Cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội tại các phường, xã đa phần “đi lên” từ các hoạt động phong trào địa phương, năng lực chuyên môn còn hạn chế. Do đó, việc nâng cao trình độ cho cho đội ngũ này cần được quan tâm.
Phong trào cơ sở có lớn mạnh hay không phụ thuộc nhiều vào năng lực của cán bộ văn hóa-xã hội. TRONG ẢNH: Một tiểu phẩm về văn hóa, văn minh đô thị được Trung tâm Văn hóa quận Thanh Khê dàn dựng, biểu diễn. Ảnh: NGỌC HÀ |
Ngành học ít “dính dáng” đến công việc
Anh Phạm Việt Anh Chương, cán bộ văn hóa-xã hội phường Tân Chính, quận Thanh Khê chia sẻ, trưởng thành từ phong trào Đoàn, sau 3 năm rèn luyện trong quân ngũ, anh được nhận vào làm việc tại phường từ năm 2006. Năm 2008, anh học chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng. Dù có bằng đại học, nhưng kiến thức chính giúp anh tổ chức các hoạt động văn hóa vẫn là nhờ... kinh nghiệm thực tế từ thời tham gia phong trào Đoàn.
Tương tự, anh Nguyễn Thành Sơn, cán bộ văn hóa-xã hội phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu từng học Trung cấp Điện. Năm 2000, anh Sơn được tuyển vào vị trí kỹ thuật viên kiêm phát thanh viên của đài truyền thanh địa phương. Sau khi được giao vị trí cán bộ văn hóa-xã hội phường, năm 2006, anh tham gia lớp Trung cấp Quản lý văn hóa, tại Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Đà Nẵng và hiện học liên thông Đại học Quản lý văn hóa, do Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật phối hợp Đại học Văn hóa tổ chức. “Tôi tự bỏ kinh phí và tranh thủ thời gian ngoài giờ hành chính để đi học bổ sung kiến thức, nhưng không phải cán bộ nào cũng có điều kiện, thời gian để tự đào tạo chuyên môn như vậy. Tại cơ quan tôi, hai cán bộ văn hóa khác vẫn không có bằng cấp liên quan văn hóa-xã hội”, anh Sơn cho biết.
Cần được đào tạo bài bản
Có thể thấy, trình độ của cán bộ phụ trách văn hóa-xã hội tại các phường, xã đa phần không xuất phát từ chuyên ngành văn hóa-xã hội. Trong khi đó, theo Dự thảo Quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao (TTVHTT) phường, xã trên địa bàn thành phố, do Sở Văn hóa - Thể thao xây dựng, thì cán bộ văn hóa - xã hội phường sẽ kiêm nhiệm chức danh Phó Giám đốc TTVHTT và người này phải có bằng tốt nghiệp trung cấp về chuyên ngành văn hóa-xã hội trở lên. Như vậy, hầu hết các cán bộ phụ trách văn hóa – xã hội phường, xã hiện nay đều không đáp ứng được yêu cầu. Điều này cũng đặt ra câu hỏi đối với các ngành chức năng liên quan, trong việc tạo điều kiện cho cán bộ văn hóa cơ sở nâng cao trình độ chuyên môn.
Ông Cao Tấn Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố cho biết, trước thực tế trên, Trung tâm đã thành lập câu lạc bộ (CLB) cán bộ văn hóa cơ sở, cùng với việc tổ chức một số lớp tập huấn ngắn hạn. CLB cán bộ văn hóa cơ sở sinh hoạt 3 tháng/lần, giúp các thành viên trao đổi kinh nghiệm tổ chức phong trào quần chúng; được cán bộ có kinh nghiệm và nghiệp vụ giảng dạy phương pháp tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật, quản lý thiết chế văn hóa và tìm hiểu những mô hình hay của các địa phương... “Đến nay, CLB thu hút gần 70 thành viên là lãnh đạo, cán bộ văn hóa-xã hội tham gia. Đây cũng là cách nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở”, ông Ngọc nói.
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, các khóa tập huấn ngắn hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ, sinh hoạt CLB hiện chưa nhiều, nên vẫn chưa thực sự giải quyết được vấn đề nâng cao chuyên môn. “Theo tôi, các cấp chính quyền cần có chủ trương đào tạo để cán bộ văn hóa-xã hội có bằng cấp đúng chuyên ngành. Với kinh nghiệm sẵn có, chỉ cần được đào tạo bài bản, đây sẽ là lực lượng góp phần phát huy hiệu quả công tác tổ chức, hoạt động, quản lý thiết chế văn hóa cơ sở”, anh Nguyễn Thành Sơn bày tỏ.
NGỌC HÀ