Văn hóa - Giải trí
Giữ nghề để không thẹn với tổ nghiệp
Đối với những nghệ sĩ, diễn viên hoạt động trong lĩnh vực sân khấu, dịp giỗ tổ hằng năm vào giữa tháng 8 âm lịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Lễ giỗ tổ được tổ chức long trọng tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh theo nghi thức lễ truyền thống. |
Trong dòng người có mặt tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vào dịp giỗ tổ ngành vừa qua, không khó để nhận ra những nghệ sĩ gạo cội, gắn liền với nghệ thuật sân khấu như: nhạc sĩ Trần Hồng, nhạc sĩ Trương Đình Quang, NSND Trần Đình Sanh, NSƯT Cao Đình Liên… Giỗ tổ sân khấu vốn là một hoạt động mang tính lễ hội truyền thống Việt Nam, là một tập tục cúng bái rất quan trọng như việc thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình người Việt. Dịp này, các nghệ sĩ tụ họp thể hiện lòng biết ơn thành kính đối với tổ nghiệp và những bậc tiền bối có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành Sân khấu.
Dù chưa hoàn toàn hồi phục sau tai nạn nhưng NSND Trần Đình Sanh vẫn cố gắng đến tham dự ngày giỗ tổ và thắp hương tưởng nhớ tổ nghiệp. NSND Trần Đình Sanh chia sẻ, ngày giỗ tổ trở thành nét đẹp văn hóa, ẩn chứa sâu sắc tình cảm của người nghệ sĩ đối với nghệ thuật. Mỗi năm, trong lễ giỗ tổ, nhà hát đều có biểu diễn một trích đoạn tuồng để báo cáo với tổ nghiệp về những việc đã đạt được trong năm qua, cầu mong cho sân khấu sáng đèn để người nghệ sĩ được cống hiến hết tài năng của mình. “Hơn mấy chục năm trong nghề và bây giờ đã về hưu, nhưng mỗi năm, đến ngày giỗ tổ, tôi vẫn đến thắp hương, tỏ lòng thành biết ơn tổ nghiệp đã cho tôi những năm tháng sống với niềm đam mê mãnh liệt về tuồng”, NSND Trần Đình Sanh xúc động nói.
Cùng niềm đam mê với nghề, ông Nguyễn Quỳnh, vốn được xem là “bà đỡ” của nghệ thuật tuồng huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) chia sẻ, cho đến nay vẫn chưa biết rõ tổ nghiệp của ngành là ai, nhưng theo tục lệ từ bao đời, thế hệ trước truyền thế hệ sau rằng đã gắn với nghiệp sân khấu thì không được quên ngày giỗ tổ. Cái hay, cái đẹp của ngày giỗ tổ là nhắc nhở những người theo nghề phải nhớ đến công lao người sáng lập và tự mình rèn luyện, bồi đắp, trau dồi nghề nghiệp.
NSƯT Nguyễn Thị Bích Phượng tâm sự, 19 năm gắn bó với nghệ thuật tuồng là 19 năm biết đến ngày giỗ tổ, nhưng năm nào đến ngày này cũng lâng lâng cảm xúc khó tả. Ngay cả khi trước mỗi đêm diễn, đêm thi hay khi lòng bất an về nghề nghiệp, chị thường đến bàn thờ tổ khấn nguyện như tìm kiếm điểm tựa tinh thần. “Tôi luôn cầu mong tổ nghiệp cho tôi sức khỏe, giữ được ngọn lửa đam mê với nghề. Bản thân cũng nỗ lực hết mình, giữ đạo đức của nghề để không hổ thẹn với tổ nghiệp”, NSƯT Bích Phượng chia sẻ.
Đến thời điểm hiện tại, thành phố Đà Nẵng có ba di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng, Lễ hội cầu ngư ở Đà Nẵng. Đối với nghệ thuật tuồng, ngoài Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là đơn vị sự nghiệp công lập còn có đoàn tuồng tư nhân Sông Thu do nghệ sĩ tuồng Nguyễn Thị Thu Trang và nghệ nhân dân gian Văn Phước Phô (nghệ danh Cẩm Phô) thành lập, chuyên đi biểu diễn phục vụ người dân vùng ven Đà Nẵng và các huyện thuộc tỉnh Quảng Nam.
Tin vui đến với những người làm công tác nghệ thuật khi Đà Nẵng vừa đón nhận bằng Di sản phi vật thể quốc gia nghệ thuật Tuồng xứ Quảng và bằng này sẽ được treo tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Đây là niềm vinh dự lớn, nhưng đi đôi là trách nhiệm ngày càng lớn hơn. Giới nghệ sĩ mong muốn thành phố quan tâm đến kế hoạch phát triển dài hạn cho nhà hát, trong đó chú trọng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ diễn viên. Ngược lại, bản thân mỗi nghệ sĩ, diễn viên nỗ lực không ngừng trong từng vai diễn, khổ luyện và nhà hát phải sáng đèn để tạo đất diễn cho nghệ sĩ, bởi muốn giỏi nghề chỉ có “văn ôn, võ luyện”.
Bài và ảnh: HÀ THU