Thay đổi phương thức phục vụ, hướng đến sự tiện ích, đáp ứng đa dạng nhu cầu của bạn đọc… là cách làm mới của Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng nhằm tạo sức hút đối với bạn đọc.
Đông đảo học sinh, sinh viên đến thư viện trong dịp hè để học bài, đọc sách. Ảnh: NGỌC HÀ |
Đi sớm… “xí” chỗ
Tháng 6 được xem là tháng cao điểm nhất trong năm về lượng bạn đọc đến học tập, đọc sách, tìm kiếm tư liệu… tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng. Tại phòng đọc, mới hơn 8 giờ sáng đã kín chỗ. Bạn đọc Ngọc Mai, học sinh lớp 12, Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết, phải đến sớm tìm chỗ ngồi vì vào mùa thi, thư viện là địa điểm lý tưởng để ôn bài. “Những ngày này, ngoài giờ học thêm, chúng em rủ nhau đến đây học. Có khi trưa tranh thủ về nhà ăn cơm rồi vào học tiếp. Thư viện là nơi vừa có không khí học tập, vừa thuận tiện tra cứu tài liệu, mượn sách”, Ngọc Mai chia sẻ.
Nếu hình ảnh miệt mài cắm cúi vào trang sách rất thường thấy ở phòng đọc, thì tại phòng thiếu nhi, không khí thoải mái, sinh động hơn nhiều. Các bé lựa chọn đọc sách, đọc truyện tranh, khi nào chán có thể chuyển sang giải trí bằng đánh cờ tướng, lắp ghép hình, xem phim… Em Đoàn Quang Minh (học sinh lớp 5, Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ) nói: “Hôm nghỉ hè tới giờ, anh em con được ba chở lên thư viện đọc truyện, học bài. Con đến học tiếng Anh chuẩn bị vào lớp 6 và tranh thủ hướng dẫn em làm toán lớp 3, có hôm chúng con còn được xem phim 3D. Đến trưa ba mẹ ghé đón về”.
Đưa con trai học lớp 4 (Trường tiểu học Phù Đổng) vào thư viện, chị Thu (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) chia sẻ, đây là môi trường tốt cho con, vừa mát mẻ, vừa giúp con có cơ hội làm quen với sách, cách ly điện thoại, vi tính, ti-vi.
Để phục vụ thiếu nhi dịp hè, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đầu tư 50 triệu đồng bổ sung sách mới. Sáng thứ bảy hằng tuần, Thư viện còn kết hợp nhóm tình nguyện viên là những giáo viên các trung tâm Anh ngữ đến kể chuyện, nói chuyện với các em bằng tiếng Anh, chiếu phim hoạt hình…
Phát triển thư viện điện tử
Theo ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, thời gian qua, hoạt động của Thư viện tốt lên. Đối tượng bạn đọc được cấp thẻ mới là cán bộ, công chức, nhân dân đang có xu hướng tăng và họ chủ yếu mượn sách, tài liệu về nhà. Vì thế, nhằm tăng tính tiện ích cho bạn đọc, đáp ứng nhu cầu đọc sách, tìm kiếm tài liệu mọi lúc, mọi nơi, thư viện điện tử được triển khai từ tháng 3-2016 sẽ sớm hoàn thiện để đưa vào sử dụng.
Với thư viện điện tử, bạn đọc có thể vào trang thông tin điện tử: thuvien.danang.gov.vn và dùng mã số cấp thẻ để truy cập hệ thống sách điện tử với 914 tựa sách đọc trực tuyến và hơn 1 triệu tài liệu số. Ngoài ra, thư viện liên kết với 21 thư viện tỉnh, thành trên cả nước và các trường đại học toàn quốc để chia sẻ thông tin. Nếu bạn đọc có nhu cầu mượn sách từ những đơn vị liên kết, thư viện điện tử Đà Nẵng sẽ trở thành trung gian thực hiện điều này.
Theo kế hoạch, đến cuối năm, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng hoàn tất hợp tác với Công ty Tài liệu trực tuyến VINA thành phố Hồ Chí Minh, ký hợp đồng mua thư viện điện tử sách của Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh và bổ sung tài liệu quý hiếm về địa chí Quảng Nam-Đà Nẵng. Đối với toàn hệ thống thư viện thành phố, mục tiêu bảo đảm có 0,4 bản sách (kể cả bản điện tử)/1 người dân trong thư viện công cộng; 20% dân số toàn thành phố sử dụng dịch vụ của thư viện công cộng, bổ sung 7.000 bản sách, 914 đầu sách điện tử... Các năm tiếp theo, bổ sung sách điện tử, cập nhật nguồn tài liệu số hóa, riêng tài liệu địa chí, tài liệu quý hiếm, các công trình nghiên cứu khoa học số hóa 100% vào năm 2020. “Thói quen đọc sách khác xưa nhiều, vì thế với thư viện điện tử, chúng tôi mong muốn đáp ứng đa dạng nhu cầu của bạn đọc, góp phần nâng cao văn hóa đọc của người dân thành phố”, ông Thái chia sẻ.
Từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi ngày có gần 600 lượt bạn đọc đến Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, số lượng thẻ cấp mới gần 3.000 thẻ. Thành phần bạn đọc có xu hướng đa dạng hơn, ngoài đối tượng học sinh (THPT), sinh viên chiếm tỷ lệ khá lớn 32%, còn nhiều đối tượng khác như: cán bộ công chức, giáo viên, giảng viên 23%; nhân dân 12,5%; học sinh bậc mẫu giáo, tiểu học, THCS 31%. |
NGỌC HÀ