Mấy năm gần đây, theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa, phong trào mỹ thuật Đà Nẵng khởi sắc. Đặc biệt, sự ra đời của Bảo tàng Mỹ thuật tạo động lực sáng tạo cho giới hội họa thành phố. Tuy nhiên thực tế, mỹ thuật Đà Nẵng vẫn thiếu chiều sâu, cần sự hỗ trợ, đầu tư nhiều hơn nữa.
“Làm việc miệt mài, sáng tác miệt mài; bởi nếu anh không sáng tác thì không thể nói đến chuyện có một tác phẩm chất lượng”, họa sĩ Vũ Trọng Thuấn chia sẻ. |
Nhiều hoạt động sôi nổi
Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố cho biết, để động viên, tạo điều kiện cho hội viên sáng tác, giao lưu, học hỏi lẫn nhau, hằng năm Hội Mỹ thuật thành phố tổ chức các chuyến đi thực tế về vùng nông thôn mới Hòa Vang, phố cổ Hội An hoặc chỉ trong nội thành... Hai năm gần đây, Bảo tàng Mỹ thuật được thành lập đã tạo động lực cho giới họa sĩ Đà Nẵng sáng tạo để có những tác phẩm chất lượng được trưng bày tại Bảo tàng.
Trong khi đó, các họa sĩ gạo cội trong làng hội họa cả nước cũng nhìn nhận mỹ thuật Đà Nẵng có thể được xem là “trái tim”, “linh hồn” của khu vực miền Trung và Tây Nguyên bởi có không ít họa sĩ đoạt giải thưởng lớn. Mới đây nhất, tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 21-2016 tổ chức hồi tháng 7 tại Quảng Ngãi, Hội Mỹ thuật Đà Nẵng có số lượng tác phẩm chọn trưng bày nhiều và chiếm hầu hết giải thưởng, như tác phẩm Hội An xưa của họa sĩ Nguyễn Tường Vinh đoạt giải A, Chuyện của biển của họa sĩ Thân Trọng Dũng và Tre Việt của họa sĩ Hồ Đình Nam Kha đoạt giải Tặng thưởng…
“20 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với nhiều dấu ấn, riêng mỹ thuật Đà Nẵng có thể tự hào đã đoạt được hầu hết giải thưởng danh giá, coi như góp phần vào thành tựu chung của thành phố 20 năm qua”, họa sĩ Tường Vinh nói.
Cần hướng đến chiều sâu
Cũng theo họa sĩ Tường Vinh, dù có khởi sắc, song mấy năm gần đây mỹ thuật Đà Nẵng phát triển theo phương ngang. Nghĩa là đông hội viên, nhiều cuộc triển lãm, trưng bày, nhiều phát động sáng tác, nhiều cuộc đi thực tế sáng tác và trại sáng tác... nhưng có vẻ lại đang thiếu chiều sâu.
“Chưa bao giờ đội ngũ họa sĩ trẻ Đà Nẵng lại đông và được đào tạo bài bản như giai đoạn này. Song chưa có tên tuổi nào thật sự nổi bật, trong khi đó Quảng Nam, Huế đã đạt được điều này. Cảm nhận của riêng tôi, hai nguyên nhân cơ bản nhất đó là thời gian dành cho sáng tác không nhiều và cộng đồng chưa đánh giá đúng giá trị sáng tạo của người họa sĩ”, họa sĩ Tường Vinh chia sẻ.
Giải thích thêm điều này, họa sĩ Tường Vinh nói, thử tưởng tượng, khi mà không thể sống được bằng nghề vẽ tranh, nhiều họa sĩ phải làm “thợ đụng” để lo cho gia đình thì quỹ thời gian dành cho vẽ tranh không nhiều. Trong khi sáng tác ra tác phẩm, được trưng bày tại triển lãm thì chẳng ai quan tâm. Hãy dạo quanh các triển lãm mỹ thuật, nhìn quanh chỉ có anh em trong nghề, hiếm hoi lắm mới có người xem!
“Có thể những lý do trên ảnh hưởng phần nào đến mỹ thuật Đà Nẵng. Song cũng phải nhìn nhận lại vai trò của người họa sĩ. Để đạt tác phẩm chất lượng, bản thân người nghệ sĩ phải không ngừng sáng tạo, bởi trong bất kể ngành nghề nào thì lao động chiếm 99% và thiên tài chỉ 1%”, họa sĩ Tường Vinh chia sẻ thêm.
Dẫn chứng bản thân mình, họa sĩ Tường Vinh cho biết, với tác phẩm tranh khắc gỗ Hội An xưa, kích thước 116x194cm vừa đoạt giải, họa sĩ phải sáng tác ròng rã hơn một năm và đã ba lần từng bỏ cuộc, bởi chỉ cần sai sót một chi tiết nhỏ thì mất hơn một tháng chỉnh sửa. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, họa sĩ Tường Vinh lại tìm về phòng tranh của mình, chiêm nghiệm để khắc phục những điểm chưa đạt trong lần sáng tác sau.
Tương tự, họa sĩ Vũ Trọng Thuấn, năm nay đã 77 tuổi, mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, song ông không ngừng sáng tác. Trong không gian phòng tranh của mình, họa sĩ Vũ Trọng Thuấn sáng tác những bức tranh ngoại cỡ dài hơn 10m, trong đó có hai bức tranh sơn mài ấn tượng ông đặt tên là Bốn mùa và Việt Nam.
10 năm qua, ông sáng tác hàng trăm bức tranh nhưng không bán dù luôn có người trả giá cao và hiện tại số tranh của ông đủ để mở một bảo tàng tư nhân về mỹ thuật. Nhưng hiện nay, thực tế không nhiều, thậm chí ngày càng ít họa sĩ có được sự trăn trở cần thiết để “thai nghén” nên các tác phẩm nghệ thuật đích thực.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ