Việc Sở GD&ĐT Đà Nẵng quyết định cho học sinh thành phố được nghỉ trọn 3 tháng hè để “xả hơi” sau 9 tháng miệt mài sách vở được rất nhiều phụ huynh và thầy cô giáo ủng hộ. Thế nhưng, không ít phụ huynh vẫn ép con mình chạy “sô” với lịch học dày đặc.
Kỳ nghỉ hè này, bé Anh Thư (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) được mẹ cho đi học nhiều môn năng khiếu để phát triển kỹ năng. Ngoài các buổi học thêm kiến thức của năm học tới vào ban ngày, bé còn 2 buổi học đàn, 2 buổi học Aerobic và 3 buổi học tiếng Anh vào mỗi tối. Với lịch học kín mít, bé Anh Thư dường như không có thời gian vui chơi trong những ngày hè.
Đôi lần bắt gặp Anh Thư nhìn các bạn nhỏ trong xóm chơi đá bóng, chạy nhảy với ánh mắt thòm thèm, tôi không khỏi chạnh lòng bởi mùa hè của em chỉ quẩn quanh trong những giờ học. Lần khác, tôi tình cờ nghe hai bà mẹ ngồi nói chuyện và khoe thành tích của con mình trong kỳ học hè, một bé được lên đai trong lớp học võ, một bé được cô giáo khen trong lớp học viết chữ đẹp. Thế nhưng, khi tôi lại gần hỏi thăm thì một em nói: “Con ghét học hè”. Thì ra, kỳ nghỉ hè của các em đã được cha mẹ “quy đổi” thành kỳ học thứ ba chứ không còn là khái niệm nghỉ ngơi sau 9 tháng học căng thẳng. Nhiều bậc phụ huynh vì quá kỳ vọng mà ép con học thêm trong dịp hè để đạt thành tích cao.
Sự lo lắng của các bậc cha mẹ về việc làm sao quản lý con mình trong dịp hè khi công việc “đầu tắt mặt tối” là chuyện thực tế xảy ra thường ngày. Nhiều người còn bắt con đi học sớm để theo kịp chương trình học trong năm học mới khiến trẻ không phát triển bình thường như bạn bè cùng trang lứa. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, sự phát triển tâm lý và nhân cách của trẻ luôn có quy luật khách quan. Nếu ép trẻ học sớm so với tuổi thì không khác gì “trái non bị chín ép”, lâu dần sẽ hình thành tính chủ quan và tự mãn ở trẻ. Một mùa hè được xem là bổ ích khi các em thỏa mãn nhu cầu cơ bản của lứa tuổi như: được vui chơi, được học những gì các em thích và được giao lưu với mọi người. Vì vậy, cha mẹ nên có kế hoạch nghỉ hè cho con một cách hợp lý nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu ở trẻ.
Đọc cuốn tạp văn Thương nhớ Trà Long của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tôi nghiệm ra rằng, tuổi thơ có vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn của trẻ nhỏ. Với nguồn “nguyên liệu” dồi dào là kho ký ức tuổi thơ ở miền quê Quảng Nam, “nhà văn của trẻ em” đã chắt lọc những kỷ niệm sâu sắc của bản thân để viết nên những trang văn mộc mạc và giản dị. Khi nghe tiếng rao đậu hũ giữa lòng phố thị hay thưởng thức món ốc ruốc ở Sài Gòn, ông như tìm thấy một phần tuổi thơ mình đã mất. Nguyễn Nhật Ánh đã sống trọn vẹn với tuổi thơ, lớn lên bằng tuổi thơ và đến với nghề viết văn cũng qua những ký ức của tuổi thơ. Qua những trang văn của Nguyễn Nhật Ánh, ta mới nhận ra rằng, chỉ khi trẻ được sống đúng nghĩa trong tuổi thơ “kẹo ngọt” thì mới có thể hoàn thiện được tâm hồn, tính cách được uốn nắn ngay từ nhỏ. Các em biết thổn thức khi tình cờ bắt gặp gánh đậu hũ của ai đó ngược xuôi giữa dòng đời để biết rưng rưng thương cảm mà không vô cảm lướt qua, hay gặp người bán bánh ú ở chợ sẽ biết trân trọng những gì người nông dân làm ra.
“Hè này con thích làm gì?”, câu hỏi của tôi như chạm vào niềm mơ ước cháy bỏng của bé Anh Thư. “Con thích về quê nội bắt cua, thả diều với mấy bạn trong xóm có khi còn được bà nội cho ngủ nướng nữa...”. Câu trả lời hồn nhiên của cô bé học lớp 2 văng vẳng trong tim tôi. Một thời cha mẹ của em cũng lớn lên từ những lần đi bắt cua, những lần thả diều cùng bạn với tuổi thơ ngọt ngào, trong sáng đó thôi!
HOÀNG HÂN