Văn hóa - Giải trí

CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤ TRỢ ABG 5

Giới thiệu vẻ đẹp đất và người Đà Nẵng

08:37, 24/09/2016 (GMT+7)

Trong thời gian diễn ra Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5), Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu thành phố. Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị đã sẵn sàng cho ABG 5.

Biểu diễn tuồng trên phố trở thành nét văn hóa đặc sắc trong trục không gian lễ hội hai bờ Sông Hàn.
Biểu diễn tuồng trên phố trở thành nét văn hóa đặc sắc trong trục không gian lễ hội hai bờ Sông Hàn.

Ông Cao Tấn Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố cho biết, dịp ABG 5, đơn vị được giao thực hiện 3 sự kiện, gồm: Vũ hội đường phố, hô hát bài chòi và biểu diễn kèn hơi. Đây là 3 hoạt động định kỳ trong chuỗi lễ hội, sự kiện hai bờ sông Hàn năm 2016. Tuy nhiên, dịp ABG 5 sẽ được đầu tư công phu cả về kịch bản, âm thanh, trang phục...

Với Vũ hội đường phố, điểm nhấn của sự kiện sẽ là phần hóa trang, giới thiệu trang phục truyền thống tiêu biểu của Việt Nam như: áo dài, khăn đóng; giới thiệu trang phục các dân tộc miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên, Nam Bộ. Đồng thời, giới thiệu trang phục truyền thống của một số quốc gia tham dự Đại hội như: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Malaisia, Bhutan... Các bài hát được dùng trong vũ hội thiên về những bài phổ biến trên toàn thế giới với điệu nhảy quen thuộc như: Delilah (valse), La Cumparsita (tango), Never on Sunday (rumba), Beautiful Sunday (disco)...

“Gần một tháng nay, các đơn vị, các câu lạc bộ tăng cường tập luyện nhằm đem đến một đêm vũ hội rộn ràng, sôi động và lôi kéo du khách cùng tham gia. Chúng tôi cố gắng xây dựng kịch bản mang tính cộng đồng, qua đó gởi gắm đến quan khách, VĐV các nước và khách du lịch về sự thân thiện, cởi mở, dễ gần của người dân Đà Nẵng”, ông Cao Tấn Ngọc chia sẻ.

Dịp ABG 5 cũng là cơ hội để giới thiệu nghệ thuật truyền thống của vùng đất Đà Nẵng gồm hô hát bài chòi và nghệ thuật tuồng. Theo ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, biểu diễn tuồng trên đường phố dịp này khá đặc biệt, nên thời gian biểu diễn kéo dài hơn, các trích đoạn chủ yếu mang giá trị lịch sử, đề cao truyền thống yêu nước của người Việt Nam như: Trưng Vương đề cờ, Trần Quốc Toản ra quân... “Các hoạt động khác trong đêm tuồng trên đường phố vẫn giữ nguyên như giới thiệu nghệ thuật vẽ mặt nạ tuồng; nghệ sĩ hóa trang ngay trước khán giả; cho thuê phục trang và tổ chức chụp ảnh cho du khách. Tất cả đều được chuẩn bị chu đáo, chỉnh chu hơn; nghệ sĩ, diễn viên chăm chút kỹ cho từng vai diễn. Đây là cơ hội để các nước trong khu vực và cả thế giới biết đến nghệ thuật tuồng”, ông Tuấn phấn khởi nói.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố cho biết thêm, ngoài các sự kiện do các đơn vị sự nghiệp trực tiếp tổ chức, sở cũng chỉ đạo Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Trung tâm Văn hóa thành phố... hỗ trợ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam trong phần phụ diễn chương trình nghệ thuật đêm khai mạc và bế mạc.

Bên cạnh nghệ thuật truyền thống, nét đẹp văn hóa miền biển cũng được tái hiện qua sự kiện Ngày hội miền biển và Đêm Mỹ Khê, diễn ra tại khu vực Lăng Cá Ông (đoạn Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt) do Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch thực hiện. Cả hai sự kiện này đều tái hiện hoạt động sinh hoạt đời thường của ngư dân, giới thiệu các trò chơi gắn liền với ngư dân miền biển như thi đánh cá, thi bơi thúng, kéo co...

Lịch các hoạt động phụ trợ ABG 5

1- Không gian lễ hội, văn hóa cộng đồng diễn ra từ 23-9 đến 2-10, tại công viên bờ đông cầu Rồng.

2- Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật, trao đổi kinh nghiệm phấn đấu, rèn luyện giữa thanh niên, VĐV Đà Nẵng với các VĐV quốc tế, ngày 30-9, tại sân khấu chính ABG 5.

3- Vũ hội đường phố diễn ra trong hai đêm 25-9 và 1-10, tại đường Võ Nguyên Giáp (đoạn từ Võ Văn Kiệt đến Phạm Văn Đồng).

4- Biểu diễn bài chòi diễn ra từ 24 đến 25-9 và ngày 1 đến 2-10, tại phía nam bờ đông cầu Rồng (vỉa hè Trần Hưng Đạo).

5- Biểu diễn kèn hơi, ngày 2-10, tại công viên Bạch Đằng, đối diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

6- Tuồng xuống phố, tối 26-9 và 2-10 (bờ đông cầu Sông Hàn).

7- Đêm Mỹ Khê, ngày 30-9, tại khu vực Lăng Cá Ông (đoạn giao Võ Nguyên Giáp - Võ Văn Kiệt).

8- Ngày hội miền biển, ngày 1-10, tại khu vực Lăng Cá Ông (đoạn giao Võ Nguyên Giáp - Võ Văn Kiệt).

9- Triển lãm sách, tài liệu từ 24-9 đến 5-10, tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố.

10- Triển lãm ảnh đẹp Đà Nẵng từ 23-9 đến 5-10 (Công viên Biển Đông).

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.