Hơn 400 năm trôi qua với gần 200 năm tồn tại, tiếng tăm về dinh trấn Thanh Chiêm - đô lỵ của một Quảng Nam dinh từng được người nước ngoài gọi là “Quảng Nam quốc” vẫn được lưu lại nơi ký ức cư dân. Chính từ đây cuộc mở cõi về Nam, việc xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, việc mở cửa hội nhập với nước ngoài trên nhiều lĩnh vực được khởi động với một tư duy chiến lược của tiền nhân.
Nhân Hội thảo khoa học“Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ” được tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức (23 và 24-8-2016), thử nhìn lại vai trò của dinh trấn này trong chuyển động lịch sử to lớn của dân tộc mà đến nay nhiều vấn đề vẫn còn mang tính thời sự.
Trường THCS Nguyễn Du nằm bên đường Thanh Chiêm-Hội An (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) được xây trên nền móng của tòa hành dinh dinh trấn Thanh Chiêm. Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ |
Nhìn ngôi làng với nhà cửa cùng những trường học, đình làng, chùa chiền, giáo đường đứng kín ken, không ai có thể hình dung Thanh Chiêm từng là đô lỵ, là tổng hành dinh của một Quảng Nam dinh có địa giới bao trùm từ nam Hải Vân đến tận Bình Định, Phú Yên. Dinh trấn Thanh Chiêm chính là hậu dinh, là căn cứ hậu cần, là bộ chỉ huy tiền phương đảm nhận những trách vụ trọng đại của các chúa Nguyễn từ chính dinh ở phía Bắc...
Trên trục giao thông thủy - bộ
Con đường chính của làng Thanh Chiêm (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cũng là con đường dẫn xuống phố cổ Hội An - cách Thanh Chiêm chừng 7 cây số về hướng đông. Buổi mai, nhiều khách Tây cưỡi xe máy thuê từ Hội An ngược lên quốc lộ 1A, khi ngang qua Thanh Chiêm họ đều đi chậm lại để ngắm một làng quê tươi mát với những khoảng vườn xanh mướt rau màu, những lũy tre, những nà bắp tốt tươi nơi bãi bồi dọc bên đường. “Giá mà dinh trấn Thanh Chiêm còn giữ lại được những di tích, chắc có nhiều du khách ghé lại đây thăm viếng. Ở đây cũng còn giữ được mấy nghề xưa như đúc đồng, làm gốm, làm mộc, nghề nào hiện cũng rất phát đạt...”, lão làng Đinh Trọng Tuyên - một nhân sĩ dày công nghiên cứu về dinh trấn Thanh Chiêm, đứng bên con đường chính, ngay trước cổng Trường THCS Nguyễn Huệ, nói.
Theo lời ông Tuyên, tòa hành dinh Thanh Chiêm nằm ngay trên nền Trường THCS Nguyễn Huệ. Và dãy đất hoang trũng thấp nằm bên mép đường trước cổng trường - tức ngay trước dinh trấn xưa - kéo dài mãi về phía đông chính là nhánh sông tẻ dài chừng 400-500m nối với sông Chợ Củi, đã bị bồi lấp từ lâu đời. Sông Chợ Củi là cái tên mà người địa phương gọi đoạn sông Thu Bồn đi ngang qua vùng Thanh Chiêm, bởi kề sông có ngôi chợ lớn chuyên bán củi cho binh thuyền và thương thuyền ở dinh trấn và cả ở cảng thị Hội An.
“Về đường thủy thì dinh trấn Thanh Chiêm nối thông với sông Thu Bồn, xuống cảng thị Hội An, rồi ra Biển Đông qua Cửa Đại. Còn đường bộ thì cách đây chừng 700m, về hướng tây là đường thiên lý Bắc Nam, do nhà Hồ cho đắp khi Hồ Hán Thương đưa di dân vượt Hải Vân đến vùng này từ năm 1402. Chúa Nguyễn Hoàng chọn đóng dinh trấn ở đây rất thuận tiện cho việc giao thông, nhất là đường thủy dùng cho thủy quân...”, ông Tuyên giải thích.
Dinh trấn Thanh Chiêm chìm trong lớp bụi thời gian trên 200 năm từ sự suy tàn của dinh trấn qua các chuyển biến lịch sử mà đậm nét là từ thời Tây Sơn. Nhưng vai trò của dinh trấn này đối với sự mở mang bờ cõi, với sự giao thương cũng như sự tiếp cận các nền văn hóa mới từ bên ngoài của dân tộc ta luôn là nỗi thao thức với các nhà nghiên cứu. Một trong những người đầu tiên “tìm lại” dinh trấn Thanh Chiêm xưa bằng đôi chân điền dã là nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm, đến từ Sài Gòn. “Năm 1958, khi ông Khiêm đến đây tìm hiểu, may mắn cho ông là còn ông cựu lý trưởng Thanh Chiêm là ông Xã Hòe. Lớp ông Xã Hòe cũng như lớp cha tui còn nhớ được nhiều điều về dinh trấn này là nhờ ông cha kể lại.
Thời ông Khiêm đến thì các khu hành dinh, thành nội, thành ngoại của Thanh Chiêm còn đất trống chứ chưa có nhiều nhà cửa, công trình xây dựng chồng lên như bây chừ, nhờ vậy mà dễ nhận ra các dấu tích xưa. Các chỗ đặt ụ súng, điếm canh, kho muối, nhà giam, chuồng voi, hào lũy... của dinh trấn đều được các cụ nhớ tỏ tường...”, vẫn lời ông Tuyên. Từ những chỉ dẫn tích cực của các bô lão Thanh Chiêm, nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm đã viết về dinh trấn Thanh Chiêm trong sách Người chứng thứ nhất, được xuất bản năm 1959 (NXB Tinh Việt, Sài Gòn), và tiếp theo, năm 1960, tác giả lại cho công bố trên Tập san Khảo cổ số 1 với tựa đề Đi tìm thành cổ Quảng Nam.
Một quyết định trọng đại
“Thiếu dinh trấn Thanh Chiêm, việc mở đất về Nam của các chúa Nguyễn chưa chắc đã được thuận lợi, được tiến triển sớm, bờ cõi phía Nam của đất nước ta chưa chắc đã được như bây giờ...”, bên bến đò Chợ Củi ở bờ bắc sông Thu Bồn, bên dấu tích còn lại của đoạn đường thiên lý Bắc Nam từ hơn 600 năm trước, ông Đinh Trọng Tuyên nhắc lại câu nói của nhà nghiên cứu, cố học giả Nguyễn Văn Xuân như vậy.
Lão làng Đinh Trọng Tuyên bên bia di tích dinh trấn Thanh Chiêm được lập nhân di tích này được công nhận di tích lịch sử năm 2001. |
Chính từ chuyến thị sát phía Nam kéo dài từ đèo Hải Vân đến đất Quảng Nam lần đầu vào năm 1602, bằng cái nhìn của một nhà quân sự - chính trị tài giỏi, chúa Nguyễn Hoàng (1524-1613) đã nhanh chóng nhận ra vị trí trọng yếu của Quảng Nam cho đại nghiệp ở Đàng Trong của mình. Chính vì thế Chúa Nguyễn Hoàng tái lập dinh trấn Quảng Nam, chọn Thanh Chiêm làm dinh lỵ. Vì dinh Quảng Nam vừa lớn rộng, vừa có vị thế quan trọng nên Chúa đã cắt đặt người con thứ sáu của mình là Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) làm trấn thủ để rồi khi Chúa mất sẽ lên ngôi chúa, thống lĩnh cả vùng đất Thuận Quảng (Thuận Hóa, Quảng Nam) được gọi là Đàng Trong.
Cũng từ đây, với các vị chúa nối tiếp Chúa Nguyễn Hoàng đều chiếu theo lệ này: hễ người con nào được chúa chọn làm trấn thủ Quảng Nam dinh thì được coi là thế tử, khi chúa mất sẽ về chính dinh (lần lượt ở Ái Tử, Dinh Cát thuộc Quảng Trị rồi dời đến lần lượt ở Phúc Yên, Kim Long, Phú Xuân thuộc Thừa Thiên - Huế) lên ngôi chúa.
Đất Thuận Quảng (trải từ Quảng Bình đến Phú Yên - vào thời cuối đời Chúa Nguyễn Hoàng) - trong đó Quảng Nam là là nơi “đất tốt, dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa, số quân cũng hơn quá nửa”(1). Trước lúc băng hà, Chúa Nguyễn Hoàng đã căn dặn lần cuối người kế nghiệp mình là Nguyễn Phúc Nguyên về tầm quan trọng của vùng đất được Chúa coi là “đất yếu hầu của miền Thuận Quảng”, là “đất dụng võ của người anh hùng” bởi nó hội đủ điều kiện cho thế công cũng như thế thủ, nếu biết “dạy dân, luyện binh” thì “đủ xây dựng sự nghiệp muôn đời (1).
Thật cảm kích khi đứng từ dinh lỵ xưa nhớ lại lời trăn trối vì đại nghiệp dân tộc của vị Chúa đã khai mở nên dinh trấn trọng yếu này từ một quyết định kịp thời, đúng lúc. Càng cảm kích hơn khi nhớ lại việc Chúa Nguyễn Hoàng đã khai mở cuộc Nam tiến mới mở rộng ra cõi giang sơn gấm vóc phía Nam cho dân tộc từ mách bảo ẩn dụ Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Vận mệnh bậc cái thế anh hùng gắn với vận mệnh của cả một dân tộc chứ phải đâu là riêng của họ!
HUỲNH VĂN MỸ
(1) Trích Đại Nam liệt truyện tiền biên, quyển 1.