Văn hóa - Giải trí
Phim Đức về chất độc da cam Việt Nam được đề cử giải Emmy quốc tế
Ban tổ chức giải thưởng Emmy của Mỹ ngày 9/8 đã công bố các đề cử chính thức cho thể loại tác phẩm truyền hình tin tức và thời sự quốc tế năm 2016, theo đó phóng sự "Long Thanh will lachen" (tạm dịch "Long Thành muốn cười") lọt vào danh sách 8 đề cử cho hạng mục giải thưởng danh giá này.
Tác giả Philipp Abresch và nhân vật của phóng sự - cậu bé Long Thành 15 tuổi. (Nguồn: www.daserste.de) |
Thông báo trên được công bố một ngày trước "Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10/8," được coi là sự ghi nhận có ý nghĩa với tác giả Philipp Abresch, người hiện là Trưởng đại diện kênh ARD của Đức tại Singapore.
Phóng sự “Long Thanh will lachen” dài 28 phút 31 giây được phát trên kênh ARD một năm trước.
Theo đề dẫn của Ban tổ chức giải Emmy, tác phẩm kể về những nạn nhân da cam bị nhiễm độc từ chất diệt cỏ do quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam và 40 năm sau chiến tranh, các thế hệ người Việt Nam vẫn tiếp tục phải hứng chịu những hậu quả từ chất độc da cam, như trường hợp cậu bé Long Thành, 15 tuổi, trong phóng sự.
Tuy vậy, vượt lên số phận, cậu bé Long Thành vẫn sống đầy nghị lực và thật đáng khâm phục.
Hai anh em nhà Long Thành bị dị tật bẩm sinh do người cha bị nhiễm chất độc da cam và hầu như hai anh em không thể tự làm gì nếu không có sự giúp đỡ từ cha mẹ.
Đoàn làm phim còn tới cả Bệnh viện Từ Dũ ở Thành phố Hồ Chí Minh để gặp trực tiếp các nạn nhân cũng như tận mắt thấy được những hình hài dị dạng không được may mắn làm người.
Với chất độc mà quân đội Mỹ sử dụng với quy mô lớn để phát quang những cánh rừng Việt Nam, hậu quả kinh hoàng còn để lại trong đất, trong nước và với cả con người.
Theo phóng sự, chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng hiện vẫn còn 3 triệu người Việt Nam phải mang trong mình những hậu quả từ chất độc da cam và 150.000 đứa trẻ sinh ra bị dị tật nặng nề.
Phóng sự cũng cho biết từ lâu, Việt Nam đã kêu gọi sự hỗ trợ để xoa dịu nỗi đau da cam, song cho tới nay, chính quyền Mỹ vẫn nghi ngờ, bác bỏ hoặc phủ nhận trách nhiệm, cho rằng “không có mối liên hệ trực tiếp” nào giữa chất độc da cam với những đứa trẻ dị tật.
Ngoài tác phẩm nêu trên còn 7 tác phẩm truyền hình khác về tin tức và thời sự đến từ 6 quốc gia ở 3 châu lục tham gia tranh giải thưởng Emmy quốc tế.
Tác phẩm đoạt giải sẽ được công bố ở New York (Mỹ) vào ngày 21/9 tới, bên cạnh các tác phẩm về tin tức và phim tài liệu của Mỹ.
Giải thưởng truyền hình Emmy là giải thưởng cao quý nhất của ngành công nghiệp truyền hình và được xem như giải Oscar cho thể loại truyền hình.
Việc phóng sự "Long Thanh will lachen" được đề cử vào hạng mục giải thưởng Emmy quốc sẽ góp thêm tiếng nói và những sẻ chia với nỗi đau mà các gia đình Việt Nam đang phải gánh chịu qua nhiều thế hệ sau chiến tranh./.
Theo Vietnam+