.

Góc nhìn lạ về Đà Nẵng

.

Dưới góc nhìn của các họa sĩ đến từ những tỉnh, thành khác trên cả nước, Đà Nẵng ẩn chứa vẻ cổ xưa yên bình, lồng trong dáng dấp một đô thị hiện đại. Thông qua ngôn ngữ hội họa, các họa sĩ gửi gắm lời nhắn nhủ: Hãy trân quý, gìn giữ giá trị văn hóa của thành phố bên sông Hàn...

Họa sĩ Lê Thánh Thư sáng tác “Không gian sống”.  	                Ảnh: HÀ THU
Họa sĩ Lê Thánh Thư sáng tác “Không gian sống”. Ảnh: HÀ THU

Hiện đại mà bình yên

Gần 20 ngày tham gia trại sáng tác mỹ thuật do Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức, các họa sĩ đã đặt chân đến thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An và khắp nẻo đường thành phố Đà Nẵng. Theo đánh giá của những người làm nghệ thuật, nếu Mỹ Sơn, Hội An gần như còn nguyên vẹn nét xưa, thì Đà Nẵng mang dáng dấp của một đô thị hiện đại.

Nhưng bên cạnh đô thị hóa, Đà Nẵng vẫn giữ dấu tích gợi nhớ không gian kiến trúc cổ như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, nhà thờ Con Gà, dòng sông Hàn... “Nhịp sống đô thị và những giá trị văn hóa, lịch sử hòa quyện vào nhau, đó chính là điều làm nên sự đặc biệt của Đà Nẵng. Người Đà Nẵng đang sống chung với những di sản và tôi kỳ vọng mọi người hãy trân quý những điều này”, họa sĩ Lê Thánh Thư (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Lấy những hình ảnh gợi nhớ Đà Nẵng xưa, cùng nhịp sống thực tế đang diễn ra hằng ngày, họa sĩ Lê Thánh Thư đã đưa vào tác phẩm và tạo nên “Không gian sống” bằng nét vẽ đương đại với chất liệu acrylic. Thoạt nhìn, bức tranh khá phức tạp, bởi những biểu tượng nhỏ tương đồng như chữ viết cổ; nhưng càng ngắm sẽ thấy đó là sự cách điệu hóa những biểu tượng con người, cảnh vật thân thuộc như: trẻ em thả diều, đá bóng, dòng người trên đường, điệu múa Chăm… “Xem tranh Lê Thánh Thư, người ta có góc nhìn khác về Đà Nẵng. Trong lúc nhúc nhà cửa bởi đô thị hóa vẫn có nét bình yên, thơ mộng. Bằng chất liệu hội họa, Lê Thánh Thư diễn đạt trọn vẹn cảm xúc về không gian sống Đà Nẵng”, họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chia sẻ.

Cũng với chất liệu acrylic, song theo trường phái trừu tượng, họa sĩ Vĩnh Phối lại cho ra đời tác phẩm “Đất vàng”, với gam màu vàng chủ đạo. Qua “Đất vàng”, người xem cảm nhận được tình cảm mãnh liệt của người họa sĩ dành cho vùng đất Đà Nẵng, nơi chất chứa giá trị văn hóa và tình người sâu đậm. Tuy nhiên, bằng sự nhạy cảm của người làm nghệ thuật, họa sĩ Vĩnh Phối cho rằng, cái đẹp của mảnh đất “vàng” này cũng khá mong manh và dễ vỡ nếu con người không suy nghĩ tìm cách giữ gìn.

Trong đợt sáng tác này, hình ảnh một Đà Nẵng thơ mộng, bình yên với sông, biển, núi cũng tạo nhiều cảm hứng cho các họa sĩ. Với bức tranh sơn dầu “Người của biển”, Đà Nẵng dưới góc nhìn của họa sĩ Trịnh Thanh Tùng là một thiếu nữ đẹp, ngực trần, tràn đầy sức sống; “Thành phố biển về đêm” của họa sĩ Dương Sen lại bình yên, lung linh; hay “Bình minh xanh” của họa sĩ Nguyễn Tấn Cương cho thấy một Đà Nẵng xanh mát, sự sống sinh sôi...

Kỳ vọng về mỹ thuật Đà Nẵng

Họa sĩ Lê Huỳnh (đến từ Nha Trang) cho rằng, Đà Nẵng hiện có lực lượng sáng tác chất lượng, đoạt nhiều giải thưởng mỹ thuật tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nhưng lại thiếu môi trường mỹ thuật nên không thể khuyến khích khả năng sáng tác. Do đó, sự ra đời của Bảo tàng Mỹ thuật là bước ngoặc lớn cho mỹ thuật Đà Nẵng. “Cả nước hiện nay chỉ có thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có bảo tàng mỹ thuật riêng. Với lợi thế này, chắc chắn phong trào mỹ thuật của thành phố sẽ phát triển. Trong tương lai, Đà Nẵng sẽ là nơi hội ngộ của những người làm nghệ thuật”, họa sĩ Lê Huỳnh kỳ vọng.

Đó cũng là tâm trạng chung của những họa sĩ tham gia trại sáng tác lần này và việc tác phẩm của họ được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật thực sự là niềm hạnh phúc. Với họ, giới thiệu hình ảnh Đà Nẵng qua góc nhìn của những người đến từ vùng, miền khác cho người dân Đà Nẵng thưởng thức có ý nghĩa hơn nhiều so với giá trị vật chất của tác phẩm.

Chia sẻ thêm về trại sáng tác lần này, họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ cho rằng, đây là một trong những giải pháp bổ sung hiện vật cho Bảo tàng, nhất là tác phẩm về vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong thời gian hạn hẹp (hơn 15 ngày), các họa sĩ chỉ dùng chủ yếu chất liệu acrylic, sơn dầu; các tác phẩm từ chất liệu lụa, sơn mài chưa nhiều bởi cần thời gian và kinh phí tăng gấp nhiều lần.

“Chúng tôi mong muốn có điều kiện tổ chức nhiều đợt sáng tác, trên nhiều chất liệu, nhất là sơn mài – tác phẩm hiện đang khan hiếm, để làm phong phú hiện vật Bảo tàng Mỹ thuật. Thật ra, các họa sĩ tên tuổi về đây sáng tác chủ yếu bằng tình cảm và tình yêu đặc biệt dành cho Đà Nẵng. Để mỹ thuật Đà Nẵng “cất cánh” như các thành phố lớn, thành phố cần quan tâm hơn đến hoạt động mỹ thuật và bản thân các họa sĩ Đà Nẵng cũng phải làm việc miệt mài mới mong có tác phẩm chất lượng”, họa sĩ Trung Kỳ nói.

Trại sáng tác mỹ thuật thành phố Đà Nẵng 2016 diễn ra từ ngày 10-6 đến hết 25-6, với sự tham gia của 14 họa sĩ tên tuổi trong làng Mỹ thuật Việt Nam như: họa sĩ Vĩnh Phối, Dương Sen, Lê Thánh Thư, Nguyễn Tấn Cương, Trịnh Thanh Tùng, Nguyễn Thượng Hỷ, Vũ Trọng Thuấn... Tất cả các tác phẩm trong trại sáng tác đều được tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

HÀ THU

;
.
.
.
.
.