Văn hóa - Giải trí

Café sáng

Yêu bản thân, dù thế nào...

15:09, 16/07/2016 (GMT+7)

Một ngày đầu tháng 7, Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (gọi tắt theo tiếng Anh BCNV) đến giao lưu với hơn 100 nữ bệnh nhân ung thư vú (UTV) đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Hội trường bệnh viện có điều hòa chạy mát rượi, nhưng hơn 70% người tham dự lại đội mũ, trùm khăn, có người còn mang cả... mũ chống nắng (loại mũ kèm khẩu trang của chị em). Nhiều chị mặc nào áo thường, nào áo khoác. Họ là những bệnh nhân UTV, dưới cái khăn, cái mũ kia là những cái đầu không một sợi tóc do ảnh hưởng của xạ trị. Còn dưới những lớp áo kia là bộ ngực lệch một bên hoặc phẳng lì bởi đã bị cắt trong quá trị điều trị bệnh. Họ ngồi lặng lẽ, lọt thỏm trong những chiếc ghế bọc nhung đỏ của bệnh viện, chẳng nghe được tiếng ai trò chuyện.

Diễn giả của chương trình hôm ấy là một người phụ nữ... đầu trọc, lại không hề đội tóc giả hay mang khăn trùm đầu. Chị là Nguyễn Thủy Tiên, em ruột của chị Thương Sobey - một bệnh nhân UTV đã sáng lập BCNV nhưng nay đã qua đời. Chị Tiên không mắc bệnh, chị cạo trọc đầu để động viên tinh thần chị gái của mình lúc còn đang trong quá trình điều trị.  

Chương trình bắt đầu với những chia sẻ dí dỏm của chị Tiên về chính... cái đầu trọc của mình. Chị lại tiếp tục nói về... bộ ngực mà “tỉnh” như không. Bên dưới bắt đầu khúc khích tiếng cười, rì rào tiếng trả lời cho những câu hỏi của diễn giả. Bất thần, diễn giả mời một bệnh nhân lên để... trang điểm.

Một phụ nữ tuổi trạc 40 được bạn bè động viên lên sân khấu. Người chị xanh xao, khuôn mặt nhợt nhạt. Chị mặc cái áo sơ-mi ca-rô tối màu đã cũ, chiếc quần vải không hợp với chiếc áo. Chị khoác thêm tấm áo mỏng bên ngoài hòng che đi bộ ngực không toàn vẹn. Chị chia sẻ: “Cả đời tui chưa bao giờ trang điểm...”.

Chỉ thoa ít kem nền, dặm chút phấn rồi tô tí son đỏ đơn giản, vẻ nhợt nhạt của chị bỗng chốc biến mất. Chị lại tiếp tục được đội thêm bộ tóc giả, được chải chuốt tạo kiểu với mái tóc. Có người thốt lên: “Ôi xinh như búp bê!”. Ban tổ chức... quên gương soi, bèn nhờ một tình nguyện viên chụp ảnh rồi đưa cho bệnh nhân xem. “Nhân vật chính” nhìn màn hình máy ảnh mà thốt lên: “Đẹp, đẹp...”.

Người thứ hai được mời lên sân khấu cũng có một cái đầu trọc giấu dưới tấm khăn cũ kỹ. Từ ngày mang bệnh, chị không một lần đụng đến hộp phấn, thỏi son. Hỏi vì sao, chị ngân ngấn: “Vì buồn”. Hai chữ ngắn ngủi như đá đè nặng trong tim.

Biết chị thường dùng khăn, chương trình liền hướng dẫn cho chị và khán giả cách thắt khăn buộc đầu sao cho đẹp. Một tấm khăn làm được bao nhiêu kiểu: buộc đuôi ngựa, thắt bím, thắt hình vương miện… Điểm cho chị chút son, diễn giả tâm tình: “Càng buồn, càng phải đẹp. Bởi khi buồn, mình... xấu lắm, nên phải làm đẹp để bù đắp. Mình làm đẹp, nghĩa là mình đang yêu thương, chăm sóc chính bản thân”. Chị em bệnh nhân ở dưới vỗ tay tán thưởng, có người quay sang nói với người ngồi cạnh: “Nãy giờ nhìn rồi bắt chước để hồi ra đường buộc khăn cho đẹp”.

Chẳng còn bầu không khí trầm lặng như ban đầu, các nữ bệnh nhân tự lấy những đĩa trái cây ban tổ chức đã chuẩn bị để vừa ăn, vừa xem chương trình. Diễn giả hóm hỉnh: “Ở đây toàn “chị em chúng mình”, các chị cứ vừa ăn vừa xem, muốn gác chân lên ghế cũng được, miễn sao thoải mái vui vẻ”.

Cứ thế, người này san cho người kia trái chuối, quả quýt, chẳng mấy chốc vui như hội. Có chị đến giờ xạ trị phải đành lòng bỏ về, nét mặt vẫn còn tươi tắn lắm. Buổi giao lưu kết thúc với một “bài tập về nhà” của diễn giả: Từ hôm nay trở đi, phải yêu thương, chăm lo cho bản thân.

Hội trường rộ lên tiếng vỗ tay và rạng ngời những gương mặt cười. Nụ cười bỗng làm cho các cô, các chị trở nên xinh đẹp hẳn...

KHANG NINH

.