.
Thanh Chiêm: Dinh trấn của công cuộc mở cõi và mở cửa

Bài 2: Cảng thị của dinh trấn

.

Những chuyến xe ca chở đầy khách nước ngoài của các hãng lữ hành từ sân bay Đà Nẵng cấp tập đổ xuống các trạm dừng ở phố cổ Hội An. Các dịch vụ dành cho du khách tại đây đã tạo nên bức tranh sinh động của đô thị di sản văn hóa thế giới này. Sẽ không quá lời khi cho rằng mạch sống của Hội An hôm nay khởi nguồn từ sự ra đời của dinh trấn Thanh Chiêm xưa. Cánh cửa mở ra với bên ngoài và “cuộc cách mạng” kinh tế, trong đó ngoại thương đóng vai chủ chốt ở nước ta hồi đầu thế kỷ 17, được bắt đầu khi cảng thị Hội An được thiết lập và đặt dưới sự tổng quản của vị trấn thủ dinh trấn Thanh Chiêm...  

Đoạn sông Thu Bồn nằm ở quãng giữa dinh trấn Thanh Chiêm và cảng thị Hội An là thủy lộ của thủy quân chúa Nguyễn và cả của thuyền buôn nước ngoài, nay là bến đậu của các thuyền cá.
Đoạn sông Thu Bồn nằm ở quãng giữa dinh trấn Thanh Chiêm và cảng thị Hội An là thủy lộ của thủy quân chúa Nguyễn và cả của thuyền buôn nước ngoài, nay là bến đậu của các thuyền cá.

Bến thuyền thành cảng thị

Chiều muộn, du khách vẫn còn đổ đến Hội An từ những chiếc xe ca. Chưa vội đến khách sạn, một số khách gọi xích lô đưa đi ngắm phố cổ trước. “Khách đến đây có nhiều quốc tịch, khách châu Á, khách Âu-Mỹ gần như cân bằng nhau. Với du khách là người Nhật, người Hoa, Hội An có cái gì gần gũi với họ hơn, dễ thấy là họ viếng cảnh kỹ hơn, tìm hiểu kỹ hơn và lưu trú ở đây lâu hơn...” - một hướng dẫn viên du lịch ở Hội An nói khi anh dẫn một đoàn khách người Nhật đến viếng Chùa Cầu - chiếc cầu được coi là biểu tượng của Hội An vốn do các thương nhân Nhật kiều ở Hội An chung góp xây nên vào đầu thế kỷ 17.

Hơn 400 năm dâu bể, Hội An - Faifo xưa - may mắn còn giữ lại được khá nhiều di tích, phố thị vẫn còn, chỉ có cảng xưa là bị bồi lấp. Trong các quán cà-phê dọc bên bờ sông Hoài - tên gọi của đoạn Thu Bồn nằm sát phố, từng là bến cảng, nay chỉ còn là bến đỗ của những tàu thuyền nhỏ, du khách ngồi nhấm nháp cà-phê và nhìn ra sông nước soi hình những mái nhà cổ. Nhìn cảnh quan của đô thị di sản văn hóa thế giới, một số du khách - cả Á và Âu - có thể có cảm tưởng giao hội được với những lớp tiền nhân của dân tộc mình từng là thủy thủ, là thương nhân đã từng đến và cả ở lại đây làm kiều dân một thời.

“Chúa Nguyễn Hoàng là nhà cầm quyền sớm nhất của nước ta nghĩ đến chuyện giao thương với nước ngoài”, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân nói như vậy. Không có bày tỏ nào khác hơn là sự khâm phục đối với vị chúa trải nhiều nhọc nhằn trên đường mở cõi đã “bật” lên một tư duy mang tầm thời đại nhưng lại hãy còn quá xa lạ đối với người cầm quyền ở nước ta thời ấy. “Nhà nước Đại Việt thường tỏ ra không mấy có thiện cảm đối với việc buôn bán nói chung và đối với ngoại thương nói riêng. Chư Phiên Chí, cuốn sách của một du khách người Trung Hoa xuất bản vào thế kỷ 13 đã tóm tắt thái độ đặc biệt này của nước Đại Việt đối với việc buôn bán trong một câu ngắn gọn: Xứ này không buôn bán (với người nước ngoài)” - nhà sử học Li Tana đã viết (1). Và mãi đến giữa thế kỷ 15, Việt Nam và vùng Luzon (của Philippines) vẫn còn là “vùng trắng” trong giao thương với nước ngoài, trong khi Xiêm (Thái Lan) và Malacca đã có nền ngoại thương khá mạnh.

Vậy mà, một chuyển biến đáng kinh ngạc đã diễn ra. “Số thương thuyền tới buôn bán với Đàng Trong vào đầu thế kỷ 17 đã vượt xa số thương thuyền tới buôn bán với Xiêm, Cao Mên”, vẫn theo tác giả Li Tana, “Vương quốc của chúa Nguyễn”  (tức Đàng Trong - PV) được đặt ở đầu danh sách các nước ở lục địa Đông Nam châu Á có thương mại với Nhật Bản...”. Những biên niên về giao thương với bên ngoài của vương quốc Đàng Trong mà TS. Li Tana gần đây đã ghi lại nhờ lùng sục được từ các nguồn tư liệu đã cho thấy Chúa Nguyễn Hoàng đã rất coi trọng kinh tế ngoại thương. Chúa tận tụy đến mức, từ 1601 đến 1606, hằng năm Chúa và Mạc phủ Tokugawa (chính quyền quân sự của nước Nhật - PV) đều có trao đổi thư từ với nhau, trong đó Chúa luôn tỏ ra là “người bạn hàng” hăm hở hơn và thường đóng vai chủ động. Trong khi đó, Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài không có quan hệ chính thức với chính quyền Nhật Bản cho đến lần tiếp xúc vào năm 1624, nhưng lần này cũng chỉ miễn cưỡng.

Một sách lược “mở” mạnh bạo

Thật lý thú khi nhận ra chuyến thị sát Quảng Nam của Chúa Nguyễn Hoàng vào năm 1602 có việc tìm cách nâng tầm giao thương với nước ngoài từ bến Hội An. Và việc lập dinh trấn Thanh Chiêm một phần cũng là để công quản một cảng thị Hội An phát triển, nằm phía dưới Thanh Chiêm không xa, bằng cả đường thủy và đường bộ.

Bước ngoặt phát triển của nền ngoại thương Đàng Trong được tính từ năm 1600 nhưng khởi điểm cho gia tốc tiến triển là từ 1602 khi dinh trấn Thanh Chiêm ra đời. Bởi, dinh trấn này không chỉ quản lý mà còn là nơi bảo vệ, hỗ trợ cho các đối tác giao thương ở cảng thị Hội An (Faifo) và cả Đàng Trong. Minh chứng cho chính sách “mở” được coi là rất táo bạo, năng động, kịp theo đà tiến của thời đại thương nghiệp(2) của Chúa Nguyễn Hoàng và một số chúa kế vị là họ đã cho thương nhân nước ngoài được phép tậu đất đai để làm nhà, làm cơ sở kinh doanh, xây chùa chiền, hội quán để định cư lâu dài tại Hội An. Không như các thương nhân châu Âu chỉ đến cảng thị này giao thương theo chuyến hay cùng lắm là mở thương điếm, một số thương gia Nhật Bản, Trung Hoa đã xây dựng phố buôn riêng: phố người Nhật, phố người Hoa tại Hội An. Có thể nói di sản văn hóa thế giới Hội An hôm nay chính là di sản của một chính sách ngoại thương tiên tiến được khởi xướng và thực hiện sâu rộng từ Chúa Nguyễn Hoàng, bởi đô thị Hội An có được danh vị này chính là từ các công trình kiến trúc của các thương gia Hoa kiều, Nhật kiều thời ấy còn lại ở đây.   

Một điểm nhấn hấp dẫn: vai trò, uy quyền của dinh trấn Thanh Chiêm với hoạt động ngoại thương ở cảng-thị Hội An và Đàng Trong được ghi nhận từ những nguồn thư tịch bên ngoài được lưu lại. “Cứ nhìn tòa hành dinh Thanh Chiêm trong bản vẽ của một người Nhật thời ấy là đủ thấy cái uy nghi của nó. Hèn chi thời đó người nước ngoài gọi vị trấn thủ ở Thanh Chiêm là vua trẻ, gọi Quảng Nam là Quảng Nam quốc”, ông Đinh Trọng Tuyên - người viết sử cho làng Thanh Chiêm, chỉ bức vẽ ông có được từ sao chụp, nói. Đó là bức tranh Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ (vượt biển đến buôn bán với người Giao Chỉ), do Nhật kiều ở Hội An thời đó là Chaya Shinroku vẽ, được lưu giữ ở chùa Jomyo tại Nagoyas, được các nhà khảo cổ Nhật tặng cho huyện Điện Bàn hồi năm 2000.

Cũng hấp dẫn khi đọc lại lời mô tả quyền lực của vị trấn thủ Quảng Nam tại dinh lỵ Thanh Chiêm trong tác phẩm Đông Tây dương khảo của một tác giả người Hoa hồi thế kỷ 17: “Viên trấn thủ Quảng Nam đứng đầu hết tất cả các tiểu địa hạt trong vùng, còn mạnh hơn cả Đàng Ngoài. Tân Châu (Quy Nhơn) và Đề Gi (hải cảng Đề Gi) tất cả đều triều cống cho Quảng Nam. Tàu đến Xinchou và Ti-yi để buôn bán phải bỏ ra nhiều ngày để đến Quảng Nam (tức dinh trấn Thanh Chiêm – PV) nộp thuế ở đó. Trấn thủ Quảng Nam cũng ban thẻ gỗ cho các thương gia. Trước tấm thẻ gỗ này người ta phải luôn luôn cúi chào rồi mới được đi. Danh tiếng Quảng Nam quả gây ấn tượng thực sự...”. Chính quyền uy bao trùm của vị “vua trẻ” của “Quảng Nam quốc” tại dinh lỵ Thanh Chiêm đã bảo hộ cho hoạt động buôn bán của các thương nhân trong vùng.

HUỲNH VĂN MỸ


(1) Xứ Đàng Trong - lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17-18, Li Tana, Nguyễn Nghị dịch, NXB Trẻ, 1999.

(2) Từ dùng của các sử gia phương Tây nói về nền thương nghiệp ở Đông Nam châu Á giai đoạn 1450-1680.

;
.
.
.
.
.