“11 khẩu súng thần công Thành Điện Hải là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, được triều Nguyễn đúc và sử dụng vào thế kỷ XIX. Những khẩu thần công này từng là nỗi sợ hãi của liên quân Pháp - Tây Ban Nha khi tiến vào vịnh Đà Nẵng, hòng thực hiện chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh vào năm 1858”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết.
Bộ súng thần công Thành Điện Hải đang được lưu giữ và trưng bày ở Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: VIÊN ĐÌNH PHONG |
Súng thần công là loại vũ khí đánh xa, ra đời vào khoảng thế kỷ XIV ở châu Âu, tiền thân là loại máy bắn đá thời thượng cổ. Loại súng này có kích thước lớn, trọng lượng nặng, được đúc bằng đồng, sắt hoặc gang. Đạn súng là những quả cầu bằng gang được bắn ra bởi sức đẩy bên trong của súng.
Bộ sưu tập 11 khẩu súng thần công Thành Điện Hải hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng, có chất liệu gang - sắt, được đúc và sử dụng trong khoảng đầu thời nhà Nguyễn, giai đoạn năm 1802-1860. Súng thần công có cấu tạo gồm: nòng súng, thân súng, khối hậu và lỗ điểm hỏa; thân hình trụ, to dần về phía đuôi súng, miệng loe, đuôi hình cầu, hai bên thân có hai quai súng hình trụ, trên thân đúc nổi các đường gờ nổi...
Theo tài liệu được lưu tại Bảo tàng Đà Nẵng ghi lại, trước nguy cơ ngoại xâm phương Tây, nhà Nguyễn hết sức quan tâm việc xây dựng hệ thống phòng thủ bằng cách tăng cường vũ khí và các bốt ven biển. Thành Điện Hải và An Hải là hai công trình kiến trúc quân sự quan trọng bậc nhất mà nhà Nguyễn xây dựng ở Đà Nẵng, triều đình đã trang bị: “Pháo đài Điện Hải 30 ụ súng đại bác cỡ lớn. Để yểm trợ cho Điện Hải, vua Minh Mạng còn cho củng cố pháo đài cũng xây bằng gạch, có trang bị đại bác, kho thuốc đạn và bố trí một lực lượng quân trú phòng tinh nhuệ”, xây dựng “Thành An Hải có quy mô nhỏ hơn Thành Điện Hải, thành có hai cửa, một kỳ đài, 22 ụ đại bác cỡ lớn”.
Vũ khí trang bị cho Thành Điện Hải, An Hải và các công trình quân sự khác trong hệ thống phòng thủ tại Đà Nẵng, trong đó có súng thần công được ghi rõ trong Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, quyển 254 (trang 287, 288), có đoạn ghi như sau:“Gia Long năm thứ 12, chuẩn y lời tâu: cho phát đi 30 cỗ súng, giao cho 300 hòm đạn gang, để đặt ở đài Điện Hải. Minh Mạng năm thứ 4, chuẩn y lời tâu: cho chọn lấy súng các hạng gồm 107 cỗ, chia đặt ở đài Điện Hải”.
Ngày 1-9-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh này, Đà Nẵng được xem là vị trí chiến lược quan trọng làm bàn đạp giúp quân Pháp đánh thẳng ra kinh đô Huế trong khoảng thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên, Pháp đã không chiếm được Đà Nẵng và bị giam chân trên bán đảo Sơn Trà, sau đó phải rút vào vùng Gia Định. Trong trận chiến này, những khẩu thần công Thành Điện Hải, cùng hệ thống phòng thủ cửa biển, đóng vai trò quan trọng làm nên thắng lợi của ta.
Theo hồ sơ di sản đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, bộ sưu tập 11 súng thần công được phát hiện dưới lòng đất thuộc di tích Thành Điện Hải (trong đó có 7 khẩu được phát hiện trong khuôn viên Thành Điện Hải, 3 khẩu phát hiện cách di tích Thành Điện Hải khoảng 200m, 1 khẩu phát hiện ở cửa biển Đà Nẵng (hiện nay là Vùng 3 Hải quân, Sơn Trà), bên hữu ngạn sông Hàn (Thành An Hải thời Nguyễn)) trong những năm 1979, 1991, 1993, 1997, 2005, 2007 và năm 2008. Trong 11 khẩu thần công có 2 khẩu nhỏ nhất với chiều dài cùng 1,15m; 2 khẩu lớn nhất có kích thước 3,02m và 3,05m; số còn lại dài từ 1,4 - 2,7m.
Những khẩu súng thần công Thành Điện Hải là những hiện vật mang giá trị lịch sử to lớn đối với Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, gắn liền với di tích Thành Điện Hải - một trong những pháo đài cổ có vị trí quan trọng hàng đầu ở Việt Nam vào thế kỷ XIX; đồng thời là “vật chứng” cho bản anh hùng ca của quân và dân Đà Nẵng trong buổi đầu chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược dưới sự chỉ huy của danh tướng Nguyễn Tri Phương (1858-1860). Vì vậy, mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng đã có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bộ sưu tập súng thần công Thành Điện Hải hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng là bảo vật quốc gia.
VIÊN ĐÌNH PHONG