.

Po Riyak - Thần Sóng và tục thờ Cá Ông của người Việt

.

Hằng năm, sau lễ Rija Nưgar (Lễ xứ sở) diễn ra vào đầu năm lịch Chăm (tháng 4 dương lịch), bà con Chăm ở các vùng thuộc hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đều làm lễ thờ cúng Po Riyak, tức Thần Sóng [Biển]. Lễ thờ cúng Po Riyak là một mảnh văn hóa biển của người Chăm, mảnh rất quan trọng. Bởi non hai thế kỉ rưỡi, dấu ấn của nó chẳng những vẫn còn in đậm trong tâm thức cộng đồng, trong sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng Chăm, mà còn ảnh hưởng đến các cư dân trong khu vực, như qua tục thờ Cá Ông, hay thờ Ông Nam Hải của người Việt miền Trung chẳng hạn.

Po Riyak hóa thân thành Thần Tri Thức ở Chakleng (Mỹ Nghiệp).  Ảnh: Kiều Maily, 2016.
Po Riyak hóa thân thành Thần Tri Thức ở Chakleng (Mỹ Nghiệp). Ảnh: Kiều Maily, 2016.

Po Riyak là ai? Người có lịch sử hay chỉ là nhân vật huyền thoại? Hiện nay cộng đồng Chăm thờ phụng Po Riyak như thế nào? Người Việt nhận ảnh hưởng gì từ nhân vật huyền thoại hóa này?

1. Truyền thuyết kể rằng, Po Riyak xuất hiện sau triều đại Po Rome (1627-1651), người làng Ia Dak, nay thuộc khu vực Ma Lâm, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Truyện kể, Pô thuở bé thông minh, dĩnh ngộ, có đạo đức, nhưng ít chú tâm đến chuyện gia đình mà chỉ lo công tác xã hội. Lớn lên, người sang Mecca học bùa thiêng với quyết tâm sẽ trở về cứu dân cứu nước. Ở Mecca, ngài tâm sự hết với thầy hoài bão của mình và được thầy thương tình truyền dạy cho mọi bùa phép thần thông. Sau đó, mặc dù nhiều lần thầy can ngăn (vì gặp năm kỵ tuổi ngài), ngài vẫn lén thầy lên thuyền trở về quê hương.

Gần đến bờ biển quê hương, biển động mạnh khiến chiếc thuyền của ngài bị một cơn sóng lớn đánh chìm, một loài ó biển chúa sà xuống phanh xác ngài ra làm đôi. Người Chăm nghĩ sự cố xảy ra do lời nguyền rủa (vì không nghe lời thầy) của thầy được ứng nghiệm.

Thi hài của ngài bị sóng đánh dạt vào bờ bên cồn cát thuộc vùng biển Phan Rí. Ngài mất, dân làng cả Chăm lẫn Việt lập đền thờ ngài. Truyện kể, sau đó ngài lại sống dậy, lập một tờ thư kể lại câu chuyện của mình. Nhìn thấy quê hương tan nát, cuộc sống dân tộc khốn khổ, buồn lòng, ngài đến Phan Rang lên núi sống rồi lấy vợ người Kơ-ho làng Rapat và có được hai người con gái xinh đẹp. Sau đó ngài hóa hiện (thrơh) thành vài thần khác nhau.

2. Ngày xưa, chính ngay cồn cát tại Phan Rí Cửa - tiếng Chăm là Pabah Lơmngư thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, nơi thi thể Po Riyak tấp vào, cộng đồng Chăm lẫn Việt đều thờ cúng Po Riyak. Hơn 20 năm qua, bà con Chăm không còn làm lễ này nữa, mà nhường hẳn việc thờ cúng ngài cho ngư dân Việt trong vùng. Mỗi tháng 6 âm lịch hằng năm, người Việt qua đây cúng Cầu Ngư hay cúng Ông Nam Hải.

Ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong cũng có đền Ông Nam Hải hiện vẫn còn được ngư dân Việt trong vùng thờ cúng. Bà con Chăm khu vực này không còn lễ Po Riyak nữa, mà thỉnh Po vào lễ Rija Nưgar để cúng chung. Ở đây ngài được hưởng lễ qua bài tụng ca và được Ong Ka-ing cầm cây mía - tượng trưng cho cây chèo - múa theo điệu trống Wah Gaiy (Chèo thuyền).

Ở vùng Ninh Thuận thì khác. Vai trò của Po Riyak trong hệ thống lễ của cộng đồng Chăm rất đặc biệt. Mỗi đầu năm lịch Chăm, bà con Chăm các làng thuộc tỉnh Ninh Thuận xuống khu vực thờ Po Riyak ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, làm lễ cúng Po Riyak. Trước đó, ngày 7 và 8 tháng 4 dương lịch, tất cả các làng Chăm đồng loạt làm lễ Rija Nưgar ngay làng mình. Đó là ngày đầu năm lịch Chăm. Tục ngữ Chăm:

Tamư di Jip, tabiak di Suk

Vào ngày thứ năm, ra ngày thứ sáu

Chuyện kể tiếp: Phần Po Riyak, mảnh thì từ Phan Rí - Bình Thuận đi lên vùng miền núi Lâm Đồng sống mai danh ẩn tích, mảnh còn lại đã “chết” thật. Ngài biến thành Cá Ông (hay Cá Voi ikan limưn) giạt về phơi mình trên bãi biển thuộc thôn Vĩnh Trường ngày nay. Muk Buh (người có nhiệm vụ sắp đặt lễ vật trong các cuộc lễ) được báo mộng, bà con Chăm qua chỗ “Ông” nằm làm lễ chôn “Ông”, từ đó hằng năm cứ xuống mảnh đất đó cúng tế.

Dân làng Thành Tín thuộc xã Phước Hải, huyện Ninh Phước kể rằng, thời nhà Nguyễn, khi vua Gia Long kinh lý ngang qua thấy cả khối người Chăm tế lễ giữa trời, dừng lại hỏi, mới hiểu chuyện. Nhà vua xuống chiếu cho xây ngôi đền để người Chăm có chỗ mát mà ngồi, chứ lâu nay bà con cứ giữa nắng Phan Rang, mà lễ, mà khấn coi cũng tội.

Thực dân Pháp đến, kháng chiến lan rộng, cái đền nhỏ bé lọt thỏm giữa bụi cây rậm rạp được Việt Minh tranh thủ làm nơi ẩn trú, bị Tây cho dỡ phá đi, chỉ còn mỗi cái nền. Tuy thế, người Chăm vẫn tiếp tục đến mảnh đất thiêng ấy cúng tế.

Lễ Po Riyak luôn được tổ chức sau lễ Rija Nưgar. Riêng làng Chakleng (Mỹ Nghiệp) thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, thì ngược lại. Tại sao?

Do chiến tranh, đầu thập niên 50, Po Riyak được palei Chakleng thỉnh về cúng kiếng tại làng mình, và được dân làng xem như Thần Tri Thức, nên người Chakleng không còn xuống nơi cũ hành lễ nữa. Po Riyak đã thành Thần Làng của palei. Thế nên bà con ở đây lễ báo ông thần trước, sau đó làm lễ Rija Nưgar.

3. Mảnh đất nơi dựng đền thờ Po Riyak ngày xưa ở thôn Vĩnh Trường, thuộc huyện Thuận Nam, Ninh Thuận rộng cả mẫu không rào không rãnh, thời gian gần đây bị dân địa phương lấn làm đầm tôm, cứ teo dần để hiện tại đọng lại chưa tới sào đất. Cả cây Kayo to lớn mà bà con tranh thủ bóng mát để đặt mâm lễ cúng, cũng đã bị bứng đi đâu rồi. Po Riyak chỉ còn trơ trơ mấy mảnh đá ong nhỏ rải rác đây đó, làm chứng tích.

Việc thỉnh hòn đá tạm về cạnh đường mòn hành lễ không phải là chuyện xảy ra mới đây, mà ngay từ thời chiến tranh, khi bà con không thể đến vùng đất cũ mất an ninh. Po Riyak nguyên bản được phân thân làm đôi: Po Ong (Pô Ông) và Po Muk (Pô Bà). Po Ong vẫn trụ tại vị trí cũ, cách bờ biển khoảng 50m, còn Po Muk dời cư về vùng đất phía bắc, cách Po Ong hơn ba cây số. Ba năm thành lệ… Do đó, ngoài việc để cho các vị chức sắc cúng tế ở Po Ong, tất cả tín đồ hành hương năm nay tập trung về khu Po Muk làm lễ.

4. Lễ cúng Po Riyak kéo dài trong một ngày. Các chức sắc Chăm tham dự gồm có: Acar, Mưdwơn, Kadhar và Pajuw. Mâm lễ vật có thịt gà, xôi, bỏng, rượu và trứng, thêm trái dừa, bánh trái các loại, và đương nhiên phải có cây mía đỏ tượng trưng cho cây chèo.

Và cũng như mọi lễ của người Chăm, cặp trống Ginơng, trống Baranưng, kèn Xaranai là không thể thiếu. Thầy Mưdwơn vỗ trống Baranưng hát bài tụng ca Po Riyak. Vũ sư là Ong Ka-ing, Muk Pajuw và cả quý bà, quý cô được gợi hứng qua điệu nhạc - múa theo nữa.

5. Tục thờ Ông Nam Hải chỉ có ở miền Trung, và một phần ở miền Nam Việt Nam. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đây là tục thờ có nguồn gốc từ lễ Po Riyak của người Chăm. Theo bà Nguyễn Thị Thu, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận: “Các làng chài miền Trung hầu như đều có lăng thờ thần Nam Hải và có tục cúng Nghinh Ông hằng năm hoặc 3 năm một lần cùng những tục khác liên quan. Họ cho rằng thần Nam Hải hiện thân cá Voi để cứu nhân độ thế, cứu giúp ngư dân trên biển khi có sóng to gió lớn, vượt qua tai nạn. Tương truyền rằng Ngài rất hiển linh và đó là niềm tin giúp họ vững tâm khi phải ngày đêm trực tiếp nơi đầu sóng ngọn gió. Lễ cúng Nghinh Ông còn được gọi là lễ hội Cầu Ngư nhằm mục đích cầu xin Ông phù hộ mùa màng đánh bắt bội thu, ngư dân no đủ ngoài việc cúng tạ, ca ngợi công ơn Ông đã cứu người, cứu thuyền. Khi đi biển đánh bắt cá nếu gặp được cá Ông thì người dân rất vui mừng, tin rằng đã gặp vận may”.

Lễ cúng Nghinh Ông, lễ hội Cầu Ngư, tục thờ Ông Nam Hải gắn chặt với dân biển và nghề biển. Ở đây, lễ Hạ thuyền cũng không thể thiếu; càng linh hơn nếu tại buổi lễ đó có các thầy Chăm đọc kinh cầu an. Ở Ninh Thuận hiện vẫn tồn tại các thầy cúng người Chăm chuyên hành nghề này.

Inrasara

;
.
.
.
.
.