Những bài hát của Phan Huỳnh Điểu lấp lánh niềm tự hào về mảnh đất miền Trung trù phú, người dân nơi đây sống tình nghĩa, yêu lao động: “Quế Trà My thơm hương rừng man mác, chứ mía Điện Bàn thơm ngát mùi đường non. Làn sóng xô long lanh nước Thu Bồn, dâu bắp lên xanh rờn. Duy Xuyên tiếng thoi dệt…” (Quảng Nam yêu thương). Hay trong ca khúc “Hát về thành phố quê hương”, khán giả như hòa vào nhịp sống sôi động của một thành phố trẻ đang từng ngày thay da đổi thịt: “Chiều chiều lặng nghe Mỹ Khê mênh mông biển hát xôn xao. Được mùa lúa reo vui trên những cánh đồng Hòa Vang. Đoàn tàu băng sóng gió ra vào neo bến sông Hàn...”.
Tiếp xúc với Phan Huỳnh Điểu, mọi người yêu mến ở ông nụ cười hóm hỉnh, trẻ trung, ở tâm hồn luôn yêu đời, yêu người. Hòa cùng những sáng tác viết về đất Quảng của ông, ta như say sưa trong giai điệu của niềm tin: “Cờ bay phấp phới suốt hai bờ sông Hàn. Biết bao tâm tình đợi chờ năm tháng. Sáng nay bừng lên nụ cười hân hoan. Nhìn bước quân đi mà lòng càng tin vững vàng.” (Đà Nẵng ơi, chúng con đã về) “Cho gió sông Hàn bay lồng lộng và non nước Tiên Sa đẹp ánh mai hồng” (Tiếng hát từ Đà Nẵng).
Sông Hàn là hình tượng xuất hiện với mức độ dày đặc trong những sáng tác viết về đất Quảng của Phan Huỳnh Điểu. Bởi dòng sông mượt mà chảy giữa lòng thành phố Đà Nẵng mãi mãi là tình yêu, là nỗi nhớ trong tâm hồn người nhạc sĩ tài hoa: “Đêm đêm như dòng sông Hàn còn ngân tiếng hò khoan. Âm thanh ru vầng trăng vàng theo lời hát mênh mang”(Quảng Nam yêu thương).
Đặc biệt, ca khúc “Về với sông Hàn”(phổ thơ Nghiêm Thị Hằng) neo đậu trong lòng người không chỉ ở ca từ trong sáng, gần gũi mà còn ở giai điệu sâu lắng cùng giọng ca dìu dặt, đầm ấm qua phần thể hiện của ca sĩ Tố Nga: “Lời của gió qua rồi, lời trái tim còn mãi… Về với sông Hàn, về với tình yêu”. Thật vậy “Đêm đêm em vẫn gọi Sơn Trà và tên anh”. Sông Hàn - đất Mẹ luôn mãi gọi tên người nhạc sĩ gạo cội của nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. Dù ông đã đi xa nhưng giai điệu của ông vẫn còn xanh và mãi mãi sống cùng năm tháng.
NGUYỄN THỊ THU THỦY