Văn hóa - Giải trí
Dấu ấn hội họa đương đại
Trong tháng 8 này, người dân và du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bức tranh 3D, nghệ thuật sắp đặt và tranh hoành tráng tại công viên bờ tây cầu Rồng (đối diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm) và có dịp ghi lại khoảnh khắc kỳ diệu bên các tác phẩm đầy cuốn hút.
Khách tham quan có thể trải nghiệm và chụp hình lưu niệm với bức tranh 3D sống động này. Ảnh: NGỌC HÀ |
Thế giới ảo như thật
Theo anh Phan Thanh Hải, Tổ trưởng tổ Mỹ thuật Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng - đơn vị thực hiện sự kiện Mỹ thuật đường phố, đây là lần đầu tiên tại Đà Nẵng, tranh 3D, nghệ thuật sắp đặt và tranh hoành tráng diễn ra trên đường phố. Đồng thời, đây cũng là loại hình nghệ thuật mang nhiều yếu tố bất ngờ cho người thưởng lãm.
Nội dung xuyên suốt của những tác phẩm là cách ứng xử của con người với môi trường thiên nhiên, đặc biệt là môi trường nước. Cụ thể, với chủ đề “Mạch nguồn”, bức tranh 3D khoảng 50m2 được thực hiện bằng chất liệu acrylic trên toan với màu sắc vô cùng sống động. Trải ra trước mắt người xem là thiên nhiên tuyệt đẹp với dòng suối róc rách, sự sống trong lòng đại dương xanh mát. Kết hợp với bức tranh 3D này là hơn 50 con chuồn chuồn được làm bằng chất liệu formex, sơn và ánh sáng màu trên diện tích hơn 150m2, tạo nên không gian trong trẻo, yên bình.
Ngoài ra, thầy và trò tổ Mỹ thuật còn làm tăng “sức sống” cho hầm đi bộ bờ tây cầu Rồng bằng 2 bức tranh hoành tráng áp vào tường tại lối đi, với diện tích hơn 140m2. Vẫn lấy cảm hứng từ thiên nhiên, bức tranh “Biển gọi” dẫn dắt người xem vào thành phố biển xinh đẹp có bờ biển trải dài, những chiếc thuyền nằm yên ả trong bóng dáng đô thị hiện đại. Trong khi đó, bức “Tài nguyên vô giá” khắc họa hình ảnh đàn cá tung tăng bơi lội, sự sống sinh sôi nảy nở dưới lòng đại dương.
“Thông qua nghệ thuật hội họa đương đại, chúng tôi muốn chuyển tải thông điệp bảo vệ môi trường sống. Sự tương tác khá lớn giữa người xem và tác phẩm góp phần mang lại hiệu quả tuyên truyền. Đặc biệt, hoạt động này góp phần tạo nên sự mới lạ cho không gian văn hóa, giải trí dọc hai bờ sông Hàn”, anh Hải chia sẻ.
Trải nghiệm thú vị cho sinh viên mỹ thuật
Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật gặp khó trong tuyển sinh, khối mỹ thuật không ngoại lệ. Hiện tại, số lượng sinh viên khối mỹ thuật hệ trung cấp tại trường có gần 50 em, gồm ngành Sư phạm mỹ thuật, Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa và lớp năng khiếu thiếu nhi. Tuyển sinh đầu vào đã không dễ, làm sao để sinh viên ra trường có việc làm là bài toán càng khó giải đối với nhà trường.
Việc tạo điều kiện, cơ hội cho sinh viên khối mỹ thuật được trải nghiệm loại hình nghệ thuật đương đại còn khá mới mẻ tại Việt Nam là một trong những cách đổi mới của nhà trường, nhằm giúp sinh viên có thêm kiến thức đáp ứng nhu cầu xã hội. Nguyễn Tuấn Lưu, sinh viên năm cuối, ngành Sư phạm mỹ thuật chia sẻ, đây là dịp để sinh viên có cơ hội thể hiện kỹ năng chuyên môn, tiếp cận thực tế, cập nhật xu hướng sáng tạo nghệ thuật hiện đại và có thêm động lực sáng tạo nghệ thuật.
“Sự sáng tạo sẽ bị bào mòn nếu thiếu môi trường mỹ thuật. Vì thế, tôi mong các hoạt động mỹ thuật được tổ chức thường xuyên, tạo động lực khuyến khích sức sáng tác của sinh viên mỹ thuật, nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên nhà trường”, Nguyễn Tuấn Lưu nói.
Mỹ thuật đường phố diễn ra tại công viên bờ tây cầu Rồng (đối diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm) với các hoạt động: ký họa chân dung và viết thư pháp vào lúc 19 giờ ngày 23-7, kèm theo tặng 400 bức tranh thư pháp cho khách tham quan; giới thiệu tranh 3D, nghệ thuật sắp đặt và tranh hoành tráng từ ngày 15-8 đến 21-8 với chủ đề “Biển gọi” và “Tài nguyên vô giá”. Tại đây, khách tham quan có thể trải nghiệm và chụp hình lưu niệm trong không gian đầy chất nghệ thuật. |
NGỌC HÀ