.

Tăng mức chi cho văn nghệ quần chúng

.

Một tín hiệu vui đối với phong trào nghệ thuật quần chúng toàn quốc nói chung, tại Đà Nẵng nói riêng là theo thông tư do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) ban hành mới đây, định mức chi bồi dưỡng tập luyện, biểu diễn đối với đội tuyên truyền lưu động, đội nghệ thuật quần chúng tăng hơn 30% so với mức cũ.

Tiết mục biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng quận Thanh Khê.
Tiết mục biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng quận Thanh Khê.

Diễn “chay”

Mỗi lần có hội diễn văn nghệ hay liên hoan, hội thi, các cán bộ văn hóa cấp phường, xã lại mướt mồ hôi với việc “lùng” diễn viên, ca sĩ. Anh Nguyễn Văn Lộc, cán bộ phụ trách văn hóa-xã hội phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) chia sẻ, thông qua hoạt động của các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, anh “nhắm nhắm” vài hạt nhân phong trào, từ đó gầy dựng thành đội văn nghệ. “Họ tham gia, góp sức vì việc chung chứ địa phương không có nguồn kinh phí hỗ trợ tập luyện.

Gần đây nhất là khi tham gia liên hoan nghệ thuật quần chúng cấp quận vào đầu tháng 9, cả đội gần 20 người, tập luyện ròng rã tháng trời nhưng ca sĩ, diễn viên chỉ được bồi dưỡng nước uống, bánh mì vì kinh phí hạn hẹp nên dùng vào việc thuê trang phục, biên đạo... Thế mà ai cũng hăng say tập luyện”, anh Lộc nói.

Đến như cấp quận, huyện hoặc Trung tâm Văn hóa thành phố, việc xây dựng đội nghệ thuật quần chúng cũng trong tình trạng thiếu diễn viên. Hiện Trung tâm Văn hóa thành phố có hai phòng thực hiện phong trào quần chúng gồm Đội tuyên truyền lưu động và Phòng Nghệ thuật quần chúng với hơn 10 cán bộ. Để xây dựng chương trình nghệ thuật quần chúng cấp thành phố hay chương trình nghệ thuật tuyên truyền lưu động phục vụ nhân dân, Trung tâm huy động lực lượng quần chúng, đội ngũ cộng tác viên từ Trường Cao đẳng Văn hóa-nghệ thuật thành phố, trung tâm văn hóa các quận, huyện…

Theo cách nói của những người làm công tác nghệ thuật quần chúng là tận dụng “cây nhà là vườn” và cũng chính đội ngũ không chuyên này đã chiếm được không ít tình cảm, sự tán thưởng của người xem, góp phần phát triển phong trào văn nghệ. Mới đây, các tiểu phẩm Chuyện hàng xóm – Lẵng hoa mừng sinh nhật, Hoàng Sa – Trường Sa đất mẹ yêu thương, hay chương trình nghệ thuật “Hướng về biển đảo” do Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức, với sự góp mặt của nhiều diễn viên quần chúng đã nhận được những tràng vỗ tay không dứt của bà con.

Vẫn phải chờ…

Ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố cho rằng, để nâng cao chất lượng phong trào quần chúng, bên cạnh công tác nghiệp vụ, Trung tâm chú trọng đến nguồn lực con người, đặc biệt xây dựng đội ngũ cộng tác viên.

“Đội ngũ này không được hưởng lương, có chăng chỉ là số tiền bồi dưỡng tập luyện, biểu diễn ở tầm 150.000 đồng/người/1 tiết mục dựa trên Thông tư số 191 do Bộ Tài chính và Bộ VH-TT&DL ban hành năm 2011. Nếu không có đội ngũ này, Trung tâm lấy đâu ra người tổ chức các phong trào nghệ thuật quần chúng. Vì thế, nuôi dưỡng và thu hút các hạt nhân phong trào cần được quan tâm hơn”, ông Ngô Văn Bảy nêu ý kiến.

Đó cũng là tình trạng chung của hoạt động nghệ thuật quần chúng trên cả nước và đã nhận được nhiều kiến nghị. Vì thế, mới đây, tháng 3-1016, Bộ Tài chính và Bộ VH-TT&DL ban hành Thông tư liên tịch 46 về định mức chi bồi dưỡng tập luyện, biểu diễn đối với đội tuyên truyền lưu động, đội nghệ thuật quần chúng thay cho Thông tư số 191 ban hành năm 2011. Theo đó, định mức mới tăng hơn 30% so với mức cũ.

Cụ thể, định mức chi bồi dưỡng cho 1 buổi tập là 60.000 đồng/người/buổi/4 giờ (mức cũ 40.000 đồng); chi bồi dưỡng trong chương trình biểu diễn lưu động: mức bồi dưỡng đối với tuyên truyền viên đóng vai chính là 100.000 đồng/người/buổi (mức cũ 65.000 đồng); mức bồi dưỡng đối với tuyên truyền viên đóng các vai diễn khác là 80.000 đồng/người/buổi (mức cũ 50.000 đồng). Dựa trên thông tư này, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định định mức có thể thấp hoặc cao hơn nhưng mức tăng, giảm không vượt quá 20% khung quy định.

Ông Ngô Văn Bảy cho rằng, đây là tín hiệu vui đối với những người làm công tác nghệ thuật quần chúng, góp phần thu hút hạt nhân phong trào, nâng cao chất lượng nghệ thuật quần chúng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND thành phố đã có công văn ngày 12-4, yêu cầu Sở Tài chính phối hợp Sở Văn hóa-Thể thao tiến hành triển khai thông tư này và đến nay vẫn chưa có quyết định ban hành định mức chi bồi dưỡng, tập luyện dù thông tư bắt đầu có hiệu lực từ 30-8.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.