.

Quyến rũ vũ điệu Chăm-pa

.

“Ngàn năm trong kiếp đá Apsara, bàn tay người vũ nữ nét thiên thần, trên môi cười điệu nghệ, hồn mở ra vóc dáng hình hài, phiêu lãng đường trần mãi trông chờ”, lời bài hát Apsara- Vũ nữ Chăm của nhạc sĩ Amư Nhân quyện cùng điệu múa uyển chuyển của diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đưa người xem lạc vào thế giới của những đền tháp, pho tượng rêu phong huyền bí.

Múa Aspara của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thu hút người dân và du khách tại điểm biểu diễn hai bờ sông Hàn.
Múa Aspara của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thu hút người dân và du khách tại điểm biểu diễn hai bờ sông Hàn.

Ngay từ những ngày đầu quân về Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, diễn viên trẻ Lan Nhi được giao nhiệm vụ thực hiện múa Apsara. “Dù được học múa Apsara từ Trường  Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Đà Nẵng trước đây nhưng khi vào vai trò diễn viên, tôi phải tập luyện rất nhiều, khó nhất là thể hiện biểu cảm trên gương mặt. Đã 5 năm gắn bó với hình ảnh vũ nữ Apsara, nhưng để đạt được thần thái huyền bí, tôi còn phải học hỏi, trau dồi thêm nhiều”, Lan Nhi tâm sự.

Hơn 30 năm trong nghề, biên đạo múa Phan Thị Huệ, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nhìn nhận, biên đạo các tiết mục múa Chăm cung đình như Apsara rất khó, đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về văn hóa Chăm. Điệu múa Apsara bắt nguồn cảm hứng từ tác phẩm điêu khắc vũ nữ Chăm với bầu ngực để trần, uốn người trong vũ điệu mềm mại, đầu đội mũ kiểu kirata, khuôn mặt thanh thoát và huyền bí trên các đền đài cổ của đồng bào Chăm. “Để thể hiện thành công điệu múa này, đòi hỏi diễn viên phải có dáng người thon, ngón tay dài và mềm mại, nhưng đẹp nhất vẫn là ánh mắt, làm sao thể hiện thần thái của vẻ đẹp thuần khiết, huyền bí”, biên đạo múa Phan Thị Huệ chia sẻ.

Cũng theo chị Huệ, hiện các diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chỉ biểu diễn hai tiết mục chính là Pho tượng cổ của NSND Ứng Duy Thịnh (Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam) và Vũ nữ Apsara của biên đạo múa Như Hà (Ninh Thuận). Từ những chia sẻ, hướng dẫn của biên đạo múa Như Hà – người am hiểu khá sâu về văn hóa Chăm, biên đạo múa Phan Thị Huệ truyền lại cho các diễn viên trẻ Nhà hát Tuồng.

Nếu như múa Chăm cung đình mang đến cho người xem sự huyền bí, thì múa Chăm dân gian lại bình dị, gắn liền với thực tiễn lao động, sản xuất của người dân. Nổi bật về múa Chăm dân gian trong chương trình của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phải kể đến Vũ điệu ánh trăng và Vũ hội làng Chăm, do hai biên đạo múa Thùy Anh, Phan Thị Huệ phục dựng. Biên đạo múa Phan Thị Huệ chia sẻ, hầu hết các tiết mục múa chăm dân gian đều có sử dụng đạo cụ như: khăn, quạt, chum – những vật dụng sinh hoạt hằng ngày của người Chăm; các động tác cũng mô phỏng hoạt động lao động như hình ảnh các cô gái lấy nước bên bờ suối, dâng nước lên tháp, bàn chân những chàng trai in hằn trên cát...

Sự độc đáo và lôi cuốn của múa Chăm khiến loại hình nghệ thuật này nhanh chóng thu hút khách. Những năm qua, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh xây dựng chương trình múa Chăm biểu diễn phục vụ khách du lịch 2 lần/tháng tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm và 2 lần/tuần tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Bên cạnh đó là chương trình biểu diễn miễn phí phục vụ người dân và du khách vào tối chủ nhật tuần thứ hai và thứ tư hằng tháng, tại bờ Tây cầu Rồng (đối diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm), trong chuỗi sự kiện lễ hội dọc hai bờ sông Hàn từ tháng 4 đến hết tháng 9-2016.

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, chương trình múa Chăm được khách du lịch yêu thích, đặc biệt là khách Hàn Quốc, nhiều đoàn “đặt hàng” dài hạn. “Chúng tôi không dám nhận biểu diễn nhiều, chỉ nhận khi sắp xếp được thời gian không ảnh hưởng đến chuyên môn chính của nhà hát là biểu diễn nghệ thuật tuồng. Trong tương lai, khi xây dựng được đoàn thứ 2, chúng tôi sẽ phát triển song song nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Đó là xu thế tất yếu trong thực hiện cơ chế tự chủ đối với một đơn vị sự nghiệp”, ông Tuấn nói.

Theo kế hoạch thực hiện chuỗi văn hóa, sự kiện dọc hai bờ sông Hàn, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống vào tối chủ nhật hằng tuần. Theo đó, tối chủ nhật tuần thứ hai và thứ tư hằng tháng, tại bờ Tây cầu Rồng (đối diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm), biểu diễn các tiết mục hòa tấu, độc tấu nhạc cụ Chăm, múa Chăm, hát dân ca Khu 5, hát hò khoan đối đáp…

Tối chủ nhật của tuần đầu tiên và tuần thứ ba mỗi tháng, tại khu vực công viên phía Bắc, bờ Đông cầu Sông Hàn, biểu diễn  các tiết mục, chương trình nghệ thuật truyền thống đặc trưng vùng Quảng Nam-Đà Nẵng như hòa tấu nhạc cụ dân tộc, các trích đoạn tuồng, vẽ mặt nạ tuồng…

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.