Nhiều công trình văn hóa đang được nâng cấp, cải tạo, xây mới và dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2016, góp thêm địa chỉ văn hóa trên địa bàn thành phố.
Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đang được gấp rút thi công phần trưng bày nội thất để hoàn thiện vào cuối năm 2016. |
Khẩn trương hoàn thiện nhiều công trình
Những ngày cuối tháng 8, phần nội thất trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tiếp tục được gấp rút triển khai. Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Hà Thanh Vân chia sẻ, dù đã gần 2 năm đi vào hoạt động nhưng Bảo tàng vẫn chưa ra mắt công chúng vì chỉ mới có phần vỏ, phần ruột còn chờ thi công nội thất trưng bày. “Thông qua các hình thức chuyển nhượng với giá hữu nghị và hiến tặng của các họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà sưu tập trong khu vực, đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã lưu giữ trên 529 hiện vật có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật bao gồm nhiều chất liệu. Với tiến độ thi công hiện nay, chúng tôi kỳ vọng đến cuối năm 2016, Bảo tàng sẽ ra mắt công chúng, vừa là cơ hội giới thiệu những tác phẩm mỹ thuật có giá trị đến với công chúng, vừa thực hiện công tác bảo quản tốt hiện vật”, ông Vân nói.
Trong khi đó, công trình trùng tu, tôn tạo Khu di tích K20 giai đoạn 2 cũng được khẩn trương thực hiện. Với tổng vốn đầu tư hơn 36 tỷ đồng, giai đoạn 1 của công trình đã hoàn thiện hạng mục trùng tu, tôn tạo các di tích nhà thờ Bà Nhiêu, nhà thờ tộc Huỳnh, nhà ông Huỳnh Trưng, nhà truyền thống K20… Giai đoạn 2 với kinh phí hơn 17 tỷ đồng gồm các hạng mục hệ thống điện, đường, cống thoát nước…
Khi giai đoạn 1 hoàn thiện, từ tháng 4-2016, Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn được giao nhiệm vụ khai thác, quản lý. Ông Lê Quang Tươi, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho rằng, công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện, nên việc khai thác khách du lịch vẫn còn hạn chế. Trong 3 tháng hoạt động, Khu di tích K20 đón hơn 600 lượt khách tham quan, chủ yếu là học sinh, cán bộ trên địa bàn thành phố. Khu di tích K20 có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, vì thế, chủ trương trùng tu, tôn tạo rất kịp thời, không chỉ phát huy giá trị lịch sử mà còn tạo nên sản phẩm mới, góp phần định hình thêm điểm đến cho du lịch Đà Nẵng.
Ngoài hai công trình trên, năm 2016, thành phố quan tâm đầu tư, nâng cấp một số công trình khác như: Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Hải Châu, Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Liên Chiểu, công trình khu công viên cây xanh kết hợp bảo vệ khu di tích Cây me Phước Trường, nâng cấp rạp Lê Độ… Qua đó, từng bước hoàn thiện các thể chế văn hóa trọng điểm trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.
Thêm nhiều công trình có giá trị lịch sử
UBND thành phố cũng đã phê duyệt kinh phí xây dựng một số công trình có giá trị lịch sử trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, duyệt chi kinh phí gần 17 tỷ đồng xây dựng. Tượng đài chiến tích Gò Hà, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang có kinh phí khoảng 10 tỷ đồng và Tượng đài chiến tích Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu 6,6 tỷ đồng. Sở Văn hóa-Thể thao là đơn vị được giao hoàn thành hồ sơ thủ tục đầu tư.
Đến thời điểm hiện tại, Sở đã tổ chức thi phác thảo Tượng đài chiến tích Gò Hà và thành lập hội đồng chấm phác thảo, hoàn thành lựa chọn phác thảo trong năm 2016, đến năm 2018 đăng ký vốn triển khai công trình. Tượng đài chiến tích Hải Vân dự kiến hoàn thành công tác chuẩn bị năm 2016 và đăng ký vốn triển khai đầu tư đầu năm 2017. Riêng Công viên Văn hóa – Lịch sử Ngũ Hành Sơn và Nhà hát lớn với hình thức đối tác công tư (PPP) nên đang thực hiện các thủ tục mời gọi đầu tư.
Có thể nói, việc xây dựng các công trình văn hóa có ý nghĩa lịch sử không chỉ ghi dấu sự kiện của quân và dân Đà Nẵng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm mà còn khơi gợi, giáo dục tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, góp phần tạo nên địa chỉ văn hóa, điểm đến mang dấu ấn lịch sử vẫn còn thiếu trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao thành phố, nhiều công trình văn hóa dự kiến đầu tư quan trọng nhưng không bức thiết. Bức thiết hiện nay của ngành là phải có Trung tâm Văn hóa, nếu không có thì không thể phát triển hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng. Vì thế, lãnh đạo thành phố nên ưu tiên đầu tư Trung tâm Văn hóa thành phố trong thời gian sớm nhất, tiếp đến là cơ sở làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập khác của ngành.
Kinh phí xây dựng cơ bản năm 2016 bố trí cho Sở Văn hóa-Thể thao là 73,268 tỷ đồng. Trong đó, bố trí hơn 70 tỷ đồng cho 33 công trình văn hóa (11 công trình thanh quyết toán, 3 công trình chuyển tiếp, 6 công trình mới, 13 công trình chuẩn bị đầu tư) và 2 công trình thể thao. Giai đoạn 2016-2020, ngoài các công trình văn hóa trọng điểm, Sở Văn hóa-Thể thao sẽ phối hợp với các quận, huyện lên kế hoạch triển khai chi tiết xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở dựa trên quy hoạch tổng thể mạng lưới thiết chế văn hóa được phê duyệt, bảo đảm đến năm 2020, Đà Nẵng có 80% xã, phường có trung tâm văn hóa-thể thao và 20% xã, phường còn lại có thiết chế trung tâm văn hóa. |
Bài và ảnh: HÀ THU